Bài toán quy hoạch quốc gia khi nhập khẩu ròng năng lượng

00:00 12/10/2020

Từ năm 2015, Việt Nam chuyển dịch từ nước xuất khẩu sang nhập khẩu ròng năng lượng và quy mô nhập khẩu cũng đang ngày một tăng.

Quy hoạch năng lượng tổng thể quốc gia 2021-2030, tầm nhìn 2050 đang được Bộ Công Thương dần hoàn thiện, lấy ý kiến để trình Chính phủ cuối năm nay. Đây là lần đầu tiên Việt Nam lập quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia. Trước đó, quy hoạch năng lượng chỉ rải rác được đề cập trong các chiến lược ngành. Tuy nhiên, bối cảnh lập lần này cũng rất khác khi Việt Nam từ năm 2015 đã chuyển từ vị thế "xuất khẩu sang nhập khẩu ròng năng lượng'.

Than và dầu khí - hai nguồn nguyên liệu chiếm tỷ trọng chủ yếu trong tổng nguồn cung cấp năng lượng sơ cấp nhưng vài năm gần đây đang tăng mạnh nhập khẩu.

Mục tiêu khai thác mỗi năm 50-56 triệu tấn than nhưng với điều kiện ngày càng phải xuống sâu mới có thể khai thác được, hiện mỗi năm Tập đoàn Công nghiệp Than & khoáng sản Việt Nam (TKV) chỉ có thể khai thác tối đa 45 triệu tấn. Số thiếu hụt bắt buộc phải nhập khẩu để đảm bảo cung ứng đủ cho nhu cầu phát triển điện, tiêu dùng và sản xuất.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hưng - Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), nếu quy hoạch năng lượng quốc gia tới đây không tính tới cơ chế khuyến khích rõ ràng, nhất là về giá năng lượng, thì việc đầu tư mỏ than sẽ thêm khó khăn vì "rủi ro lớn, doanh nghiệp không dám làm".

Còn với khí, hiện phần lớn các chỉ tiêu, mục tiêu trong quy hoạch ngành dầu khí 2020 đều đạt và vượt. Nhưng ở ngành công nghiệp khí còn nhiều điểm chưa đạt, như sản xuất khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) mới đạt gần 50%; lĩnh vực chế biến, tồn trữ và phân phối hiện mới chỉ đáp ứng nhu cầu sản phẩm hóa dầu gần 25%.

Sản lượng khí khai thác mỗi năm hiện trên dưới 9-10 tỷ m3, song dự báo sẽ giảm sau năm 2023 khi hầu hết mỏ dầu khí đang khai thác bước sang giai đoạn suy giảm sản lượng. Để đảm bảo đủ khí cung cấp cho thị trường trong nước, ông Nguyễn Anh Đức (Viện Dầu khí) cho rằng, cần giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các dự án khí. Và ngay trong quy hoạch năng lượng quốc gia cũng cần tính tới bài toán nhập khẩu khí nhằm đảm bảo hài hoà lợi ích, phát triển nguồn sản xuất trong nước.

"Thủ tục, hành lang pháp lý, cơ chế chính sách cho phân ngành dầu khí cần nêu chi tiết trong quy hoạch năng lượng tổng thể lần này mới có thể thu hút đầu tư khai thác khí, dầu ở các vùng nước sâu, xa bờ...", ông Đức nói.

Khi Việt Nam phải nhập khẩu năng lượng với quy mô ngày càng tăng và phải nhập hàng xa hơn, theo các chuyên gia, bài toán phát triển song song mà quy hoạch năng lượng quốc gia cần tính đến là phát triển hạ tầng cơ sở đi kèm.

Ông Nguyễn Tài Anh - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) dẫn chứng với nhập khẩu khí, hiện vẫn chưa có cảng khí LNG quy mô lớn. Tương tự, nhu cầu nhập khẩu than cho sản xuất điện rất lớn, song đến giờ Việt Nam vẫn chưa có cảng trung chuyển than đúng nghĩa dù dự án xây dựng cảng trung chuyển này đã được đặt ra cách đây 6 năm song tới giờ vẫn chưa hoàn thành.

Một dự án điện mặt trời mặt đất tại Ninh Thuận. Ảnh: Quỳnh Trần
 

 Một dự án điện mặt trời mặt đất tại Ninh Thuận. Ảnh: Quỳnh Trần

Thực tế hiện là nhập khẩu năng lượng ngày càng tăng nhưng không dễ tìm nguồn để mua nhằm đảm bảo mục tiêu đủ năng lượng cho phát triển kinh tế xã hội. Ông Trần Xuân Hoà - Chủ tịch Hội Khoa học công nghệ mỏ Việt Nam góp ý, nên đặt vấn đề quay lại phát triển điện hạt nhân trong quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia. Theo ông, so với các loại hình năng lượng khác hiện có thì "điện hạt nhân vẫn an toàn cao, giá thấp".

Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận bao gồm hai nhà máy 1 và 2 được dự tính xây dựng năm 2016 với tổng công suất trên 4.000 MW. Tuy nhiên, dự án này đã được Quốc hội quyết định dừng vào tháng 11/2016 và không xây dựng loại hình năng lượng này tới năm 2030.

