Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Dự kiến năm 2023 giảm 200.000 tỷ tiền thuế

16:21 02/11/2023

Sáng 2/11, Quốc hội thảo luận về đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình, làm rõ ý kiến đại biểu Quốc hội nêu tại phiên dự thảo
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình, làm rõ ý kiến đại biểu Quốc hội nêu tại phiên dự thảo.

Giải trình tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài và bội chi ngân sách cơ bản được kiểm soát. Các cân đối lớn của nền kinh tế được giữ vững.

Về chính sách tài khóa, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, thời gian qua, Chính phủ đang thực hiện chính sách tài khóa mở rộng, có nghĩa là chính sách tài khóa thâm hụt thì phải giảm thuế nhưng vẫn tăng chi ngân sách. Trong 3 năm vừa qua, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ và Quốc hội giảm thuế đối với các loại thuế, dự kiến năm nay giảm khoảng 200 nghìn tỷ, đây là nỗ lực rất lớn.

Tuy nhiên, sau khi giảm thuế, cần phải tìm nguồn tiền để duy trì cân đối tài khóa trong khi đồng thời đầu tư 347 nghìn tỷ đồng vào nền kinh tế theo Nghị quyết 43/2022/QH15.

Về tình hình thực hiện dự toán ngân sách năm 2023, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, đến ngày 30/10 thu ngân sách đã đạt 85%. Có ý kiến đại biểu về việc tăng thu từ tiền đất, Bộ trưởng cho rằng, thu từ tiền đất và khoản thu từ dầu thô còn rất nhỏ. Do đó, nguồn thu ngân sách chủ yếu từ vai trò của sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là thu nội địa. 

Bên cạnh đó, cũng có một số ý kiến cho rằng, chúng ta không vướng pháp luật. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, nếu hoàn thiện pháp luật tốt thì tăng trưởng của nước ta sẽ mạnh hơn nhiều, bền vững hơn và doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn. 

Đề cập về vấn đề giải ngân đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, đến nay mới giải ngân đạt được 57% theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, còn nếu theo cả Quyết định của Chính Phủ và các địa phương thì chỉ giải ngân được 52%.

Vấn đề đặt ra là tại sao giải ngân thấp như vậy trong khi nền kinh tế đã đáp ứng vốn? Bộ trưởng cho rằng, nguyên nhân có phải do vướng mắc từ đầu tư công trong Luật Đầu tư công hay không? Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhận định, nếu không sửa Luật này thì chúng ta vẫn tiếp tục vướng mắc trong giải ngân đầu tư công. Do đó, Bộ trưởng đề nghị cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật.

H.M