Bánh da lợn Việt Nam được vinh danh trong top 100 món bánh ngọt nổi tiếng toàn cầu

21:57 11/08/2021

Trang web chuyên sưu tầm, đánh giá và giới thiệu ẩm thực quốc tế Taste Atlas đã ưu ái đưa bánh da lợn - một loại bánh ngọt quen thuộc rất phổ biến ở miền Nam Việt Nam - vào danh sách những món đồ ngọt đáng được nếm thử một lần trong đời.

Chuyên gia ẩm thực của trang Taste Atlas mô tả món bánh da lợn như sau: 

“Món tráng miệng truyền thống này của Việt Nam được tạo thành từ các lớp bánh dẻo xếp chồng lên nhau làm từ đậu xanh xay nhuyễn, bột sắn, bột gạo, nước cốt dừa hoặc nước đường.

Theo công thức gia truyền được áp dụng cho đến ngày nay thì bánh da lợn thường có lớp bánh màu vàng nhạt được làm từ đậu xanh cùng tầng xanh lá cây nhờ hỗn hợp làm từ lá dứa. Ngoài ra, người ta còn đưa thêm sầu riêng và khoai môn vào món bánh này để làm phong phú hơn hương vị của nó.

Sau khi được hấp và giữ cho đủ độ lạnh cần thiết, món bánh này sẽ được cắt ra thành từng miếng có hình dáng của viên kim cương”. 

Bánh da lợn là món ăn vặt phổ biến của người dân Nam bộ - Ảnh: healthjournalclub
Bánh da lợn là món ăn vặt phổ biến của người dân Nam bộ - Ảnh: healthjournalclub.

Theo các cụ cao niên sành ăn thì bánh da lợn là món đồ ngọt phổ biến có từ xa xưa dùng để ăn vặt hoặc tráng miệng sau mỗi bữa cơm của người dân ở khu vực Nam bộ.

Tuy nhiên, nhiều người vẫn tỏ ra khó hiểu về tên gọi của món bánh này, bởi với người miền Tây Nam bộ thì lợn được gọi là heo, nhưng không hiểu vì sao món bánh của người Nam bộ lại không được gọi là “bánh da heo” mà lại là “bánh da lợn” (?).

Thế nhưng có một điều mà mọi người đều nhận thấy, đó là lớp bột óng ả, dẻo dai mát mắt của món bánh này cũng khiến người ta liên tưởng tới tấm da lợn mượt mà, mũm mĩm của những chú lợn vừa được ăn no tắm mát đang nằm lim dim ngủ.

Các bà các mẹ kể lại rằng, hồi còn son trẻ, họ thường phải mất khá nhiều thời gian, công sức với những công đoạn cầu kỳ thì mới làm được món bánh này. Đầu tiên là phải lựa chọn các loại gạo ngon mang đi ngâm nước cho mềm, sau đó xay nhuyễn cùng với đường, bột rồi bồng lại và dằn khô. Tiếp theo là nhồi bột với nước lạnh cho đến khi đạt độ loãng vừa phải mới làm bánh.

Sau khi hoàn thành công đoạn xay bột, người ta mới làm nhân bánh bằng cách nấu đậu xanh giã nhuyễn pha với bột, vắt nước cốt dừa và giã lá dứa để tạo màu, tạo mùi cho bánh. Từng công đoạn đều được thực hiện cẩn thận bởi những bàn tay nhiều kinh nghiệm thì mới tạo ra được những “xửng” bánh thơm ngon, đậm đà khiến người ăn chỉ muốn “ngậm mà nghe”.

Tuy nhiên, với nhịp sống vội vàng như hiện nay thì người ta không còn làm bánh da lợn theo cách truyền thống nữa bởi công thức và hầu như mọi loại bột, gia vị đều được chế biến sẵn, dễ dàng tìm kiếm ở khắp các khu chợ.

Những tưởng món bánh dân dã này chỉ có thể xuất hiện trên tay những đứa trẻ nhà quê hay trên bàn của các cụ ông cụ bà cùng ấm trà nóng hổi. Thế nhưng giờ đây, cái tên “bánh da lợn” lại xuất hiện một cách "hoành tráng" cùng với hàng trăm loại bánh ngọt đặc sản từ khắp năm châu bốn bể để món ăn Việt Nam lại thêm một lần nữa được gọi tên một cách đầy tự hào trên bản đồ ẩm thực thế giới.

N. Thuận