Apple tranh chấp về quyền sở hữu liên quan đến logo hình quả táo

22:12 21/06/2023

Apple đã rất nhiều lần đưa các doanh nghiệp có sử dụng biểu trưng hình trái táo ra tòa, thậm chí hãng còn từng kiện luôn một ứng dụng mang logo trái lê.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Theo Phone Arena, Apple đang nộp đơn đăng ký sở hữu trí tuệ (IP) đối với hình ảnh trái táo thật tại Thụy Sĩ. Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) cũng ghi nhận hoạt động tương tự của "táo khuyết" tại nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới, trong đó Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel và Armenia đã chấp thuận.

Động thái tại Thụy Sĩ có thể khiến Fruit Union Suisse (FUS) - doanh nghiệp trái cây lâu đời tại quốc gia này phải lo lắng. FUS đang sử dụng logo thương hiệu là một trái táo đỏ lồng ghép với lá cờ Thụy Sĩ và nếu Apple có được quyền sở hữu trí tuệ, công ty địa phương có 111 năm hình thành, phát triển sẽ phải đổi logo mới.

Theo Wired, FUS đã đề cập đến tranh chấp pháp lý giữa họ và Apple. Giám đốc FUS - Jimmy Mariéthoz cho biết ông lo lắng vì có thể sẽ phải thay đổi logo mang tính biểu tượng của tổ chức, do Apple đang cố gắng giành quyền sở hữu trí tuệ với những hình ảnh liên quan đến quả táo nói chung.

"Chúng tôi rất khó hiểu. Apple không phải đang cố gắng bảo vệ hình ảnh thương hiệu quả táo. Mục tiêu thực sự của họ là sở hữu quyền đối với hình ảnh một quả táo, thứ mà mà đối với chúng tôi, nó phổ biến, quan trọng và cần miễn phí cho mọi người", Mariéthoz nói.

Apple chưa đưa ra bình luận.

Quá trình theo đuổi... bản quyền với trái táo của Apple tại Thụy Sĩ bắt đầu từ năm 2017 khi hãng nộp đơn lên Viện Sở hữu trí tuệ Thụy Sĩ (IPI), yêu cầu được cấp IP đối với hình ảnh đen trắng của trái táo thuộc giống Granny Smith (loại táo xanh, có vị chua). Công ty muốn có quyền sử dụng hình ảnh này trên thiết bị điện tử tiêu dùng và được chứng nhận quyền sở hữu đối với một số mặt hàng mà hãng bảo hộ. IPI cho rằng hình ảnh táo phổ thông nên được tiếp tục được xem là sở hữu cộng đồng.

Đơn đăng ký đã được IPI phê duyệt một phần vào năm 2022, cơ quan quản lý nói rằng nguyên tắc pháp lý của hình ảnh hàng hóa phổ biến, như trái cây, trong trường hợp này là quả táo, được xem là thuộc về công cộng.

Apple không hài lòng với phản hồi đó và đã kháng cáo với IPI, do vụ kiện vẫn đang tiếp diễn, nên chi tiết không thể được tiết lộ. Một quan chức IPI cho Wired biết rằng yêu cầu nhãn hiệu của Apple bao gồm việc Apple sẽ độc quyền sử dụng quả táo này trong bất kỳ nội dung nghe nhìn được phát sóng hoặc truyền tải khác.

Theo Mariéthoz, Apple có thể sẽ tận dụng vị thế công ty lớn để ép các doanh nghiệp nhỏ. Ông gọi đây là hành vi bắt nạt không thể chấp nhận. "Về mặt lý thuyết, chúng tôi đang bước vào một vùng không chắc chắn mỗi khi quảng cáo sản phẩm với một trái táo", ông nhấn mạnh.

Giáo sư Irene Calboli của Trường Luật Đại học Texas A&M, đồng thời là thành viên của Đại học Geneva, chỉ ra rằng ở Thụy Sĩ, các công ty như Fruit Union Suisse, với lịch sử sở hữu logo lâu đời, thường được bảo vệ khỏi các vụ kiện từ các công ty như Apple. Nhưng mặt khác, bà nói rằng các công ty lớn và được đánh giá cao như Apple thường có thể khiến các công ty nhỏ hơn sợ hãi tuân theo yêu cầu của họ.

"Chỉ cần một mối đe dọa kiện tụng, các hãng như Apple cũng đủ khiến doanh nghiệp nhỏ sợ hãi, ngăn họ làm điều gì đó hoàn toàn hợp pháp", Calboli nói.

Apple đã rất nhiều lần đưa các doanh nghiệp có sử dụng biểu trưng hình trái táo ra tòa, thậm chí kiện luôn một ứng dụng mang logo trái lê. Theo báo cáo năm 2022 của Tech Transparency Project, trong giai đoạn 2019 tới 2021, Apple có tần suất nộp đơn chống vi phạm nhãn hiệu nhiều hơn nhóm Microsoft, Facebook, Amazon và Google cộng lại, dù các doanh nghiệp này cũng thuộc hàng Big Tech như "táo khuyết".

Thu Minh (t/h)