![]() |
Huawei tăng tốc trong cuộc đua AI, thách thức vị thế Nvidia |
Ngày 9/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump ban hành các hạn chế mới, cấm xuất khẩu chip AI sang Trung Quốc, bao gồm Nvidia H20 và AMD MI308. Ngay sau đó, Huawei khiến giới công nghệ bất ngờ khi công bố Ascend 920, chip AI thế hệ mới, tại một hội nghị dành cho các đối tác trong nước. Theo thông tin từ DigiTimes Asia, chip này dự kiến được sản xuất đại trà vào nửa cuối năm 2025, đánh dấu bước tiến lớn trong nỗ lực tự chủ bán dẫn của Trung Quốc. Các chuyên gia cho biết nó có thể thay thế chip H20 mà Nvidia không còn được bán ở đại lục nữa.
Ascend 920 là con chip hoàn toàn do Huawei thiết kế, sản xuất trên tiến trình 6nm của SMIC – nhà sản xuất bán dẫn hàng đầu Trung Quốc. Chip sử dụng kiến trúc chiplet tương tự như đàn anh Ascend 910C, sở hữu hiệu năng tính toán lên đến 900 TFLOPS, băng thông bộ nhớ đạt 4.000 GB/s và tích hợp mô-đun HBM3. Theo đánh giá ban đầu, hiệu năng của Ascend 920 nhanh hơn từ 30-40% so với thế hệ trước và có tiềm năng vượt Nvidia H20 – sản phẩm vốn đang bị chặn đường xuất khẩu.
Nvidia H20 từng là lựa chọn phổ biến của các ông lớn công nghệ Trung Quốc như ByteDance, Tencent… với số lượng đặt hàng lên tới hàng nghìn chiếc trong năm 2025. Mặc dù sức mạnh không sánh được với dòng chip cao cấp như H100, H20 vẫn mang về cho Nvidia hàng tỷ USD doanh thu và tăng trưởng ấn tượng 50% mỗi quý từ thị trường tỷ dân này.
Tuy nhiên, với lệnh cấm mới, Nvidia đang đối mặt với nguy cơ mất 5,5 tỷ USD doanh thu, còn Huawei lại nắm bắt thời cơ để thay thế vị trí của đối thủ Mỹ ngay trên chính sân nhà.
Không chỉ dừng lại ở chip, Huawei còn trình làng cụm siêu máy chủ CloudMatrix 384, sử dụng 384 chip Ascend 910C – phiên bản tiền nhiệm của Ascend 920. Cụm này đạt hiệu năng gần 300 petaFLOPS (BF16), gần gấp đôi so với hệ thống GB200 NVL72 của Nvidia sử dụng kiến trúc Blackwell mới nhất, đồng thời sở hữu bộ nhớ HBM cao hơn 3–4 lần.
Thành tích này không đến từ đột phá kiến trúc, mà nhờ cách Huawei “nhồi” gấp 5 lần số chip vào một cụm duy nhất và kết nối theo cấu trúc “all-to-all”, giảm thiểu độ trễ truyền tải dữ liệu giữa các GPU. Đổi lại, hệ thống tiêu thụ điện năng cực lớn – lên tới 560 kW cho mỗi khung máy – gấp gần 4 lần so với đối thủ Nvidia, khiến hiệu suất trên mỗi watt còn kém. Tuy nhiên, trong bối cảnh Trung Quốc ưu tiên tự chủ công nghệ và có nguồn điện tương đối ổn định, đây không phải trở ngại quá lớn.
CloudMatrix 384 cũng mang ý nghĩa địa-chính trị rõ rệt, phản ánh tham vọng xây dựng hạ tầng AI cấp quốc gia mà không phụ thuộc vào công nghệ phương Tây. Dù vậy, Huawei vẫn còn phụ thuộc một phần vào chuỗi cung ứng nước ngoài, như TSMC hay Samsung, nên khả năng mở rộng sản xuất Ascend 910C hay 920 vẫn là bài toán chưa có lời giải.
Sức ép từ Trung Quốc khiến Nvidia phải hành động nhanh. Ngay sau khi lệnh cấm được ban hành, CEO Jensen Huang đã vội vã bay tới Bắc Kinh. Tại đây, ông nhấn mạnh Trung Quốc vẫn là “thị trường vô cùng quan trọng” và bày tỏ mong muốn “tiếp tục hợp tác” với các khách hàng địa phương, động thái được giới phân tích xem là nỗ lực trấn an trước nguy cơ Huawei chiếm thị phần AI.
Đáng chú ý, trong báo cáo thường niên gửi Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC), Nvidia đã xếp Huawei là đối thủ cạnh tranh trực tiếp trong 4/5 lĩnh vực: chip, điện toán đám mây, xử lý điện toán và thiết bị mạng – điều chưa từng có cách đây 3 năm.