9 cường quốc sẽ phát triển điện gió ngoài khơi với quy mô lớn

16:53 09/11/2022

Cùng với sự phát triển vũ bão của sức sản xuất, nguồn tài nguyên thiên nhiên của nhân loại ngày càng cạn kiệt. Điện gió là nguồn năng lượng sạch, không tiêu tốn nhiên liệu, không gây ô nhiễm môi trường cần được đẩy mạnh khai thác.

Theo nhiều nghiên cứu, những loại tài nguyên chủ yếu trữ lượng không nhiều, trong vòng mấy trăm năm nữa sẽ bị khai thác hết. Ví dụ tuổi thọ của mỏ sắt không đầy 200 năm, trữ lượng về than đá chỉ khoảng 200 năm, trữ lượng dầu mỏ không đầy 30 năm. Những tài nguyên thiên nhiên có thể tái sinh được như đất đai, động vật, thực vật, vi sinh vật, rừng, thảo nguyên, sinh vật thủy sinh, v.v... do loài người chặt phá và săn bắt không hạn chế nên nhiều chủng loài bị tiêu diệt, khiến cho chúng không thể tái sinh được nữa.

Bi thảm hơn là những tài nguyên vốn được xem là vô hạn như không khí và nước, do con người gây ô nhiễm nên ngày nay cũng đã xuất hiện nguy cơ bị thiếu. Cho nên từ góc độ vĩ mô mà xét, các loại tài nguyên thiên nhiên hầu như đều rơi vào tình trạng bi quan “bị khai thác cạn, dùng kiệt”. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

 Sử dụng nguồn năng lượng sạch – năng lượng điện gió là biện pháp để giảm lượng khí thải ra môi trường và hạ mức cảnh báo ô nhiễm xuống mức thấp nhất.

Ben Backwell, Giám đốc điều hành của GWEC đánh giá: “Điện gió ngoài khơi đang thực sự mở rộng trên toàn cầu. Đó là nhờ chính phủ các nước trên thế giới nhận ra vai trò của công nghệ trong việc khởi động phục hồi kinh tế hậu COVID thông qua đầu tư quy mô lớn, tạo công ăn việc làm và phát triển kinh tế cho các cộng đồng ven biển. Trong thập kỷ tới, chúng ta sẽ thấy các thị trường điện gió ngoài khơi mới nổi như Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam được triển khai một cách toàn diện, đồng thời sẽ chứng kiến các tuabin ngoài khơi đầu tiên được lắp đặt tại một số quốc gia khác ở châu Á, châu Mỹ Latinh và châu Phi”.

 Giám đốc Chiến lược của GWEC Feng Zhao cho biết: “Triển vọng của ngành công nghiệp này ngày càng hứa hẹn hơn nữa khi có càng nhiều quốc gia trên thế giới thức tỉnh trước tiềm năng khổng lồ của điện gió ngoài khơi. Khi thị trường tiếp tục phát triển thì những đổi mới trong ngành như điện gió nổi ngoài khơi, tuabin lớn hơn và hiệu quả hơn, cũng như các giải pháp Power-to-X sẽ tiếp tục mở ra những cánh cửa mới cùng thị trường mới và đặt ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi vào vị trí ngày càng quan trọng trong thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu”.

  Liên minh Gió ngoài khơi Toàn cầu (Global Offshore Wind Alliance - GOWA)

Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC), Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA) và Đan Mạch hợp tác thành lập một liên minh năng lượng gió ngoài khơi toàn cầu mới để khai phá tiềm năng và thúc đẩy đầu tư vào phong điện.

Liên minh sẽ tập hợp các Chính phủ, khu vực tư nhân, các tổ chức quốc tế và các bên liên quan khác để đẩy nhanh việc triển khai điện gió ngoài khơi. Các quốc gia tham gia GOWA đã đồng ý cùng nhau hợp tác để thúc đẩy các tham vọng quốc gia, khu vực và toàn cầu và xóa bỏ các rào cản đối với việc triển khai điện gió ngoài khơi tại các thị trường mới và hiện tại. Mục tiêu của GOWA là góp phần giúp thế giới đạt được tổng công suất điện gió ngoài khơi toàn cầu tối thiểu 380GW (Gigawatt) vào năm 2030, trung bình 35GW mỗi năm trong những năm 2020 và tối thiểu 70GW mỗi năm từ năm 2030, đạt đỉnh 2.000GW vào năm 2050. 

Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2022 - COP27 đang diễn ra tại Ai Cập từ ngày 6/11 – 18/11.
Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2022 - COP27 đang diễn ra tại Ai Cập từ ngày 6/11 – 18/11..

Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2022 (COP27) đang diễn ra tại Ai Cập, 9 quốc gia Bỉ, Colombia, Đức, Ireland, Nhật Bản, Hà Lan, Na Uy, Anh và Mỹ đã tham gia Liên minh điện gió ngoài khơi toàn cầu (GOWA), cam kết tăng cường phát triển điện gió ngoài khơi nhanh chóng để giải quyết các cuộc khủng hoảng khí hậu và an ninh năng lượng.

Mục tiêu trên hết của GOWA là Nỗ lực chống lại sự nóng lên toàn cầu. Theo dự báo của IRENA và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), GOWA phải lắp đặt được 2.000 GW công suất điện gió ngoài khơi để bảo đảm mục tiêu hạn chế nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 1,5°C.

Bà Laura Daniel-Davis - Trợ lý Bộ trưởng Quản lý đất đai và khoáng sản Mỹ cũng nhận định rằng thế giới không thể đạt được mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu nếu không có sự hợp tác quốc tế: “Chúng tôi nhận ra giá trị của quyết định hợp tác toàn cầu về gió ngoài khơi và sự cần thiết tuyệt đối của mọi quốc gia trong nỗ lực giải quyết khủng hoảng khí hậu”.

Ông Francesco La Camera - Tổng giám đốc IRENA bày tỏ suy nghĩ về chặng đường dài phía trước: “Tình trạng an ninh và khủng hoảng năng lượng tàn khốc buộc chúng tôi phải đánh giá lại tình hình. Công nghệ điện gió ngoài khơi sẽ là cánh cửa dẫn đến một tương lai mới, với cơ hội được khai thác đáng kể tiềm năng của gió”.

Chia sẻ tại Hội nghị COP27, Bộ trưởng Năng lượng Bỉ Tinne Van der Straeten cho biết: “Sự ra mắt của Liên minh này là một cơ hội tuyệt vời để xuất khẩu kiến thức và chuyên môn của Bỉ trong lĩnh vực điện gió sang các khu vực khác trên thế giới, từ đó đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng và hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C”.

Trong khi đó, Đại sứ Khí hậu của Đan Mạch Tomas Anker Christensen nhận định: “Điện gió ngoài khơi là trọng tâm để đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris và loại bỏ dần năng lượng được sản xuất bởi nhiên liệu hóa thạch. Với sự tham gia của các nhà hoạch định chính sách, các tổ chức quốc tế và các tác nhân từ toàn bộ chuỗi giá trị, Liên minh điện gió ngoài khơi toàn cầu ra đời để tạo động lực chính trị và thúc đẩy hành động bằng cách chia sẻ các phương pháp hay nhất để đảm bảo một nguồn điện hiệu quả, tiết kiệm chi phí và công bằng chuyển tiếp sang điện gió ngoài khơi”.

Về phía IRENA, Tổng Giám đốc Francesco la Camera cho biết: “Điện gió ngoài khơi là cơ hội duy nhất để các quốc gia bổ sung khối lượng lớn sản lượng điện không carbon mới, gia tăng tham vọng về khí hậu và phát triển đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của họ. Điện gió ngoài khơi không chỉ có sức cạnh tranh với các nguồn phát điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch, mà còn có thể tạo ra một sự thúc đẩy lớn cho đầu tư và tạo việc làm”.

Đại diện của GWEC, Giám đốc điều hành Ben Backwell cho rằng: “Có một khoảng cách lớn và ngày càng tăng giữa những gì cần thiết để đạt được các mục tiêu khí hậu của chúng ta và những gì đang thực sự xảy ra trong thực hiện. Nhưng tình hình không hoàn toàn là vô vọng.

Điện gió ngoài khơi là công nghệ thiết thực nhất và sẵn có cho nhiều quốc gia để thu hẹp khoảng cách này. GWEC ước tính rằng, những mục tiêu được các Chính phủ công bố hiện tại về điện gió ngoài khơi sẽ nâng công suất lắp đặt lên 370GW vào cuối năm 2030, tiến sát đến mục tiêu 380GW. Tuy nhiên, tất cả chúng ta sẽ phải nỗ lực hết sức và làm việc cùng nhau nếu chúng ta muốn biến các mục tiêu này thành hiện thực”.

 D.A (Tổng hợp)