Bình Dương chú trọng đầu tư phát triển bền vững

23:42 25/07/2022

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đang đặt các doanh nghiệp trước cánh cửa hội nhập mới mà ở đó nhiều cơ hội được mở ra nhưng không ít những thách thức hiện hữu, đòi hỏi doanh nghiệp phải vững vàng để tận dụng hiệu quả cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do (FTA) này.

Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương chia sẻ: Bình Dương luôn chú trọng đến đầu tư phát triển bền vững, nỗ lực thành lập các khu cụm công nghiệp mới, tạo nguồn quỹ đất cho các nhà đầu tư.

Tỉnh Bình Dương xây dựng đồng bộ mạng lưới hạ tầng giao thông kết nối vùng và liên vùng phục vụ hoạt động sản xuất, lưu thông, phát triển thương mại hàng hóa, nâng cao kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh
Tỉnh Bình Dương xây dựng đồng bộ mạng lưới hạ tầng giao thông kết nối vùng và liên vùng phục vụ hoạt động sản xuất, lưu thông, phát triển thương mại hàng hóa, nâng cao kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh.

Các FTA đang dần được thực thi một cách toàn diện và hiệu quả hơn, đã và đang tạo điều kiện để hàng hóa xuất khẩu của tỉnh thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương dần ổn định và phát triển, các chỉ số kinh tế của ngành tăng trưởng so với cùng kỳ và đạt mức tăng trưởng cao hơn so với bình quân của cả nước.

Từ góc độ thương mại hàng hóa, các doanh nghiệp Việt Nam nhìn nhận RCEP như là một con đường ưu tiên mới để thúc đẩy kinh doanh, đặc biệt là xuất nhập khẩu, với 14 đối tác trong khu vực.

RCEP sẽ tạo ra một không gian cộng hưởng rộng lớn mà ở đó các dòng hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam có thể lưu chuyển thuận lợi, không rào cản về thuế quan và trong các khuôn khổ thống nhất, minh bạch và thuận lợi.

Vì vậy, với RCEP các doanh nghiệp sẽ có thêm một lựa chọn về thuế quan ưu đãi khi xuất khẩu sang thị trường các nước thành viên bên cạnh các ưu đãi theo các FTA đơn lẻ trước đây. Đặc biệt, nhờ vào việc hài hòa quy tắc xuất xứ nội khối RCEP, hàng hóa có nguyên phụ liệu nhập khẩu mà phần lớn là từ các nước trong khối của doanh nghiệp Việt Nam có thể dễ dàng đáp ứng điều kiện để hưởng ưu đãi thuế quan trong RCEP cao hơn bất kỳ FTA nào đã có. Từ đó gia tăng xuất khẩu trong khu vực này, nhất là ở các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, NewZealand…

Với nhập khẩu, các doanh nghiệp cũng có thêm con đường thuận lợi để tiếp cận nguồn cung nguyên phụ liệu, máy móc thiết bị từ các nước trong khối RCEP với giá tốt hơn, cạnh tranh hơn, từ đó có thể tiết kiệm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Về các biện pháp phi thuế, các cam kết thống nhất giữa 15 nền kinh tế trong RCEP về hải quan và tạo thuận lợi thương mại, hàng rào kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng vệ thương mại... sẽ giúp hạn chế tình trạng khác biệt rất lớn về cơ chế quản lý giữa các nước RCEP.

Hơn thế nữa, RCEP hiện là khu vực trọng điểm của nhiều chuỗi giá trị toàn cầu, với sự có mặt của các đối tác nắm giữ vai trò trọng yếu trong các chuỗi này. Tham gia RCEP, DN Việt Nam mong sẽ có thêm cơ hội đáng kể để tham gia sâu hơn, hiệu quả và thực chất hơn vào các chuỗi này.

Nếu so sánh với 14 FTA, cùng với thuận lợi, RCEP được đánh giá là hiệp định đặt các doanh nghiệp Việt Nam trước thách thức cạnh tranh với cùng lúc nhiều đối thủ mạnh nhất.

Nhiều nền kinh tế trong RCEP có cơ cấu tương tự Việt Nam, trong khi kinh nghiệm, nguồn vốn và sức cạnh tranh của họ lại tốt hơn nhiều DN của Việt Nam, đặc biệt là từ Trung Quốc và ASEAN. Sức ép cạnh tranh ngay trên sân nhà với các doanh nghiệp Việt Nam được dự báo là sẽ gay gắt và khó khăn hơn, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. 

Với việc RCEP có hiệu lực, cơ hội tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị trong khu vực cũng như lợi thế thu hút dòng FDI dịch chuyển của Việt Nam
Với việc RCEP có hiệu lực, cơ hội tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị trong khu vực cũng như lợi thế thu hút dòng FDI dịch chuyển của Việt Nam.

Những thách thức này, đặt trong bối cảnh sự cạnh tranh gay gắt giữa các nước trong khu vực, nếu không được xử lý hiệu quả, có thể sẽ dẫn tới những tác động bất lợi cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, với những bất lợi về nguồn lực cũng như năng lực cạnh tranh.

Hoàng Thu