Các thành phố lớn vẫn chưa đủ công nhân khôi phục sản xuất

23:30 11/04/2022

Tại Hà Nội, nhiều KCN và nhà máy chỉ có hơn 60% công nhân, dù đưa ra nhiều chính sách ưu đãi nhưng số công nhân được tuyển mới không bao nhiêu

Hai tháng gần đây trạng thái bình thường mới đã được lập, tuy nhiên rất nhiều nhà máy, doanh nghiệp ở các TP lớn như Hà Nội, TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai chưa thu nhận đủ công nhân khôi phục sản xuất như trước dịch. 

Cụ thể, tại TP Hồ Chí Minh, số công nhân trở lại trong các nhà máy chiếm tỷ lệ khá cao, trên dưới 85%, nhưng cũng có nhà máy chỉ được 70%. Ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Ban Quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp (KCX, KCN) TP Hồ Chí Minh (Hepza), cho biết còn thiếu khoảng 5.700 người cho quý II.

Các thành phố lớn vẫn chưa đủ công nhân khôi phục sản xuất
Các thành phố lớn vẫn chưa đủ công nhân khôi phục sản xuất.

Tình hình thiếu hụt nhân công ở Hà Nội có vẻ trầm trọng hơn, nhiều KCN và nhà máy chỉ có hơn 60% công nhân, dù đưa ra nhiều chính sách ưu đãi nhưng số công nhân được tuyển mới không bao nhiêu, thậm chí phải điều cán bộ quản lý và nhân viên văn phòng xuống làm việc ở các phân xưởng.

Tuy nhiên, công nhân công nghiệp ở các nhà máy quay lại làm việc vẫn có tỷ lệ cao hơn so với người lao động trong lĩnh vực dịch vụ do nhiều loại dịch vụ, thương mại chưa trở lại hoạt động bình thường được, nhất là lĩnh vực giải trí, làm đẹp, du lịch. 

Một số lượng lao động ở lại không về TP lớn vì các tỉnh đã bắt đầu xuất hiện những KCN, nhà máy. Các tỉnh như Điện Biên, Sơn La, Hà Giang, Cao Bằng và các tỉnh miền Trung đã tiến hành xúc tiến đầu tư và đã có các nhà đầu tư nước ngoài chọn các tỉnh xa này làm bến đỗ.

Tuy quy mô chưa lớn, thu nhập của công nhân thấp hơn so với thời gian làm ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, nhưng do mặt bằng giá thấp hơn nên cũng đủ sống. Ngoài ra, lực lượng lao động này sau thời gian làm việc ở các TP lớn có kinh nghiệm, kỹ năng làm việc, các mối quan hệ và đầu óc mở mang, nên xúc tiến các hoạt động sản xuất kinh doanh dựa trên đặc điểm của địa phương, nhất là các loại nghề truyền thống và nông nghiệp địa phương.

Khi lực lượng lao động phổ thông giảm, là cơ hội cho các TP lớn hoạch định lại chiến lược phát triển công nghiệp trong bối cảnh mới. Từ đó, TP Hồ Chí Minh muốn tái cấu trúc lại hệ thống công nghiệp và dịch vụ theo hướng hiện đại dựa trên thành tựu của công nghiệp 4.0, công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa.

PV