Bài 10: Chìa khóa "vượt bão" Covid-19 của Công ty TNHH Lâm sản và Xây dựng Quý Yến Phú Thọ

10:08 25/10/2021

Đứng trước những “dòng xoáy” khó khăn của đại dịch Covid -19, Công ty TNHH Lâm sản và Xây dựng Quý Yến Phú Thọ đã không ngừng học hỏi và thay đổi, dám nghĩ dám làm, nắm bắt thời cơ để giữ vững vị thế thương hiệu, thực hiện các sáng kiến để tồn tại và chuẩn bị quay trở lại sau dịch.

Covid-19 diễn biến phức tạp và ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhiều ngành hàng xuất khẩu tỷ đô của Việt Nam, trong đó có thể kể đến ngành xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, năm nay, tăng trưởng xuất khẩu gỗ có thể chỉ bằng 0, thậm chí là âm do hàng loạt các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc gần như đóng băng, với 60 - 80% đơn hàng xuất khẩu gỗ bị cắt, chậm thanh toán và thậm chí hủy đơn hàng.

Trong bối cảnh rất khó khăn của ngành gỗ do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng nặng nề về khả năng hoạt động và sự tồn tại của chính mình. Tuy nhiên trên thực tế trong khó khăn vẫn có những điểm sáng đáng ghi nhận về sự tăng trưởng vượt trội của doanh nghiệp. Điển hình như câu chuyện vượt bão Covid-19 của Công ty TNHH Lâm sản và Xây dựng Quý Yến Phú Thọ.

Là doanh nghiệp gỗ chuyên sản xuất những dòng sản phẩm bao gồm đồ gỗ nội, ngoại thất, các loại ván gỗ, dăm gỗ và viên nén gỗ,…ông Nguyễn Ngọc Quý - Giám đốc Công tyTNHH Lâm sản và Xây dựng Quý Yến Phú Thọ đã có những “trải nghiệm đủ cả” các thang bậc do dịch bệnh COVID-19 gây ra. Ông kể, dịch Covid-19 gây ra sự đứt đoạn nguồn cung không nhỏ, ảnh hưởng tới ngành gỗ Việt nói chung và của doanh nghiệp mình nói riêng, nhiều đơn hàng buộc phải giãn thời gian thực hiện, thậm chí là hủy bỏ, nhiều sản phẩm của Công ty lưu kho do việc tiêu thụ gặp khó khăn. Mặt khác, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nguồn nguyên liệu đầu vào giảm trầm trọng, lực lượng lao động cũng thiếu hụt do giãn cách xã hội dài ngày. Với nguồn nguyên liệu đầu vào giảm mạnh, công ty sản xuất 2 ngày phải nghỉ 1 ngày, dây chuyền sản xuất viên nén chỉ làm vào ban đêm để giảm tiền điện và không những chịu áp lực về giá gỗ nguyên liệu tăng mà còn phải gánh thêm phần chi phí vận chuyển container cao ngất ngưởng…

Tìm cơ trong nguy, vượt bão Covid-19

Tái cơ cấu sản phẩm

Theo Giám đốc Công ty TNHH Lâm sản và Xây dựng Quý Yến Phú Thọ, tuy đối mặt với nhiều khó khăn thách thức của đại dịch Covid-19, nhưng đây cũng là thời cơ để công ty nhận rõ hơn những phần yếu kém, tiếp tục tái cơ cấu, sắp xếp lại sản xuất, kinh doanh phù hợp.

“Chúng tôi đã chủ động các phương án, kế hoạch sản xuất, kinh doanh, chuẩn bị điều kiện bù vào những thiệt hại do thời gian bị gián đoạn trong thời gian hiện nay ngay sau khi dịch bệnh lắng xuống. Đặc biệt, công ty đã đẩy mạnh tái cơ cấu ngành hàng, giảm xuất khẩu nguyên liệu thô và đẩy tập trung sản xuất đồ nội thất bằng có giá trị xuất khẩu cao, dung lượng lớn như đồ gỗ ngoại thất, văn phòng,..

Bên cạnh đó, trong chế biến, Công ty TNHH Lâm sản và Xây dựng Quý Yến Phú Thọ đã và đang tiến tới các sản phẩm mới đa dạng hơn, không chỉ là các mặt hàng gỗ truyền thống đơn thuần, mà còn là các mặt hàng gỗ phối trộn với các vật liệu khác như gỗ với đá, gỗ với kim loại, chú trọng trong từng mẫu mã sản phẩm và nâng cao chất lượng, tạo ra các mẫu mã mới, cải tiến, trẻ hóa sản phẩm và chú tâm vào từng sản phẩm với những đường nét trạm khắc tinh tế, sang trọng… 

Đẩy mạnh xây dựng liên kết chuỗi, giảm phụ thuộc nguồn cung từ nước ngoài

Dịch Covid-19 hoành hành bên cạnh những tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng có ý nghĩa tích cực về lâu dài. Đó là giúp doanh nghiệp ngày càng có ý thức hơn trong sử dụng nguồn cung nội địa hóa.

