Amazon áp dụng phương thức mới để sa thải nhân viên

17:35 02/01/2024

Bắt đầu từ cuối năm 2022, thế giới chứng kiến làn sóng sa thải nhân viên rầm rộ ở khắp mọi nơi. Đến nay, làn sóng cắt giảm nhân sự hàng loạt vẫn tiếp tục, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Amazon được cho là không sa thải nhân viên để tránh khoản bồi thường khổng lồ, nhưng cũng không giao việc nhằm khiến họ tự nghỉ.

Ngày 1/9/2023, vị trí lập trình viên cấp cao của Justin Garrison và các thành viên trong nhóm của anh tại Amazon Web Services (AWS) bị xóa sổ. Garrison đã làm tại AWS gần 4 năm, chịu trách nhiệm viết tài liệu và thử nghiệm các sản phẩm điện toán đám mây cho hãng. Anh không bị sa thải, vẫn nhận được lương nhưng cũng không còn bất cứ vai trò nào tại công ty.

Theo Business Insider, đây là một trong những nhân viên kẹt trong thế "đi không được, ở không xong" tại Amazon những tháng qua. Các quản lý không chấm dứt hợp đồng hay bố trí nhiệm vụ mới cho Garrison, mà chỉ bảo anh tự tìm vị trí khác trong công ty hoặc kiếm việc mới.

Garrison cho rằng đây là xu thế mới đáng lo ngại tại Amazon sau đợt sa thải hơn 27.000 nhân viên. Thay vì tiếp tục cắt giảm khiến cổ đông quan ngại, Amazon được cho là đang cố gắng gây khó dễ để nhân viên tự nộp đơn xin việc. Đây được gọi là hình thức “sa thải thầm lặng”, trong đó doanh nghiệp tước bỏ toàn bộ lợi ích trong công việc, đồng thời ngừng hỗ trợ một số thứ cho nhân viên.

Từ giữa năm 2023, tình trạng này đã sớm bắt đầu sau khi CEO Amazon Andy Jassy công bố kế hoạch RTO (Quay trở lại văn phòng). Nhóm của Garrison và nhiều bộ phận khác được trấn an rằng họ sẽ không chịu ảnh hưởng.

“Họ nhiều lần nói rằng quyết định trên sẽ không ảnh hưởng đến chúng tôi. Tuy nhiên, từ mùa hè 2023, mọi thứ bắt đầu thay đổi”, anh kể lại.

Amazon không áp dụng hình thức RTO thông thường, trong đó nhân viên có thể chọn bất kỳ văn phòng nào họ muốn, mà yêu cầu có mặt tại văn phòng làm việc chính của bộ phận mình. Garrison có thể làm tại Seattle, San Francisco, Austin ở Mỹ và Vancouver tại Canada. Khi chọn Vancouver, anh được thông báo công ty sẽ không hỗ trợ xin visa làm việc tại Canada. "Đó là lựa chọn có như không", Garrison nhận xét.

Ngày 30/8/2023, nhóm của Garrison được thông báo miễn đến văn phòng trong 1 năm, song 2 ngày sau đã nhận chỉ thị giải thể. Garrison khi đó còn một dự án kéo dài khoảng một tháng rưỡi tại AWS.

“Một lãnh đạo nói tôi có thể tìm công việc khác sau khi hoàn tất nhiệm vụ. Điều đó có nghĩa tôi phải tự tìm việc mới còn họ không phải chịu trách nhiệm gì. Họ tỏ ra không thành thật và thiếu minh bạch”, anh nói.

Sau khi hoàn tất công việc vào giữa tháng 10/2023, Garrison yêu cầu lãnh đạo, trong đó có Phó chủ tịch AWS Barry Cooks, duyệt khoản bồi thường hợp đồng. Với tư cách là nhân viên cấp cao, anh tin mình có thể nhận về khoản này.

Trong 2 tháng rưỡi tiếp theo, Garrison nhiều lần liên hệ Cooks để cập nhật về tình hình bồi thường chấm dứt hợp đồng. Anh cũng giúp các đồng nghiệp tìm việc mới, song không tham gia bất kỳ cuộc họp nào trong suốt nhiều tháng.

