Bộ NN&PTNT gửi công điện khẩn chặn gia cầm nhập lậu vào Việt Nam

15:07 26/03/2024

Chỉ đạo của Bộ NN&PTNT diễn ra trong bối cảnh Việt Nam vừa ghi nhận một ca nhiễm cúm A/H5N1 ở Khánh Hòa và tử vong rất nhanh.

Sau nhiều năm không ghi nhận ca nhiễm cúm A/H5N1 trên người, Việt Nam vừa ghi nhận một ca nhiễm bệnh ở Khánh Hòa và tử vong rất nhanh. Bộ Y tế đã lên tiếng cảnh báo vì vi rút A (H5N1) là chủng cúm độc lực cao, người bị nhiễm thường diễn tiến nặng và tử vong với tỷ lệ cao trên 50%.

Theo nhận định của PGS.TS Trần Đắc Phu, Cúm A/H5N1 là bệnh lây qua đường hô hấp, qua tiếp xúc với vật dụng bị nhiễm mầm bệnh, tiếp xúc và sử dụng gia cầm ốm, chết do nhiễm cúm A/H5N1, ăn thịt gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa nấu chín kỹ hoặc chết do bị nhiễm bệnh, hoặc môi trường bị nhiễm mầm bệnh. Loại cúm này vẫn lưu hành trên đàn gia cầm, sau đó lây từ vùng này sang vùng khác và khó khống chế. Virus gây bệnh này có thể lây lan cho người tiếp xúc gần, tỷ lệ tử vong lên tới 60%.

Bộ NN&PTNT gửi công điện khẩn chặn gia cầm nhập lậu vào Việt Nam
Bộ NN&PTNT gửi công điện khẩn chặn gia cầm nhập lậu vào Việt Nam.

Trước tình hình trên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) vừa gửi công điện khẩn cho Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu chặn ngay tình trạng nhập lậu gia cầm vào Việt Nam. Công điện khẩn nêu rõ, thời gian qua tình trạng vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là khi mỗi ngày có hàng vạn con gia cầm được nhập lậu vào nước ta.

Bộ NN&PTNT nhận định, đây là nguyên nhân dẫn đến các chủng virus cúm gia cầm và các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác xâm nhiễm từ nước ngoài vào Việt Nam. Đáng chú ý, dịch cúm gia cầm đang diễn biến phức tạp, đã có nhiều người nhiễm bệnh, tử vong tại Campuchia và một số nước trong khu vực.

Do đó, việc nhập lậu gia cầm và sản phẩm gia cầm sẽ gây ra dịch bệnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi gia cầm, sức khỏe người dân, gây bức xúc trong xã hội; tác động xấu đến môi trường đầu tư phát triển chăn nuôi trong nước.

Để chấm dứt tình trạng trên, Bộ NN&PTNT đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các sở, ban ngành và chính quyền các cấp của địa phương tập trung tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp theo quy định và theo các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ cũng yêu cầu Đồng Nai khẩn trương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát, đặc biệt tại các địa bàn giáp ranh với các tỉnh có đường bộ, đường sông... kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc vào Việt Nam.

Trường hợp bắt được các lô hàng gia cầm, sản phẩm gia cầm vận chuyển bất hợp pháp thì phải tiêu hủy ngay. Trước khi tiêu hủy, cần lấy mẫu gửi các cơ quan thú y để xét nghiệm bệnh.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Chỉ đạo lực lượng công an lập chuyên án đấu tranh với các đối tượng vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu; phối hợp bắt giữ và xử lý nghiêm các vụ nhập khẩu trái phép gia cầm và sản phẩm gia cầm; tuyên truyền cho nhân dân về sự nguy hiểm của bệnh cúm gia cầm và tác hại khi buôn bán, vận chuyển gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc.

Ban chỉ đạo 389 của địa phương chủ động triển khai các hoạt động, giải pháp ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm; phối hợp chặt chẽ, chủ động chia sẻ thông tin, dữ liệu và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật

Lực lượng quản lý thị trường tại địa phương phải tăng cường các biện pháp kiểm soát lưu thông, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép, không rõ nguồn gốc trên thị trường.

P.V (t/h)