![]() |
TSMC đối mặt nguy cơ bị phạt hơn 1 tỷ USD vì cấp chip Huawei |
Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) - nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới - đang đối mặt với khoản tiền phạt hơn 1 tỷ USD từ Bộ Thương mại Mỹ, sau khi một con chip do hãng sản xuất bị phát hiện trong bộ xử lý trí tuệ nhân tạo (AI) của Huawei. Sự việc không chỉ đẩy TSMC vào tâm điểm căng thẳng Mỹ - Trung, mà còn cho thấy rõ những điểm yếu lâu nay của mô hình sản xuất theo đơn hàng, vốn đã chi phối ngành bán dẫn toàn cầu suốt nhiều thập kỷ.
Theo các nguồn tin thạo việc, cuộc điều tra của Mỹ nhằm vào TSMC xoay quanh chiplet do hãng này sản xuất cho Sophgo - một công ty thiết kế chip có trụ sở tại Trung Quốc. Con chip này sau đó đã được phát hiện trong bộ xử lý AI Ascend 910B của Huawei, bất chấp việc Huawei đã nằm trong danh sách hạn chế thương mại của Mỹ và bị cấm tiếp cận công nghệ Mỹ.
Sophgo, trong trường hợp này, đóng vai trò như "lớp ngụy trang", giúp Huawei tiếp cận công nghệ bán dẫn tiên tiến mà lẽ ra họ không thể có được. Gần ba triệu chip tương tự, sản xuất bởi TSMC trong những năm gần đây theo thiết kế của Sophgo, có khả năng đã được chuyển giao cho Huawei, theo nhà nghiên cứu Lennart Heim tại Trung tâm Công nghệ, An ninh và Chính sách RAND.
Khoản tiền phạt hơn 1 tỷ USD mà TSMC có thể phải đối mặt xuất phát từ các quy định kiểm soát xuất khẩu của Mỹ, trong đó cho phép mức phạt lên tới gấp đôi giá trị các giao dịch vi phạm. Mặc dù các dây chuyền sản xuất chip của TSMC đặt tại Đài Loan (Trung Quốc), nhưng vì sử dụng thiết bị chứa công nghệ Mỹ, công ty này vẫn chịu sự giám sát theo luật xuất khẩu của Washington.
Sự cố của TSMC làm dấy lên một vấn đề mới, mô hình sản xuất chip theo hợp đồng (foundry model), vốn được coi là xương sống của ngành bán dẫn hiện đại, đang bộc lộ những giới hạn lớn trong bối cảnh cạnh tranh công nghệ ngày càng gay gắt.
Theo quy trình tiêu chuẩn, TSMC chỉ tiếp nhận tập tin GDS (Graphic Data System) từ khách hàng – một bản thiết kế chứa đầy đủ thông tin kỹ thuật để chế tạo chip – mà hoàn toàn không kiểm soát được sản phẩm sau khi rời khỏi nhà máy. “Chúng tôi bị hạn chế thông tin và không thể ngăn chặn sản phẩm bị sử dụng sai mục đích", TSMC thừa nhận trong báo cáo tài chính gần đây.
Điều này khiến các nhà sản xuất chip như TSMC trở thành "người làm thuê cao cấp", thiếu cả công cụ lẫn quyền lực để truy vết dòng chảy sản phẩm. Khi các công ty trung gian như Sophgo tham gia vào chuỗi cung ứng, việc kiểm soát mục đích sử dụng cuối cùng càng trở nên bất khả thi.
Trong khi TSMC nỗ lực chứng minh mình tuân thủ các quy định từ năm 2020, những thông tin mới từ SemiAnalysis cho thấy Huawei có thể vẫn đang tìm cách tiếp cận chip do TSMC sản xuất. Cụ thể, Huawei được cho là đã mua khoảng 500 triệu USD chip 7nm từ TSMC thông qua Sophgo, phục vụ việc phát triển thế hệ chip AI mới Ascend 910C.
Điều đáng nói là, dù chip Ascend 910C được thiết kế hoàn toàn tại Trung Quốc, Huawei vẫn lựa chọn công nghệ 7nm của TSMC thay vì sản phẩm nội địa từ SMIC - hãng sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc - do e ngại về độ ổn định và hiệu suất.
Dưới áp lực ngày càng gia tăng từ Mỹ, không chỉ TSMC mà cả Samsung Foundry và các công ty bán dẫn khác buộc phải xây dựng cơ chế kiểm soát chặt chẽ hơn đối với khách hàng, thậm chí cả đối tác trung gian. Tuy nhiên, điều này không dễ dàng, bởi nó đòi hỏi tái định nghĩa lại vai trò, quy trình và trách nhiệm pháp lý trong một ngành vốn quen với cách vận hành “ẩn danh” suốt nhiều thập kỷ.
Nếu không tìm được lời giải, các tập đoàn sản xuất chip có thể sẽ ngày càng đối mặt với rủi ro pháp lý, tài chính, và quan trọng hơn, là rơi vào thế bị động trong cuộc chiến kiểm soát công nghệ toàn cầu.