Bức tranh khởi nghiệp tại Việt Nam trong năm 2020 đầy sóng gió

08:15 16/12/2020

2020 được coi là một năm kinh tế buồn cho cả thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Nhưng “cái khó ló cái khôn”, khó khăn lại trở thành nền đất tốt ươm mầm cho những xu hướng start-up đầy tiềm năng. Cùng nhìn lại toàn cảnh bức tranh về khởi nghiệp năm 2020 với cả những thành công và thất bại.

ảnh minh họa

Ảnh minh họa.

Điểm đến hàng đầu cho các quỹ đầu tư mạo hiểm

Theo báo cáo của quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures, đầu tư vào các startup công nghệ Việt Nam đạt ngưỡng cao kỷ lục trong năm 2019, với 123 thương vụ đầu tư trị giá 861 triệu USD. Các thương vụ lớn thuộc về các startup có tên tuổi như Tiki, Sendo, VNPay...

Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2020, nguồn vốn đổ vào cho các startup công nghệ chỉ đạt 222 triệu USD, giảm 22% so với cùng kỳ năm trước. Theo Do Ventures, sự sụt giảm này là không thể tránh được do ảnh hưởng của Covid-19 đến hoạt động đầu tư, đặc biệt là việc hạn chế đi lại và sự bất ổn của tình hình tài chính thế giới.

Do Ventures đã tiến hành khảo sát 50 nhà đầu tư đang hoạt động tại 6 thị trường lớn ở Đông Nam Á (Việt Nam, Indonesia, Singapore, Malaysia, Philippines và Thái Lan). Kết quả cho thấy Việt Nam vẫn là ưu tiên hàng đầu của các quỹ đầu tư mạo hiểm trong 12 tháng tới, với 117-200 thương vụ dự kiến được thực hiện. Trong đó, gần 80% các nhà đầu tư được khảo sát đều dự định đầu tư 1-5 thương vụ.

Tại Diễn đàn quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam (Vietnam Venture Summit 2020) diễn ra ngày 25/11, 33 quỹ đầu tư đã cam kết rót 815 triệu USD vào lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam trong giai đoạn 5 năm 2021-2025.

Startup Việt sáng tạo thời Covid

Năm 2020, đại dịch Covid-19 đã mang tới những thách thức về hậu cần, thiếu hụt tài chính, giảm hoạt động kinh doanh, gián đoạn chuỗi cung ứng và các sự kiện bị hủy, khiến nhiều công ty khởi nghiệp trải qua thời gian ngưng trệ.

Thông thường, các startup đã gặp khó khăn trong việc tạo nguồn thu, trong thời kỳ trước và sau đại dịch Covid - 19 khả năng cân đối giữa nguồn thu và chi phí càng khó khăn gấp bội và sức hấp dẫn trong con mắt các nhà đầu tư cũng vì thế suy giảm nghiêm trọng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Thế nhưng, trong bối cảnh đó, nhiều startup đã tung ra các giải pháp công nghệ nhằm hỗ trợ cộng đồng trong thời gian Việt Nam phải giãn cách xã hội vì đại dịch Covid-19. Theo khảo sát tính đến đầu tháng 4 từ Văn phòng "Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia đến năm 2025" (Đề án 844) thuộc Bộ KH&CN, có gần 100 dự án/ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cung cấp giải pháp công nghệ chống Covid-19.

Những giải pháp này không chỉ hỗ trợ xử lý trực tiếp tuyến đầu dịch bệnh, mà còn giúp giải quyết vấn đề cho nhóm cộng đồng đang cách ly và nhóm chịu ảnh hưởng gián tiếp.

Trong đó có thể kể đến Kompa - startup công nghệ ứng dụng dữ liệu lớn và AI - đã tạo ra một website giúp theo dõi diễn biến của đại dịch. Startup Got It giới thiệu phiên bản thử nghiệm của COVID 19 Check, dịch vụ giúp người dùng có thể kiểm tra được khả năng bị lây nhiễm theo phân loại từ F0 tới F5.

Ở lĩnh vực giáo dục, Elsa Speak cũng thông báo tài trợ toàn bộ học phí gói Elsa Pro cho tất cả học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 trên toàn quốc đến ngày 30/6

Những cái kết đắng của Startup Việt

 Năm 2020 chứng kiến sự thất bại của một số startup Việt, trong đó đáng chú ý là Leflair và WeFit – 2 công ty khởi nghiệp từng được đánh giá cao và gọi vốn thành công số tiền triệu USD.

