Xuất khẩu sang thị trường Á - Phi tăng trưởng khá trong 6 tháng đầu năm

21:50 18/07/2022

Trong 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu hàng hóa sang khu vực châu Á, châu Phi chiếm 67% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước.

Theo Bộ Công Thương, trong 6 tháng đầu năm 2022, tình hình thế giới và khu vực có những yếu tố sáng tối đan xen, nhiều khó khăn nhưng cũng không ít thuận lợi. Kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước 6 tháng đầu năm đạt 371,4 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó xuất khẩu hàng Việt sang các thị trường chính khu vực châu Á và châu Phi tăng trưởng 2 con số.

Cụ thể, kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước 6 tháng đầu năm đạt 371,4 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó, xuất khẩu đạt 186 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ.
Xuất khẩu sang thị trường Á - Phi tăng trưởng khá trong 6 tháng đầu năm
Xuất khẩu sang thị trường Á - Phi tăng trưởng khá trong 6 tháng đầu năm.

Theo bà Lê Hoàng Oanh - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á, châu Phi (Bộ Công Thương), nhờ tận dụng các ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA), kim ngạch xuất khẩu hàng Việt sang thị trường châu Á, châu Âu tăng trưởng mạnh.

6 tháng đầu năm 2022 xuất khẩu hàng hóa sang khu vực châu Á, châu Phi chiếm 67% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Đáng chú ý là xuất khẩu của ta sang các thị trường chính đều tăng trưởng mạnh (Hàn Quốc 17,1%, Nhật Bản 12,9%, Đài Loan 21%, Đông Nam Á 26,9%, châu Đại Dương 30%, Nam Á 33%).

Để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu trong 6 tháng cuối năm 2022, lãnh đạo Vụ Thị trường châu Á, châu Phi cho hay, ngành Công thương tiếp tục tập trung vào công tác truyền thông, hướng dẫn doanh nghiệp tận dụng các FTA, nhất là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (Hiệp định RCEP) mới có hiệu lực từ đầu năm 2022.

Đồng thời, ngành Công thương bám sát diễn biến nhu cầu, giá cả của các thị trường xuất khẩu trọng điểm để khuyến cáo địa phương, doanh nghiệp điều chỉnh phù hợp về kế hoạch sản xuất, xuất khẩu; tiếp tục phối hợp với các địa phương thúc đẩy việc chuyển nhanh, chuyển mạnh từ xuất khẩu tiểu ngạch sang xuất khẩu chính ngạch, giảm thiểu nguy cơ ùn tắc nông sản nhất là nông sản vào vụ thu hoạch; thường xuyên theo dõi, đề xuất cải tiến các mô hình thông quan phòng dịch tại các cửa khẩu biên giới để đảm bảo hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu biên giới đường bộ thông suốt, không gián đoạn.

Ngành Công thương cũng tập trung tìm kiếm, đa dạng hóa các nguồn nguyên liệu mới từ Nam Á, Tây Á, Đông Bắc Á cho doanh nghiệp sản xuất trong nước để giảm thiểu rủi rõ đứt gãy chuỗi cung ứng, đảm bảo sản xuất, xuất khẩu liên tục, không gián đoạn.

Trong 6 tháng cuối năm 2022, ngành Công thương tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng tối đa các FTA đã ký kết và có hiệu lực như RCEP, FTA Việt Nam - Hàn Quốc, Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản, Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN... để gia tăng xuất khẩu; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc vào một thị trường.

PV