Sau 3 làn sóng dịch COVID-19 đã chống đỡ thành công, tới đợt dịch thứ tư này, hầu hết các doanh nghiệp dệt may trong nước tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn do tổng cầu giảm mạnh, hiện tượng đứt gãy trong logistics, thiếu trầm trọng các container rỗng, lịch tàu không ổn định,… đã làm chi phí vận tải tăng lên gấp nhiều lần.

Qua khảo sát các doanh nghiệp dệt may, dù nguồn cung nguyên phụ liệu đã ổn định và hoạt động xuất khẩu đã trở lại bình thường, song do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tình hình sản xuất, xuất khẩu ngành dệt may vẫn gặp nhiều khó khăn.

Nhu cầu tiêu dùng trên thế giới bị ảnh hưởng bởi các hoạt động giãn cách xã hội, tâm lý bất an về diễn biến dịch trong tương lai cùng những chính sách thắt lưng buộc bụng của người dân nên khách hàng dè dặt trong chi tiêu, đầu tư của các doanh nghiệp cũng chững lại.

Hiện nay, tình hình thị trường dệt may thế giới nhìn chung vẫn chưa đón nhận nhiều dấu hiệu khả quan, nhu cầu thị trường chưa chuyển biến nhiều nên các đơn hàng của nhiều doanh nghiệp phải “ăn đong”, lo đơn hàng hàng tuần, hàng giờ và số lượng đối tác "hủy đơn" vẫn tiếp diễn. 

Ông Vũ Trí Tuệ - chủ tịch Công đoàn (bên phải) đang trao đổi với phóng viên
Ông Vũ Trí Tuệ - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH S&D Quảng Bình (bên phải) đang trao đổi với phóng viên.

Với quy mô lớn nhà máy gồm 3 phân xưởng, giải quyết việc làm cho gần 1000 lao động, chưa bao giờ đơn hàng của Công ty TNHH S&D Quảng Bình bị sụt giảm nhiều đến vậy. Khách hàng đồng loạt yêu cầu giảm 80% số lượng đơn hàng, thậm chí có những khách hàng đã hủy đơn hàng và chưa xác định đặt hàng lại với Công ty. Nhiều đơn hàng đã hoàn thành nhưng không xuất được và tồn kho vì thị trường Mỹ, EU đóng cửa, ảnh hưởng rất lớn về tài chính và việc chi trả lương cho người lao động.

Ông Vũ Trí Tuệ - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH S&D Quảng Bình cho biết, các đơn hàng sản xuất của Công ty chủ yếu xuất khẩu đi thị trường Mỹ và EU. Trước khi xảy ra dịch Covid-19, đơn hàng rất nhiều, việc sản xuất, kinh doanh của Công ty khá thuận lợi. Tuy nhiên, từ khi xảy ra đại dịch Covid-19, kế hoạch sản xuất của Công ty thay đổi liên tục vì nguyên phụ liệu không đồng bộ, không theo đúng kế hoạch thời gian, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của Công ty. Trong 6 tháng đầu năm 2021, Công ty sản xuất được 1.790.509 sản phẩm, giảm 5% so với cùng kỳ, doanh thu đạt 2.575.924 USD giảm 2% so với cùng kỳ. Bình quân năng suất lao động đạt 18,25USD/1 lao động, đạt 74,4% so với mục tiêu kế hoạch, giảm 10,41% so với cùng kỳ. 

Để vượt khó, Công ty TNHH S&D Quảng Bình vừa phải chủ động điều tiết sản xuất, đồng thời phải linh hoạt điều chỉnh các đơn hàng sản xuất, nhằm đáp ứng tình hình trong bối cảnh mới. Trong đó, tận dụng hiệu quả các nguồn lực, đi vào phát triển thị trường ngách, nhận những đơn hàng tương đối đặc biệt là đơn hàng nhỏ, khó, đòi hỏi kỹ thuật cao,... Công ty đã chấp nhận triển khai mô hình sản xuất tất cả các loại mặt hàng mà mình có thể làm được để đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động.

Ông Vũ Trí Tuệ - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH S&D Quảng Bình cho biết: Để khắc phục sụt giảm về số lượng của sản phẩm truyền thống, đặc biệt là mặt hàng áo sơ mi, Công ty chúng tôi đã chuyển hướng từ sản xuất mặt hàng sơ mi với số lượng cầm chừng thành sản xuất, gia công xuất khẩu khẩu trang kháng khuẩn nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết của xã hội cũng như tạo việc làm, đảm bảo thu nhập cho lao động của công ty. Đặc biệt, công ty luôn xác định bảo đảm điều kiện sớm phục hồi sản xuất sau dịch là người lao động và vị thế của dệt may trong chuỗi cung ứng toàn cầu nên công ty đã và đang nỗ lực tìm thêm những đối tác mới để tiếp tục duy trì sản xuất 

Một cảnh sản xuất
Một cảnh sản xuất tại Công ty TNHH S&D Quảng Bình.

Ngoài ra để đối mặt với Covid-19, công ty đã thực hiện hàng loạt các phương án hoạt động sản xuất kinh doanh của mình như: Đa dạng hóa sản phẩm, quan tâm đến việc sản xuất và tiêu thụ hàng dệt may trong nước; Đẩy mạnh công tác tiếp thị, phát triển thị trường mới, khách hàng mới; Tiếp tục đầu tư máy móc, đào tạo nguồn nhân lực, hạ giá thành sản phẩn, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh sản phẩm may mặc trên thị trường trong nước và quốc tế; Đầu tư phát triển thương hiệu, tạo mối quan hệ với các khách mới, giữ uy tín với khách hàng truyền thống…Song song với công tác sản xuất, Công ty luôn đảm bảo tốt các chế độ chính sách cho người lao động. Công ty tạo đủ việc làm, thực hiện nghiêm chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động.

Nhờ vậy, dưới sự chỉ đạo sát sao của Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc Công ty, sự động lòng hỗ trợ của các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là sự cố gắng của tập thể người lao động, Công ty TNHH S&D Quảng Bình đã từng bước khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất, từng bước nâng cao đời sống, hoàn thành các chỉ tiêu đề ra.

Thời gian tới, Công ty TNHH S&D Quảng Bình mong tiếp tục nhận được sự tiếp sức của các ngành chức năng về chính sách hỗ trợ về thuế, vốn vay, đào tạo nguồn nhân lực… để tiếp tục đầu tư phát triển hiệu quả, bền vững.

Như vậy, có thể nói dịch Covid-19 cũng là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp tái cơ cấu, chủ động biến “nguy thành cơ”, tạo thêm nội lực. Đây là sự chuẩn bị rất cần thiết như lời Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã từng nói: “Giống một cái lò xo bị nén, cần chuẩn bị tốt để bật ra mạnh mẽ trong thời gian tới”.

Trọng Lãnh – Thu Giang