Tiến vào thị trường Việt Nam từ năm 2015, được sáng lập từ "người cũ" của Lazada Loic Gautier và Pierre-Antoine Brun, Leflair là trang thương mại điện tử đầu tiên ở Việt Nam chuyên phân phối sản phẩm hàng hiệu, hướng tới đối tượng khách hàng là tầng lớp trung lưu. Được biết, trong 4 năm tồn tại, Leflair đã thu hút được rất nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm như GS Shop và Belt Road Capital Management với tổng số tiền lên tới 12 triệu USD. Dòng vốn quý giá đáng lẽ được dùng để nhập hàng và tăng quy mô thì lại bị các doanh nghiệp dùng để đầu tư hệ thống kho bãi, giao nhận. 

Chính những sai lầm trong quản trị dòng tiền và mô hình hoạt động đã buộc Leflair phải dừng cuộc chơi. Công ty hứa sẽ thanh toán công nợ cho đối tác vào cuối tháng 3/2020, và tuyên bố phá sản, nhưng đến nay tiền nợ vẫn chưa thanh toán.

Ra đời giữa năm 2016 với Founder Khôi Nguyễn – người từng lọt vào top 10 gương mặt trẻ tiêu biểu của Việt Nam năm 2017 và danh sách "30 under 30 Việt Nam" do Forbes bình chọn, WeFit là ứng dụng kết nối các phòng tập với khách hàng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi và tiết kiệm thời gian, chi phí cho người sử dụng. WeFit cho phép người dùng có thể đi tập tại bất cứ phòng tập nào và tập không giới hạn trong hệ thống, với hơn 20 bộ môn như: Gym, Yoga, Boxing, Zumba,… bằng việc chỉ cần thanh toán một lần duy nhất cho tất cả các phòng tập trong hệ thống.

tuyên bố dừng hoạt động vào tháng 5,
 WeFit tuyên bố dừng hoạt động vào tháng 5.

Năm 2019, startup này công bố gọi vốn thành công 1 triệu USD từ các quỹ đầu tư CyberAgent Capital, KBInvest và một số nhà đầu tư thiên thần khác. Trước đó, công ty từng được quỹ đầu tư ESP Capital đầu tư 155.000 USD vào năm 2017.

Trước khi tuyên bố dừng hoạt động vào tháng 5, WeFit bị nhiều phòng tập, spa tố nợ tiền và tuyên bố ngừng hợp tác từ cuối năm 2019. Đầu tháng 2 năm nay, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Hải Đăng thay nhà sáng lập Khôi Nguyễn đảm nhận vị trí CEO. Đến tháng 3, WeFit tiếp tục khiến nhiều khách hàng bức xúc khi bất ngờ thay đổi chính sách sử dụng.

Sai lầm ngay từ mô hình hoạt động ban đầu nên WeFit càng làm càng lỗ, mặc dù đã huy động được hơn 1 triệu USD vốn từ các nhà đầu tư. Đến ngày 11/5 vừa qua, tức chỉ sau 3 năm được thành lập, startup này phải cay đắng thừa nhận: "Vốn hoạt động của chúng tôi đã cạn kiệt hoàn toàn".

Câu chuyện sáp nhập

Một trong những vấn đề "nóng" nhất trên thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam năm 2020 là câu chuyện sáp nhập của 2 sàn TMĐT nội địa Sendo và Tiki.

Bên cạnh việc thường xuyên nằm trong Top 4 nền tảng TMĐT có lượt truy cập lớn nhất Việt Nam, cả 2 công ty này đều thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư ngoại và có những vòng gọi vốn trị giá hàng chục triệu USD trong thời gian qua.

Tiki do ông Trần Ngọc Thái Sơn sáng lập với ban đầu là trang bán sách trực tuyến, và dần mở rộng ra nhiều ngành hàng khác nhau. Các cổ đông chính của Tiki hiện gồm JD.com và VNG. Trong khi đó Sendo ban đầu là công ty con của tập đoàn FPT. Đến nay, FPT vẫn là cổ đông lớn nhất bên cạnh các cổ đông lớn nước ngoài như SBI, Beenext, Econtext Asia, Daiwa

Thương mại điện tử cho đến nay vẫn là cuộc đua đốt tiền và nhiều đơn vị đã rời cuộc chơi. Việc Tiki và Sendo sáp nhập có thể tạo ra một thế lực lớn để tiếp tục cạnh tranh với hai sàn ngoại là Shopee, được hậu thuẫn bởi Tencent; và Lazada,  là công ty con của Alibaba

Dẫn đầu thị trường TMĐT Việt Nam hiện nay là Shopee. Theo thống kê của iPrice Insights và SimilarWeb, tổng lượng truy cập website của cả 3 sàn thương mại điện tử Tiki, Lazada và Sendo trong quý III chỉ tương đương 90% con số của Shopee.