“Đây là kỳ nghỉ tuyệt vời nhưng tôi cũng không biết bao giờ nó kết thúc”, Garrison nói và cho biết phía lãnh đạo vẫn chưa phản hồi gì về quyết định bồi thường.

Garrison cho rằng "sa thải thầm lặng" chỉ là một trong những chiến thuật nhằm quản lý số lượng nhân sự tại Amazon. Trong bài viết trên mạng xã hội hồi tháng 12/2023, cựu nhân viên AWS Merritt Baer nói "số lượng đơn xin nghỉ tại công ty chỉ trong một tuần đã đạt mức chấn động".

"Công ty luôn thể hiện rõ ràng về những quyết định dẫn tới RTO. Các thông tin truyền miệng từ nguồn giấu tên là không chính xác và không phản ánh thực tế", Rob Munoz, phát ngôn viên Amazon, nói với Business Insider.

Garrison lên tiếng để nói thay lòng các nhân viên cấp dưới - những người cũng đang mắc kẹt trong tình trạng đi không được, ở không xong. “Thị trường việc làm hiện nay khiến họ có rất ít quan hệ. Tôi đã ở trong ngành công nghệ suốt 20 năm và chắc sẽ ổn thôi”, anh nói.

Nhân viên cấp cao của AWS tiết lộ nhiều người trong công ty đã liên hệ và đồng tình với quan điểm của anh. "Chưa có ai ở Amazon nói tôi phát biểu sai lầm. Nhiều người đang trải qua điều này và thống nhất rằng nó thật tồi tệ", Garrison nói.

Bắt đầu từ cuối năm 2022, thế giới chứng kiến làn sóng sa thải nhân viên rầm rộ ở khắp mọi nơi. Đến nay, làn sóng cắt giảm nhân sự hàng loạt vẫn tiếp tục, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ. Bị sa thải khỏi các công ty công nghệ lớn đã gây ra khủng hoảng cho nhân viên và khiến không ít người lao động “vỡ mộng”.

Trong năm 2023, vào tháng 11, Amazon thông báo họ sẽ sa thải hơn 180 nhân viên trong bộ phận trò chơi điện tử của mình. Trước đó, Amazon đã cắt giảm 18.000 nhân sự vào tháng 1 và sa thải thêm 9.000 người lao động vào tháng 3. 

Theo Layoffs.fyi, 18.000 là con số cao nhất từng được ghi nhận về số lượng nhân viên công nghệ bị sa thải trong một tổ chức. Ngành công nghiệp vốn được biết đến với xu hướng đốt tiền vào những dự án tham vọng nay điêu đứng trước “cơn gió ngược” của nền kinh tế.

Tuy nhiên, sa thải diện rộng đồng nghĩa với việc Amazon phải bỏ ra một khoản ‘kha khá’ để bồi thường hợp đồng. Công ty do đó bắt đầu nghĩ ra cách thức mới, “sa thải thầm lặng” để nhân viên tự chủ động rời bỏ Amazon.

“Hiện tại tôi vô cùng lo lắng và năng suất của tôi có thể sẽ bằng 0. Tôi rất thất vọng với ban lãnh đạo nên không biết bắt đầu từ đâu”, một người chia sẻ về kế hoạch sa thải của Amazon.

Không chỉ Amazon nhiều công ty cũng đang thay đổi hình thức sa thải từ việc đuổi việc công khai sang cách giảm tính hấp dẫn trong công việc, từ đó khiến người lao động tự lựa chọn rời đi. Ben Wigert, giám đốc nghiên cứu chiến lược quản lý văn phòng tại công ty tư vấn quản lý Gallup, cho biết: “Sa thải thầm lặng là khi cấp trên của bạn trở nên hờ hững, không có kỳ vọng rõ ràng, không hỗ trợ hay phản ứng cụ thể trong công việc”.

Mai Hoa (T/h)

Tags: