![]() |
Dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo bổ sung quyền tự chủ toàn diện cho các tổ chức nghiên cứu khoa học và cá nhân nhà khoa học. |
Ngày 6/5, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã trình dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) với nhiều nội dung đổi mới mang tính đột phá. Trong đó, điểm nhấn nổi bật là chủ trương trao quyền tự chủ toàn diện cho các tổ chức nghiên cứu khoa học và cá nhân nhà khoa học – một thay đổi được kỳ vọng sẽ “cởi trói” cho sáng tạo và thúc đẩy mạnh mẽ năng suất nghiên cứu trong nước.
Phát biểu tại phiên họp, Phó thủ tướng Lê Thành Long khẳng định: “Nhà nước sẽ tập trung quản lý mục tiêu, kết quả đầu ra và hiệu quả nghiên cứu, thay vì can thiệp vào phương pháp thực hiện". Sự thay đổi này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy quá trình nghiên cứu. Trong trường hợp dự án không đạt kết quả mong đợi, các tổ chức nghiên cứu sẽ không còn chịu trách nhiệm bồi thường như trước và được miễn trừ trách nhiệm dân sự đối với các thiệt hại phát sinh cho Nhà nước trong quá trình nghiên cứu. Đây là bước tiến quan trọng trong việc công nhận tính đặc thù và rủi ro cố hữu của nghiên cứu khoa học.
![]() |
Phó thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long |
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng trước đó từng lý giải dù chấp nhận rủi ro ở từng nhiệm vụ, dự án cụ thể, hiệu quả hoạt động vẫn được đánh giá trên tổng thể tổ chức và chương trình nghiên cứu. Các tổ chức hoạt động hiệu quả sẽ được ưu tiên cấp thêm kinh phí phát triển, ngược lại, tổ chức kém hiệu quả có thể bị cắt giảm nguồn lực hoặc giải thể.
Bộ trưởng cho rằng giao tự chủ không đồng nghĩa với buông lỏng trách nhiệm, mà nhằm tạo cơ chế linh hoạt, khuyến khích đổi mới. Sự dám chấp nhận rủi ro thúc đẩy nhà khoa học theo đuổi vấn đề thách thức, tạo đột phá khoa học. Nghiên cứu không đạt mục tiêu vẫn mang lại bài học, tránh sai lầm hoặc mở hướng đi mới. Cơ chế đánh giá hiệu quả gắn với kinh phí đảm bảo phân bổ tài chính hợp lý, thúc đẩy nâng cao chất lượng khoa học, công nghệ.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đồng tình rằng việc thiếu quy định rõ ràng về chấp nhận rủi ro và độ trễ trong nghiên cứu đang là điểm nghẽn lớn. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý cần làm rõ tiêu chí phân biệt giữa rủi ro khách quan và lỗi chủ quan, tránh lạm dụng miễn trừ trách nhiệm.
Không chỉ trao quyền tự chủ về chuyên môn, dự luật còn mở rộng quyền sở hữu và thương mại hóa kết quả nghiên cứu cho tổ chức và cá nhân. Theo đó, cơ sở nghiên cứu sẽ có toàn quyền sở hữu đối với tài sản hình thành từ nghiên cứu, kể cả khi dùng vốn nhà nước. Đặc biệt, người trực tiếp nghiên cứu được hưởng tối thiểu 30% lợi nhuận từ hoạt động thương mại hóa và được phép thành lập, điều hành doanh nghiệp khoa học công nghệ.
Điều này phá vỡ rào cản trước đây khi Nhà nước là chủ sở hữu tuyệt đối với kết quả nghiên cứu từ ngân sách, khiến việc thương mại hóa thường bị vướng thủ tục định giá, hoàn trả, dẫn đến lãng phí chất xám.
Dự thảo luật cũng dành riêng một chương để bổ sung nhiều chính sách thu hút đầu tư từ doanh nghiệp vào KH,CN&ĐMST. Các biện pháp khuyến khích bao gồm: ưu đãi thuế, khen thưởng cho nghiên cứu cơ bản, hỗ trợ nhân lực trong nước, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho chuyên gia nước ngoài và Việt kiều trở về tham gia các nhiệm vụ trọng điểm.
Với định hướng “giảm thủ tục hành chính, tăng cường hậu kiểm”, dự luật chuyển mạnh tư duy quản lý khoa học từ “quản lý quy trình” sang “quản lý hiệu quả”. Chính phủ đặt mục tiêu hoàn thiện hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, trong đó nhà khoa học được quyền sáng tạo, tổ chức được quyền chủ động, còn Nhà nước đóng vai trò bảo đảm, định hướng và kiểm soát đầu ra.
Dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo sẽ tiếp tục được Quốc hội thảo luận tại hội trường vào ngày 13/5 và dự kiến thông qua trong kỳ họp thứ hai.