Thách thức cho việc giảm tỉ lệ sử dụng tiền mặt

00:00 12/10/2020

Để có thệ đạt mục tiêu đến cuối năm 2025 tỷ trọng tiền mặt còn 8%, ngành ngân hàng sẽ phải đối mặt với những thách thức nào?

Mục tiêu đến cuối năm 2025 tỷ trọng tiền mặt còn 8%

Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025 đặt mục tiêu đến cuối năm 2020 tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán chỉ ở dưới mức 10%, đến cuối năm 2025, con số này rút xuống còn 8%.

Dần loại bỏ tiền mặt

Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 986 đặt mục tiêu đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, tối ưu hóa mạng lưới ATM và POS. Đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở dưới mức 10%; đến cuối năm 2025, con số này rút xuống còn 8%.

Chiến lược cũng đưa ra một loạt các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu như: phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại, tạo cơ sở nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng…

Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tiền tệ, ngân hàng trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế và đáp ứng yêu cầu hội nhập.

Cũng theo chiến lược, Ngân hàng Nhà nước tăng dần tính độc lập, chủ động và trách nhiệm giải trình về mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ, kiểm soát lạm phát ở mức phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xã hội trong từng thời kỳ, hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững.

Tăng số lượng doanh nghiệp và người dân tiếp cận với các dịch vụ tài chính, ngân hàng do các tổ chức tín dụng cung ứng. Tập trung phát triển các loại hình dịch vụ phù hợp phục vụ các nhóm dân cư chưa hoặc ít được tiếp cận với dịch vụ ngân hàng truyền thống ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn…

Thách thức không nhỏ

Thách thức đầu tiên chính là vấn đề thói quen của người dân, nhiều chuyên gia đồng tình với quan điểm rằng, thói quen sử dụng tiền mặt của người dân là một trong những trở ngại lớn nhất. “Thói quen sử dụng tiền mặt của người tiêu dùng tiền mặt đã rất sâu sắc” – ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN cho biết.

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Quang Trung, Giám đốc Giám đốc Phát triển sản phẩm khu vực châu Á công ty OPENWAY, lượng người thanh toán online hiện nay đang có sự phân hóa về độ tuổi. “Hiện 80% những người thuộc lứa tuổi 8X đổ về họ không có nhu cầu sử dụng thẻ để thanh toán do không am hiểu về công nghệ thông tin. “Trong khi đó, theo phân tích dữ liệu từ big data, chúng tôi thấy rằng giới trẻ hiện nay mới là lực lượng chủ yếu thanh toán online” – Giám đốc OPENWAY trao đổi.

Vì vậy cần tăng cường truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân đối với các dịch vụ tài chính ngân hàng điện tử, đặc biệt là phải giải tỏa tâm lý lo ngại của người dân đối với an toàn của thanh toán điện tử.

Thứ hai, thách thức trong việc bảo mật của ngành ngân hàng. Liên tiếp trong thời gian gần đây xảy ra các vụ việc mất cắp tiền trong thẻ ngân hàng người dùng. Chỉ bằng thao tác đơn giản tìm kiếm trên ứng dụng Google chỉ trong 0,16 giây đã cho ra đến 250.000 kết quả liên quan đến “mất tiền trong thẻ ngân hàng”.

Trách nhiệm của việc xảy ra tình trạng trên xuất phát không chỉ từ phía ngân hàng mà đôi khi còn bởi ý thức của chính người dùng. Ngân hàng đầu tư cho hệ thống bảo mật, công nghệ nhưng vận hành chúng vẫn là con người, đôi khi lỗi không ở hệ thống mà do nhân viên để lộ thông tin ra ngoài dù cố ý hay vô ý. Còn về phía khách hàng, nhiều trường hợp mất tiền là do bản thân họ sơ hở làm lộ thông tin, mật khẩu.

Tuy nhiên, rủi ro bị trộm tiền từ thẻ ngân hàng vẫn rất thấp. Theo ông Lê Mạnh Hùng Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin cho rằng, theo thống kê của các tổ chức thanh toán quốc tế như Visa-Mastercard, năm 2017 Việt Nam là quốc gia có tỉ lệ mất an toàn qua thanh toán thuộc loại thấp, chỉ khoảng 1/3 so với tỉ lệ bình quân trên thế giới.

Ngành ngân hàng cũng có lộ trình triển khai áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về an ninh bảo mật cho hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) cũng như các dịch vụ thanh toán trực tuyến, thanh toán thẻ (ISO 27001, PCI/DSS).

Để có thể hạn chế hơn nữa, và giúp người dân tin tưởng vào hệ thống ngân hàng, “Giải pháp hiện nay là sử dụng loại thẻ chip EMV, loại thẻ được gắn chip và có bộ vi xử lý ở trong thẻ, chứa toàn bộ thông tin mã hóa, bảo mật và theo chuẩn quốc tế” – ông Quang Trung đề xuất.

Hiện ở Việt Nam đã có một số ngân hàng thương mại đang ứng dụng thẻ EMV. Tuy nhiên, việc chuyển đổi sang thẻ EMV tốn nhiều thời gian và không hề đơn giản. Bởi ngân hàng sẽ phải thay đổi toàn bộ hệ thống thẻ, thay đổi nền tảng số, ....

Về vấn đề bảo mật an ninh, hiện chuẩn DCI-DSS trên thế giới đã lên mức 3.2, nhưng ở Việt Nam hiện nay chỉ có một số ngân hàng liên doanh với nước ngoài mới đạt chuẩn này.

“Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong việc chuyển đổi từ sử dụng thẻ từ sang thẻ EMV, song để đảm bảo sự an toàn chúng ta cần có sự thay đổi. Sự thay đổi này không chỉ từ phía ngân hàng mà còn từ phía khách hàng, đó chính là sự hợp tác, chấp nhận sự thay đổi để đảm bảo lợi ích cho chính mình”, ông Nguyễn Quang Trung cho hay.

Nguyễn Long