Phản ứng của Huawei trước nguy cơ bị châu Âu cấm thiết bị 5G

12:46 09/06/2023

Huawei đã đưa ra lời khiếu nại sau khi tờ Financial Times (FT) đưa tin EU đang cân nhắc cấm các thành viên trong khối sử dụng thiết bị từ công ty.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Huawei cho rằng, việc Liên minh châu Âu đề xuất cấm thiết bị 5G Trung Quốc, trong đó có của hãng, là bất hợp pháp và "bóp méo thị trường".

Trả lời SCMP qua email ngày 8/6, phát ngôn viên Huawei cho biết, kế hoạch cấm thiết bị 5G từ Trung Quốc của châu Âu là hành động "không bên nào nhận được lợi ích". Công ty phản đối việc chính trị hóa vấn đề đánh giá an ninh mạng - điều vi phạm các nguyên tắc và điều luật mà Liên minh châu Âu (EU) đưa ra.

"Việc loại trừ sản phẩm dựa trên đánh giá phi kỹ thuật gây ra các rủi ro nghiêm trọng về kinh tế và xã hội. Nó sẽ cản trở sự đổi mới và bóp méo thị trường EU, làm tăng áp lực chi phí dịch vụ lên người tiêu dùng. Trong suốt thời gian tại châu Âu, chưa có hồ sơ nào cho thấy thiết bị của chúng tôi  có 'cài cắm' cửa hậu bên trong", người phát ngôn viên của Huawei nói.

Huawei đã đưa ra lời khiếu nại sau khi tờ Financial Times (FT) đưa tin EU đang cân nhắc cấm các thành viên trong khối sử dụng thiết bị từ các công ty có thể đe dọa rủi ro bảo mật trong mạng 5G, bao gồm Huawei. Năm 2020, Brussels khuyến nghị các nước thành viên cấm hoặc hạn chế Huawei tham gia mạng 5G, song FT cho biết chỉ khoảng 1/3 quốc gia EU làm theo.

Xét đến thời gian cần thiết để thông qua luật mới, lệnh cấm được đề xuất không thể có hiệu lực trước năm 2024, khi nhiệm kỳ của Ủy ban Châu Âu (EC) hiện tại kết thúc. Nếu EU tiếp tục lệnh cấm, đây sẽ là đòn giáng mới vào Huawei tại khu vực này.

Theo nghiên cứu của hãng tư vấn viễn thông Strand Consult, các nhà sản xuất Trung Quốc cung ứng hơn 50% thiết bị 5G tại 31 quốc gia châu Âu tính đến cuối năm 2022. Đức, nền kinh tế lớn nhất khu vực và là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc tại EU, mua 59% thiết bị 5G từ các thương hiệu đại  lục. Thị phần của Huawei tại Berlin còn lớn hơn tại Bắc Kinh, nơi họ phải cạnh tranh với đối thủ nội như ZTE…

Các nền kinh tế EU lớn khác như Italy, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Áo và Tây Ban Nha cũng tiếp tục mua lượng lớn thiết bị 5G của Trung Quốc, nghiên cứu nêu.

Đầu năm nay, Đức - quốc gia bị cho là đang chần chừ về việc đưa ra lệnh cấm Huawei, đã bày tỏ lo ngại về mối quan hệ giữa Deutsche Telekom và công ty đại lục này. Các quan chức Berlin cho biết, họ đang đánh giá lại các yếu tố Trung Quốc trong cơ sở hạ tầng 5G tại nước này và xem xét sửa luật nếu cần thiết.

Đến nay, bên cạnh Bồ Đào Nha chuẩn bị thông qua lệnh cấm, các quốc gia EU khác đã “nói không” với Huawei bao gồm Đan Mạch, Thuỵ Điển, Estonia, Latvia và Litva cùng vương quốc Anh.

Giá thiết bị viễn thông của Huawei được cho là thường thấp hơn 20-30% so với các đối thủ cạnh tranh. Chúng không phải lúc nào cũng thấp hơn, nhưng chúng đủ thấp để giúp Huawei chiếm thị phần cao ở châu Âu, quê hương của các đối thủ cạnh tranh Nokia và Ericsson.

Tất nhiên, giá cả không phải là yếu tố duy nhất liên quan đến các nhà mạng viễn thông: Thành công của Huawei cũng dựa trên chất lượng tốt và đôi khi chúng còn vượt trội.

Tú Anh (t/h)