Yêu cầu EVN nghiên cứu xây dựng cơ chế giá điện hai thành phần

14:33 17/01/2024

Bộ Công thương vừa yêu yều Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nghiên cứu xây dựng cơ chế giá bán điện hai thành phần, gồm giá công suất và giá điện năng để áp dụng cho khách hàng sử dụng điện.

Bộ Cộng Thương yêu cầu EVN xây dựng lộ trình và đề xuất đối tượng khách hàng sử dụng điện áp dụng giá bán điện hai thành phần.

Trên cơ sở đề xuất về cơ chế và lựa chọn đối tượng khách hàng áp dụng giá bán điện 2 thành phần, thực hiện tính toán đối chứng, so sánh việc áp dụng giá bán điện hai thành phần với việc áp dụng giá bán điện theo biểu giá điện hiện hành, quy định tại Quyết định số 249/QĐ-BCT ngày 8/11/2023 của Bộ Công Thương quy định về giá bán điện.

Ảnh minh họa
Bộ Công Thương yêu cầu EVN xây dựng cơ chế giá điện hai thành phần

EVN cũng được yêu cầu nghiên cứu, đánh giá tác động đối với việc thực hiện giá bán lẻ điện bình quân cũng như tác động với các nhóm khách hàng sử dụng điện khi áp dụng cơ chế giá bán điện hai thành phần.

Đồng thời, báo cáo tổng kết và đề xuất cơ chế giá bán điện hai thành phần sau giai đoạn tính toán, đối chứng gửi về Bộ Công Thương để nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo 348/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái – Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá về kết quả công tác quản lý, điều hành giá 7 tháng đầu năm 2023 và định hướng công tác quản lý, điều hành giá những tháng cuối năm 2023.

Trong đó, yêu cầu khẩn trương hoàn thiện việc sửa đổi, bổ sung định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.

Đối với một số mặt hàng thiết yếu, trong đó, Bộ Công Thương theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới và tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu theo quy định; rà soát và chủ động xây dựng các kịch bản, phương án hợp lý, khả thi và thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước để tránh gây áp lực lên mặt bằng giá trong nước; tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; không để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống.

Như đã biết, Báo cáo tại hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vào sáng 21.12 cho biết, trong năm 2022, các biến động trên thế giới đã tác động, ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất điện của EVN. Công tác đầu tư xây dựng các dự án điện gặp nhiều vướng mắc về cơ chế chính sách, khó khăn trong thu xếp vốn...

Do chi phí đầu vào tăng cao nhưng giá bán lẻ điện đã không được điều chỉnh gần 4 năm và đang thấp hơn nhiều so với chi phí giá thành.

Dù đã triển khai chiến lược tiết giảm chi phí 33.445 tỉ đồng, nhưng tập đoàn vẫn không thể bù đắp được chi phí mua điện do giá nhiên liệu tăng cao đột biến trong năm qua. Kết quả là năm 2022, EVN dự kiến sẽ lỗ khoảng 31.360 tỉ đồng.

Từ đó, EVN tiếp tục kiến nghị Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và các bộ ngành cho phép điều chỉnh giá điện để giảm bớt khó khăn và có thể cân đối tài chính của EVN trong những năm tới.

PV (t/h)