Yên Bái: Bình ổn thị trường phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024

15:55 16/01/2024

Nắm bắt được nhu cầu tiêu dùng vào dịp Tết của người dân sẽ tăng khoảng 10-15% so với ngày thường, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chủ động nắm bắt tình hình thị trường, bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu và đáp ứng kịp thời.

Tính đến ngày 15/01/2024, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có: 96 chợ truyền thống, 01 trung tâm thương mại, 01 siêu thị, 25 cửa hàng Winmart+, 160 cửa hàng tiện lợi/tiện ích đảm bảo phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân. Đến nay, các cơ sở sản xuất, kinh doanh đặc biệt là các doanh nghiệp phân phối hàng hóa công nghệ phẩm phục vụ Tết Nguyên Đán Giáp Thìn 2024 đã có kế hoạch cụ thể đối với việc nhập hàng, dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết.

Để bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hóa dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Sở Công Thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp trên địa bàn xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu để cung cấp cho thị trường vào thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Đồng thời chỉ đạo các doanh nghiệp thương mại - dịch vụ trên địa bàn tỉnh tăng cường phân phối hàng hoá chuẩn bị đủ về lượng, phong phú về chủng loại với chất lượng đảm bảo và bao bì, mẫu mã đẹp, lịch sự giá cả hợp lý, tập trung vào một số mặt hàng sản xuất trong nước có chất lượng để tham gia vào thị trường như: Bánh mứt kẹo, rượu bia, thuốc lá, nước giải khát, vải và quần áo may sẵn, hàng tiêu dùng...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Qua báo cáo và nắm bắt tình hình, các đơn vị kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh đã có chủ trương nhập hàng và đẩy mạnh phân phối hàng hóa đến các đại lý bán lẻ trong tỉnh, từ thành thị đến nông thôn, vùng cao trên toàn tỉnh nhằm phục vụ nhu cầu của nhân dân trong dịp Tết. Một số mặt hàng phục vụ tết Nguyên đán có tính thời điểm như: bánh mứt Tết, bánh kẹo, bia và nước ngọt các loại mẫu mã có trang trí hoa văn chúc mừng năm mới 2024 được các đơn vị đã bắt đầu nhập hàng được phân phối đến các đại lý và đẩy mạnh bán ra trước tết, không để hàng tồn đọng sau Tết. Các doanh nghiệp triển khai nhập hàng và dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết tăng khoảng 10% so với tháng trước và tăng từ 20-30% so với thời điểm các tháng bình thường trong năm. các doanh nghiệp kinh doanh lương thực, thực phẩm chủ đạo giá trị lượng hàng hóa năm nay ước tính trên 155 tỷ đồng, hàng hóa đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường, giá hàng hóa ổn định. Theo dự kiến, nhu cầu mua sắm hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết Nguyên Đán Giáp Thìn 2024 của người dân chỉ bùng nổ, tăng mạnh vào thời điểm sau ngày 02/02/2024 (tức 23/12/2023 âm lịch).

Hiện tại nguồn cung hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm, đặc biệt là hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 trên thị trường vẫn dồi dào, nguồn hàng và giá cả tương đối ổn định. Một số mặt hàng đang có xu hướng tăng nhẹ như củ quả và xăng dầu, khí hóa lỏng (LPG).

Theo dự báo, nhu cầu tiêu dùng vào dịp Tết Nguyên đán 2024 của người dân tăng khoảng 10-15% so với ngày thường, các doanh nghiệp phân phối thiết yếu trên địa bàn tình đã chủ động nắm bắt tình hình thị trường, dự báo khả năng tiêu dùng của người dân và đã có phương án nhập hàng hóa bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho thị trường với giá hợp lý, chất lượng đảm bảo và đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tổ chức thực hiện, đảm bảo lưu thông, cung ứng hàng hóa thiết yếu, phục vụ nhu cầu của người dân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 như: Cung cấp hàng hóa thiết yếu qua các kênh phân phối bán lẻ trên toàn tỉnh; cung ứng hàng hóa thiết yếu tại các huyện bằng các chuyến hàng lưu động của doanh nghiệp, các chương trình khuyến mại, điểm bán hàng lưu động…; hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện lợi tiện ích bố trí xe bán hàng lưu động, đảm bảo nguồn hàng, tổ chức thu tiền của dân theo đúng hóa đơn, bảng giá quy định của siêu thị; cung ứng hàng hóa tại các chợ truyền thống trên địa bàn toàn tỉnh; cung ứng hàng hóa bằng hình thức “Đặt hàng trực tuyến”.

PV (T/h)