Đối mặt với bài toán về nguồn nguyên liệu sản xuất gỗ, Công ty TNHH Lâm sản và Xây dựng Quý Yến Phú Thọ đã tính toán gia tăng hiệu quả sử dụng để có thể tiết kiệm nguyên liệu gỗ; đồng thời nắm bắt các xu hướng kết hợp các nguyên liệu khác để bảo đảm giá thành tốt nhất.

Ông Nguyễn Ngọc Quý cho biết: Nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu sản xuất gỗ không bị đứt gãy, chúng tôi đã đẩy mạnh xây dựng liên kết chuỗi giá trị giữa người trồng rừng và doanh nghiệp chế biến gỗ. Tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ phong phú sẵn có tại địa phương, giảm phụ thuộc nguồn cung từ nước ngoài từ đó góp phần giúp công ty chủ động về nguồn nguyên liệu sản xuất gỗ trong mùa dịch Covid-19 và giảm giá thành sản phẩm.

Chuyển đổi số và thương mại điện tử

Khi giãn cách xã hội và hạn chế giao tiếp, đi lại đã tác động đến doanh số của công ty TNHH Lâm sản và Xây dựng Quý Yến Phú Thọ khi không thể trực tiếp làm việc cùng với các đối tác; điều này thôi thúc Công ty tìm ra các giải pháp để đưa các mặt hàng đến với khách hàng với cách tiếp cận hiệu quả mà không cần đến trực tiếp các gian hàng. Cụ thể, phương pháp bán hàng online đang được nhiều doanh nghiệp áp dụng. Đẩy mạnh hơn việc bán hàng thông qua các kênh kênh mạng xã hội: Facebook, youtube, Tiktok, google và các sàn thương mại điện tử khác như:Lazada, Tiki... Trong điều kiện giãn cách xã hội, việc bảo đảm điều hành trong kênh nội bộ và duy trì các kênh với khách hàng, đối tác một cách liên tục, hiệu quả là yếu tố cực kỳ quan trọng. Nhờ tiến hành chuyển đổi số nên khi đại dịch xảy ra, công ty chuyển đổi rất nhanh trong công tác điều hành và duy trì kênh liên lạc. Hiện nay, Công ty đang chú trọng các khâu trong dịch vụ bán hàng và hậu bán hàng, xây dựng nhiều chương trình ưu đãi đặc biệt.

Với việc áp dụng hình thức chuyển đổ số còn nhiều khó khăn, nhưng theo ông Nguyễn Ngọc Quý để giúp công ty phát triển, vượt qua khó khăn, chỉ cần hướng đi đúng, có lợi ông sẽ không từ bỏ cùng với phương châm “làm hay là chết” nên bản thân chị luôn cố gắng và thay đổi từng ngày, ông rèn bản lĩnh với cương vị là người đứng đầu của công ty tạo nên phong cách làm việc sáng tạo và nghiêm túc.

Cần mở lối để giúp doanh nghiệp "vững bước" vượt qua Covid-19

Theo ông Nguyễn Ngọc Quý - Giám đốc Công ty TNHH Lâm sản và Xây dựng Quý Yến Phú Thọ, các chính sách hỗ trợ phục hồi ngành gỗ sau tác động của dịch Covid-19 được ban hành tương đối kịp thời. Dù vậy, để các DN tiếp cận được với các gói hỗ trợ nhanh và hiệu quả nhất, rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành liên quan.

“Doanh nghiệp sẽ khó có thể tồn tại nếu như dịch Covid-19 tiếp tục kéo dài. Để hạn chế doanh nghiệp phá sản, vai trò hỗ trợ của Chính phủ là hết sức quan trọng. Đặc biệt, cần sự chung tay của ngân hàng chia sẻ khó khăn đối với doanh nghiệp. Chính phủ yêu cầu ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc giảm lãi suất nhưng thực tế thì lãi suất không giảm, thậm chí còn tăng”- ông Quý cho hay.

Theo vị doanh nhân này, Chính phủ và các bộ ngành cần quan tâm, xem xét bổ sung chính sách mới để hỗ trợ doanh nghiệp như: Gia hạn thời hạn nộp bảo hiểm xã hội, miễn nộp bảo hiểm xã hội cho người lao động trong thời gian nghỉ việc do dịch bệnh. Cùng với đó cần có lộ trình và chính sách hỗ trợ thống nhất giữa các bộ, ngành và địa phương trong triển khai thực hiện, tạo niềm tin cho doanh nghiệp yên tâm để xây dựng định hướng, kế hoạch sản xuất, đồng thời giảm chi phí, bảo hiểm xã hội, thuế và lãi suất ngân hàng đặc biệt là hỗ trợ nguồn tài chính mới với những doanh nghiệp vượt qua những khó khăn của đại dịch.

Gia Minh