5G đã thay đổi cuộc sống và công việc của mọi người dân Trung Quốc

15:47 28/06/2023

Tính đến cuối năm 2022, hơn 60% kết nối 5G toàn cầu là của Trung Quốc, bất chấp cuộc chiến công nghệ với Mỹ. Kết nối 5G Trung Quốc dự kiến đạt 1,6 tỷ vào năm 2030.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

MWC Thượng Hải, triển lãm lớn nhất ngành di động tại châu Á, đã trở lại sau hai năm gián đoạn vì Covid-19. Sự kiện năm nay diễn ra từ 28/6 đến 30/6 với chủ đề “Velocity”. Theo đơn vị tổ chức - Hiệp hội GSM (GSMA), năm 2023 đánh dấu thập kỷ đầu tiên của MWC Thượng Hải.

Chủ đề năm nay của MWC Thượng Hải nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển mạng di động thế hệ mới tại Trung Quốc, vốn sở hữu hạ tầng 5G lớn nhất thế giới và cũng là thị trường smartphone lớn nhất hành tinh. Tính đến cuối năm 2022, hơn 60% kết nối 5G toàn cầu là của Trung Quốc, bất chấp cuộc chiến công nghệ với Mỹ. Kết nối 5G Trung Quốc dự kiến đạt 1,6 tỷ vào năm 2030, chiếm gần 1/3 thế giới, theo báo cáo của GSMA.

Tại diễn đàn thảo luận về phát triển công nghệ mạng 5G trước thềm sự kiện MWC Thượng Hải, đại diện Huawei nhấn mạnh về những ứng dụng của công nghệ này với nền kinh tế.

Ông Cao Ming, Chủ tịch Dòng sản phẩm mạng không dây của Huawei cho biết 5G đã thay đổi cuộc sống và công việc của tất cả mọi người và đã trở thành một động lực quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế số, cho phép các nhà khai thác đạt được thành công trong kinh doanh.

"Là cơ sở hạ tầng mới đầu tiên hỗ trợ sự phát triển của nền kinh tế kỹ thuật số, 5G đã được triển khai nhanh hơn bất kỳ thế hệ công nghệ truyền thông di động nào trước đây kể từ khi được sử dụng thương mại trong bốn năm qua và trở thành một động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của nền kinh tế số" - Ông Cao Ming chia sẻ thêm tại sự kiện.

Ông Cao Ming, Chủ tịch Dòng sản phẩm mạng không dây của Huawei
Ông Cao Ming, Chủ tịch Dòng sản phẩm mạng không dây của Huawei.

"Sự phát triển của 5G sẽ bước vào một giai đoạn mới của sự phát triển nâng cấp và hội tụ ngành. Ba đến năm năm tới sẽ là giai đoạn quan trọng đối với việc mở rộng các ứng dụng 5G ở Trung Quốc và thậm chí trên toàn thế giới. Phát triển 5G đang đối mặt với những cơ hội và nhiệm vụ chiến lược mới, cần được chia sẻ bởi tất cả các bên trong ngành. Chúng tôi sẽ thúc đẩy đổi mới và khám phá ứng dụng toàn cầu, thúc đẩy sự trưởng thành của các ngành công nghiệp và hệ sinh thái mới và xây dựng sự thịnh vượng của hệ sinh thái 5G", ông Cao Minh nói thêm. 

Mạng 5G thương mại chính thức triển khai tại Trung Quốc từ năm 2019 thông qua 4 nhà mạng di động chính. Sau 4 năm phát triển, Bắc Kinh đang hướng đến công nghệ 5G nâng cấp (thường gọi 5.5G) với ưu điểm tiêu thụ năng lượng thấp hơn, tăng cường khả năng điện toán và hỗ trợ tốt cho ứng dụng trí tuệ nhân tạo, metaverse.

Thượng Hải, một trong những thành phố phát triển nhất ở Trung Quốc, cũng có kế hoạch thúc đẩy ngành công nghiệp metaverse vượt mốc 6,94 tỉ USD vào năm 2025. Thành phố đang nghiên cứu chiến lược "Shanghai Format" tập trung vào 5G, AI, metaverse và tăng cường trải nghiệm xe tự hành, theo ông Wang Tianguang - Cục trưởng Cục Truyền thông Thượng Hải.

Tính đến tháng 3.2023, Trung Quốc có gần 2,85 triệu trạm 5G trên cả nước, chiếm 25,3% tổng số trạm thu phát sóng tại đây và có hơn 43% dữ liệu truy cập internet từ di động trên nền tảng 5G. Cuối tháng 5.2023, số người dùng di động sử dụng 5G ở quốc gia tỉ dân đạt 651 triệu, tương đương 38,1% lượng thuê bao di động.

Cũng tại sự kiện, ông Li Huidi, Phó chủ tịch điều hành China Mobile xem mạng 5.5G là công nghệ mạng di động không dây "AI thông minh, tích hợp đám mây, ít phát thải carbon và hiệu quả" trong tương lai.

Các ứng dụng trên nền tảng 5G đã bao phủ hơn 60% lĩnh vực công nghiệp khác nhau liên quan đến quá trình phát triển kinh tế quốc gia, trong đó có thể kể đến như internet phục vụ công nghiệp, thành phố thông minh, tiêu thụ thông tin, an ninh công cộng, dầu khí, năng lượng thông minh, giáo dục, y tế, nông nghiệp, kho vận, khai khoáng...

Tại "Công viên 5G – 5G Park" được tổ chức trong Diễn đàn, Huawei đã trình diễn năng lực sản xuất trực tuyến thời gian thực của nội dung 3D bằng mắt thường, các cuộc gọi mới tích hợp các ứng dụng thông minh, âm thanh và video siêu HD sử dụng các tiêu chuẩn HDR Vivid và Audio Vivid. và HUAWEI xScene phá vỡ các giới hạn không gian vật lý trong xe.

Một điểm nhấn của sự kiện lần này là khu vực “Digital Shanghai Zone” xuất hiện lần đầu tiên, trình diễn các thành tựu của thành phố trong phát triển hạ tầng số trên nền 5G, trong đó có AI, IoT, AR và thực tế ảo. Chúng được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ y tế đến sản xuất, có tiềm năng biến Thượng Hải thành chuẩn mực chuyển đổi 5G toàn cầu.

Minh Phương (t/h)