Biến động lớn trên thị trường xe công nghệ

Trong năm qua, thị trường gọi xe Việt xuất hiện nhiều tên tuổi mới như viApp (thuộc công ty Viservice); GV Taxi (ứng dụng thuộc GV Asia) hay inDriver (của Nga)... Tuy nhiên, cơ hội phát triển của các tân binh vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ khi "miếng bánh thị phần" trên thị trường gọi xe còn khá nhỏ.

Theo báo cáo về thị trường gọi xe công nghệ Việt Nam 6 tháng năm 2020 của ABI Research, Grab dẫn đầu thị trường với 74,6% thị phần. Be và Gojek Việt Nam xếp ở vị trí số 2 và 3 với lần lượt 12,4% và 12,3% thị phần. Như vậy, 3 hãng gọi xe công nghệ lớn nhất đã chiếm hơn 99% thị phần thị trường gọi xe Việt.

Báo cáo của của ABI Research cũng cho thấy Covid-19 đã tác động lớn đến thị trường gọi xe. Nửa đầu năm, Việt Nam có tổng cộng 83,8 triệu cuốc xe công nghệ, chỉ bằng 19,5% tổng số cuốc trong năm 2019 (429,5 triệu cuốc).

Một sự kiện đáng chú ý khác trên thị trường gọi xe trong năm 2020 là việc thương hiệu GoViet bị xóa sổ sau 2 năm có mặt trên thị trường. Thay vào đó, ứng dụng Gojek chính thức hoạt động tại Việt Nam từ ngày 5/8. 

Là startup đình đám tại Indonesia, Gojeck đi theo mô hình siêu ứng dụng tích hợp, kết nối người dùng với hơn 2 triệu đối tác tài xế và 500.000 nhà hàng tại hơn 200 thành phố, ở 5 quốc gia Đông Nam Á. Tuy nhiên, cái tên Gojek chỉ được sử dụng tại Indonesia và Singapore, trong khi đối thủ của Gojeck là Grab chỉ có 1 thương hiệu và ứng dụng duy nhất trên 8 quốc gia đang hoạt động tại Đông Nam Á.

Theo công bố của GoViet, ứng dụng Gojek, dựa trên nền tảng công nghệ toàn cầu mới, sẽ cho phép GoViet đáp ứng những thay đổi trong nhu cầu và ưu tiên của người dùng Việt, đưa ra các tính năng và sản phẩm mới nhanh hơn, mượt mà hơn. Ứng dụng mới sẽ giúp người dùng Việt Nam có những trải nghiệm tốt hơn, với giao diện đơn giản, gọn gàng và nhiều tính năng được nâng cấp. Người dùng cũng sẽ có thể sử dụng các dịch vụ của Gojek ở Indonesia, Singapore và Thái Lan.

Về ứng dụng Gojek tại Việt Nam, các khách hàng của GoViet vẫn có thể tiếp cận ba loại hình dịch vụ là gọi xe, giao hàng và đặt đồ ăn trên ứng dụng Gojek mới. Thông tin chi tiết về thời điểm ứng dụng Gojek mới có thể tải xuống trên Google Play và App Store sẽ được công bố trong thời gian tới

Kỳ lân Indonesia này bổ nhiệm ông Phùng Tuấn Đức - cựu Giám đốc vận hành GoViet - đảm nhận vị trí CEO Gojek Việt Nam.

Hồi đầu tháng 2, Grab Việt Nam cũng bổ nhiệm bà Nguyễn Thái Hải Vân làm CEO thay ông Jerry Lim.

Founder nói lời chia tay với startup do mình sáng lập

Cũng trong năm 2020, nhiều founder/co-founder rời ghế CEO hoặc nói lời chia tay với startup do mình sáng lập.

Soya Garden là thương hiệu do 2 chị em Hoàng Thu Thủy và Hoàng Anh Tuấn đồng sáng lập. Cửa hàng đầu tiên của Soya Garden khai trương vào tháng 8 năm 2016, startup này được nhiều người biết đến khi tham gia chương trình "Thương vụ bạc tỷ" năm 2017.

Dù bị các nhà đầu tư chê sản phẩm không có gì đặc biệt, hai nhà đồng sáng lập "lơ mơ về tài chính", Soya vẫn được ông Nguyễn Ngọc Thủy – Chủ tịch Tập đoàn Egroup đồng ý rót vốn. Với số tiền đầu tư lên đến 100 tỷ đồng, Soya là một trong những thương vụ được đầu tư lớn nhất tại "Thương vụ bạc tỷ" hai mùa đầu tiên.