Sau khi dự án điện hạt nhân dừng triển khai, gần đây nhiều nhà khoa học cho rằng nên tính toán và khởi động lại dự án này trong tương lai. Mới nhất, vấn đề phát triển điện hạt nhân cũng được đề cập trong dự thảo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến. Bản quy hoạch này đặt ra phương án phát triển điện hạt nhân sau năm 2035 với 1.000 MW năm 2040 và tăng lên 5.000 MW vào 2045.

"Chúng ta đã dừng dự án điện hạt nhân với nhiều lý do. Song giờ có thể tính dần việc tái khởi động, song tiếc là ở lần lập quy hoạch năng lượng quốc gia lần này chưa thấy đề cập tới việc phát triển điện hạt nhân", ông Hoà bày tỏ.

Khi việc khởi động lại dự án điện hạt nhân không dễ, theo các chuyên gia, ngoài việc phải nhập khẩu khí, than..., có thể phát triển đa dạng hoá nguồn năng lượng, trong đó năng lượng tái tạo.

Theo số liệu của EVN, hết tháng 6, đã có 5.482 MW điện mặt trời được lắp đặt, chiếm 9,5% cơ cấu nguồn điện. Còn điện mặt trời mái nhà, đến giữa tháng 8 đã có gần 45.300 dự án được vận hành với tổng công suất 1.029 MWp, sản lượng khoảng 500.692 MWh.

Ông Trần Xuân Hoà nhận xét, hai năm trước mức giá mua điện mặt trời rất hấp dẫn, 9,35 cent một kWh, và hiện đã giảm về 7,09-8,38 cetn một kWh, tuỳ loại hình đầu tư. Trong bối cảnh giá năng lượng tái tạo đang giảm mạnh, Chủ tịch Hội Khoa học công nghệ mỏ Việt Nam cho rằng, bản quy hoạch năng lượng quốc gia cần tăng thêm liều lượng phát triển cho mảng năng lượng này so với các loại hình năng lượng khác.

Chia sẻ mong muốn tăng tỷ trọng của năng lượng tái tạo song theo ông Tài Anh - Phó tổng giám đốc EVN, khi năng lượng tái tạo chiếm khoảng 20% công suất, hệ thống điện không cần đầu tư thêm. Còn nếu cao hơn mức này, hệ thống sẽ cần nhiều giải pháp khác để tạo ra cân bằng như pin dự trữ và điều này sẽ khiến chi phí đầu tư năng lượng tái tạo gia tăng, chưa kể các chi phí xử lý môi trường khi các thiết bị năng lượng tái tạo hết hạn sử dụng - những vấn đề hiện chưa được tính toán đầy đủ.

"Việt Nam nếu tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo lên cao, thì bù ra sao, nền kinh tế chịu được đến đâu cũng cần tính toán đầy đủ để có lựa chọn thích hợp", ông Tài Anh nhận xét.

Dù tính toán các nguồn năng lượng để đủ điện, phát triển bền vững, yêu cầu đi kèm, theo Nghị quyết 55 về phát triển năng lượng của Bộ Chính trị, là giá năng lượng hợp lý nhằm đảm bảo tính cạnh tranh, sức chịu đựng của nền kinh tế. Vì thế, quy hoạch năng lượng quốc gia đang được xây dựng cần tính tới cơ chế giá để hấp dẫn các nhà đầu tư.

"Giá năng lượng phải theo giá thị trường. Xem dự thảo quy hoạch năng lượng lần này thì thấy Nhà nước vẫn làm cả, chưa thấy yếu tố thị trường", chuyên gia Nguyễn Thường Lạng (Viện Thương Mại) góp ý. Ông phân tích, cần phân định rõ vai trò Nhà nước làm phần nào, còn lại để doanh nghiệp tham gia và thị trường quyết định giá thì hiệu quả sẽ cao hơn.

Nhắc tới chuyện giá điện hiện vẫn chưa theo thị trường, ông Lạng cho rằng, khi chưa xác định được "giá nào thì khó nói đến tính khả thi của dự án". Với tốc độ điều chỉnh kinh tế, kịch bản năng lượng cần bám chặt hơn với chuyển đổi cơ cấu kinh tế.

"Giá năng lượng giai đoạn 2030-2050 sẽ theo quy luật nào, cần xác định rõ. Kinh tế thị trường mà không có giá thị trường thì năng lượng vận động ra sao, theo quy luật nào", ông Lạng nhấn mạnh.

Từ thực tế 5 năm không khởi công được dự án năng lượng lớn nào, ông Trần Xuân Hoà cho rằng, nguyên nhân khiến doanh nghiệp không dám đầu tư xuất phát từ việc chưa có cơ chế thị trường, khi nhiều ngành năng lượng giá vẫn do Bộ Tài chính phê duyệt. Do đó, ông nói "cần sự liên kết các phân ngành năng lượng, gắn với trách nhiệm của Chính phủ, địa phương và doanh nghiệp".

Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia gồm 14 chương và sẽ trình Chính phủ vào cuối năm nay. Hiện 5 chương đầu của bản quy hoạch đã hoàn thành, gồm đánh giá hiện trạng, tình hình thực hiện các phân ngành năng lượng trong giai đoạn vừa qua; dự báo phát triển năng lượng theo các kịch bản; hiện trạng sử dụng năng lượng và tiết kiệm năng lượng ở Việt Nam... Dự kiến, 5 chương tiếp theo được Bộ Công Thương hoàn thành trong tháng 9 và các chương cuối hoàn thành vào tháng 10.

Anh Minh