Chân dung nữ nghệ nhân trẻ có 8 sản phẩm hương an toàn đạt chuẩn OCOP

10:50 06/12/2023

Xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội vốn có truyền thống làm chân hương và làm hương nhưng chỉ có cơ sở của chị Nguyễn Thu Phương (được phong Nghệ nhân làng nghề năm 2022) là tiên phong trong việc sản xuất hương an toàn.

Chị có 8 sản phẩm hương an toàn thương hiệu Từ Bi Hương đạt OCOP ở xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội.

Ảnh minh họa

Là thế hệ thứ 2 trong gia đình truyền thống sản xuất hương. Năm 2010 chị lập gia đình, về chỗ mới dựng xưởng, dạy nghề cho cả nhà chồng thành lập Cơ sở sản xuất Từ Bi Hương (thôn Quảng Nguyên, xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hoà, Hà Nội).

Chị luôn ý thức được việc mình đang hướng tới ngoài kinh doanh phát triển kinh tế gia đình, còn trách nhiệm giữ gìn và phát triển nghề làm hương truyền thống có tuổi đời hàng trăm năm. Do đó, chị luôn cố gắng chăm chút, tìm ra các nguyên liệu để làm mới sản phẩm của mình nhưng vẫn giữ được giá trị cốt lõi của nó.

Cũng theo chị Phương, với công đoạn làm bột hương, nguyên liệu chính được sử dụng là hỗn hợp bột quế, trấu và mùn cưa, nay còn sử dụng thêm cả trám, nụ trầm, bồ kết để đem lại những mùi hương mới lạ cho sản phẩm. Khi đã chọn được nguyên liệu phù hợp sẽ đem đi nghiền, trộn thành hỗn hợp bột mịn, sau đó pha với nước và cho vào máy để bắt đầu quy trình làm bột hương.

Đối với chân hương, người dân Quảng Phú Cầu chủ yếu sản xuất từ cây vầu. Những thanh vầu được mua về từ các vùng như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh…; được tập kết lại và đem đi làm khô bằng cách cho vào lò sấy hoặc phơi nắng 4 - 7 ngày. Sau khi vầu được phơi khô sẽ đưa vào hệ thống máy chẻ tự động để làm tăm. 

Lúc đầu cơ sở của chị chỉ bán nội địa nhưng chị đã tự học ngoại ngữ rồi giới thiệu, bán hàng trên mạng, bán hàng trực tiếp với người nước ngoài. Dù nguyên liệu có lúc giá cao mà giá bán hàng lại xuống, tiền nong chi tiêu hàng tháng có khi còn không đủ, nhưng Phương vẫn cố gắng chèo lái.

Cơ sở cứ thế phát triển dần, đến đỉnh cao có 15 máy, 20 lao động, xuất khẩu mỗi tháng 1 container đi Ấn Độ, Malaysia, Ảrập. Hương xuất khẩu có đặc điểm là dùng bột gỗ không mùi, sau khi về nước họ mới tẩm tinh dầu vào. Xuất sang Ấn Độ có đạo Hindu thì hương rất ngắn, chỉ 20cm, màu đen, nâu để mỗi sáng trước khi đi làm người dân đốt hương, cầu nguyện chừng 20 phút. Xuất sang Malaysia, Ả rập thì hương dài 38cm, màu, xanh, đỏ, tím, vàng, thắp được chừng 1 tiếng. Mọi thứ đang làm ăn phát đạt thì năm 2018 thị trường Ấn Độ không nhập hương nữa bởi chủ trương tạo nghề cho chính dân bản địa, nhập máy, nhập nguyên liệu về cho dân tự làm. Lúc đó, Phương chỉ còn xuất khẩu sang Malaysia, Ả rập, mỗi năm 1 - 2 container.

Ảnh minh họa

Tuy nhiên dịch Covid-19 ập đến cánh cửa xuất khẩu này cũng bị đóng sập lại. Bế tắc, chị lo lắng không biết phải làm thế nào. Thậm chí chồng còn định bỏ xứ đi nước ngoài kiếm kế sinh nhai thì với con nhỏ ở nhà cô chỉ còn có nước bỏ nghề. Trong thời gian nhàn rỗi của dịch Covid, Phương thử nghiệm các loại mùi mới và mày mò làm hương an toàn đi chào hàng ở các cửa hàng dưới dạng ký gửi, hay bày bán ở các chợ, vừa giới thiệu vừa đốt ngay tại chỗ với hi vọng khách nghe sẽ xuôi tai, ngửi sẽ thấy thích. Mới đầu sản xuất cũng chỉ đủ cho vợ chồng sinh sống và trả nợ. Vài năm sau, khách đặt hàng nhiều, đủ cho Phương tự tin gửi sản phẩm của mình đi dự thi OCOP.

Trước đó cô phải đem từng sản phẩm của mình đi xét nghiệm để chứng minh với ban giám khảo OCOP là hương an toàn, không tồn dư các chất độc hại. Năm 2021 cô có 4 sản phẩm đạt OCOP 3 sao, năm 2022 cô có 4 sản phẩm đạt OCOP 4 sao vì độ tinh tế lúc đó đã cao hơn hẳn. Bên cạnh vinh dự là chủ nhân của 8 sản phẩm OCOP, mới đây cô còn nhận niềm vui được phong tặng nghệ nhân sản xuất hương.

Trang thông tin có sự phối hợp với Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội

Bích Hảo