Sau khi nhận được vốn "khủng", công ty đặt mục tiêu đạt mốc 100 cửa hàng trong năm 2019 và 300 cửa hàng vào năm 2021, đồng thời đặt chân đến những thị trường khác trong khu vực như Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản. Tuy nhiên tháng 5 vừa qua, chuỗi này phải đóng hàng loạt cửa hàng do khó khăn vì đại dịch Covid-19.

Hồi tháng 5/2020, Soyga Garden đã phải cho đóng loạt cửa hàng do khó khăn vì dịch Covid-19 bùng phát.
Hồi tháng 5/2020, Soyga Garden đã phải cho đóng loạt cửa hàng do khó khăn vì dịch Covid-19 bùng phát.

Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, nhà sáng lập Hoàng Anh Tuấn không còn là CEO của Soya Garden. Người đại diện pháp luật của công ty hiện là bà Nguyễn Thị Ngọc, sinh năm 1986.

Hồi tháng 5/2020, Soyga Garden đã phải cho đóng loạt cửa hàng do khó khăn vì dịch Covid-19 bùng phát.

Khi đó, ông Hoàng Anh Tuấn chia sẻ: "Giống như tất cả các chuỗi F&B, Soya Garden cũng bị tác hại nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Nếu xét thêm khía cạnh là người mới ở thị trường cùng hầu hết cửa hàng đều ở vị trí đắc địa, tổn thương của chúng tôi còn sâu sắc hơn người khác."

Vị này cũng cho biết đã nhanh chóng chuyển đổi mô hình mới là các cửa hàng nhỏ hơn để tiết giảm chi phí và hoạt động hiệu quả hơn.

Trong khi đó, Shark Nguyễn Ngọc Thủy - Chủ tịch HĐQT Egroup, đơn vị trực tiếp đầu tư vào startup này giải thích, doanh nghiệp vẫn đang trong quá trình tối ưu hóa, giữ lại những mặt bằng kinh doanh hiệu quả, và dừng những mặt bằng không đạt mục tiêu kinh doanh.

Tuy nhiên, theo thông tin từ website chính thức của Soya Garden, hiện thương hiệu này chỉ còn 17 cửa hàng, trong đó chỉ có 2 cửa hàng tại TP. Hồ Chí Minh, đồng nghĩa với việc họ đã phải đóng cửa thêm 6 cửa hàng trong gần 3 tháng qua. Vào thời điểm cuối năm 2019, tại riêng TP. Hồ Chí Minh, chuỗi đồ uống này vẫn còn 13 cửa hàng đang hoạt động.

Trước Hoàng Anh Tuấn, hồi đầu năm 2020, ông Nguyễn Quốc Tuấn – đồng sáng lập hãng giày Juno cũng cập nhật thông tin về việc rời khỏi vị trí CEO công ty này và chuyển sang Hoàng Phúc International.

Nguyễn Hoàng Hải – đồng sáng lập startup tuyển dụng Canavi cho biết, startup này đã bổ nhiệm CEO mới từ đầu tháng 7. Cựu CEO 9X vẫn làm việc tại Canavi với vai trò quản trị tài chính và làm việc với các nhà đầu tư (CIO).

Mới đây, Phan Nhật Minh - co-founder kiêm CFO của startup công nghệ bất động sản Rever cũng thông báo về việc rời startup do anh đồng sáng lập.

Thủ tướng đồng hành cùng Startup Việt

Trong khuôn khổ Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia - Techfest 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc đối thoại với thanh niên khởi nghiệp.

Thủ tướng bày tỏ mong muốn lắng nghe ý kiến của thanh niên để tháo gỡ vướng mắc, từ thể chế, cơ chế, sở hữu trí tuệ và những vấn đề liên quan để tạo ra môi trường tốt nhất cho khởi nghiệp sáng tạo, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp một cách tốt nhất.

Trước những hạn chế của Nghị định 38 (quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo), Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&CN và Bộ KH&ĐT phối hợp nghiên cứu, sớm sửa đổi Nghị định này và bãi bỏ những quy định không cần thiết.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành và chính quyền địa phương xem việc hỗ trợ doanh nghiệp và khởi nghiệp là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của mình.

Trước đó, Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính chủ trì việc nghiên cứu, xây dựng Đề án thành lập sàn giao dịch vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, báo cáo trong năm 2020 – 2021.

Cũng trong năm 2020, Chính phủ ban hành Nghị định 94 quy định cơ chế, chính sách ưu đãi với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia nhằm hỗ trợ nhân tài và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Bảo bảo