Xuất khẩu hồ tiêu khởi sắc nhưng vẫn lo về giá

13:33 27/12/2021

VPA nhận định, hồ tiêu Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu về xuất khẩu hồ tiêu toàn cầu với việc cung cấp 60% nhu cầu tiêu dùng hồ tiêu của thế giới, bỏ xa các nước xuất khẩu hồ tiêu khác như Brazil, Indonesia.

Dự báo giá tiêu vẫn sẽ ở mức cao trong năm 2022
Dự báo giá tiêu vẫn sẽ ở mức cao trong năm 2022. (Ảnh: VnEconomy) 

Chất lượng hồ tiêu ngày càng được nâng cao, cơ cấu chủng loại xuất khẩu chuyển dần sang các loại tiêu có hàm lượng chế biến cao thay vì xuất khẩu thô như trước đây. Trong năm 2021, Việt Nam đã xuất khẩu hồ tiêu đến hơn 110 quốc gia với sự tham gia của hơn 200 doanh nghiệp xuất khẩu. Tính đến hết 11 tháng năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020, Mỹ tiếp tục là thị trường nhập khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam, đạt 55.602 tấn, tăng 9,6%; tiếp sau là thị trường Trung Quốc, đạt 37.746 tấn, giảm  27,3%. Ngoại trừ thị trường Trung Quốc ghi nhận sự sụt giảm, các thị trường quan trọng khác của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Đông đều ghi nhận mức tăng trưởng khá tích cực, bất chấp những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.

Hiện tiêu đen nguyên hạt vẫn là chủng loại được xuất khẩu nhiều nhất, nhưng tỷ trọng trong tổng xuất khẩu đã giảm xuống còn 65 - 70% (trước đây đạt khoảng 80%). Thay vào đó, tỷ trọng tiêu đen xay, tiêu trắng và tiêu ngâm giấm, mộc, đầu đinh, xanh, hồng… tăng lên đáng kể.

Theo VPA, giai đoạn 2018-2020 ghi nhận sự gia tăng sản lượng hồ tiêu tại Việt Nam cao nhất từ trước tới nay, tổng sản lượng cả 3 năm đạt 760.000 tấn, tăng 54,5% so với 3 năm 2015-2017. Diện tích hồ tiêu cũng tăng từ 126.000 ha năm 2017 lên 149.000 ha năm 2019 và giảm xuống còn 131.838 ha năm 2020. Sự gia tăng sản lượng quá lớn này đã khiến giá hồ tiêu xuất khẩu và giá hồ tiêu nội địa liên tục suy giảm từ năm 2017 đến năm 2020, từ mức 200.000 đồng/kg đã xuống dưới ngưỡng 50.000 đồng/kg. Đây là giai đoạn giá tiêu giảm sâu, có thời điểm 35.000 đồng/kg vào năm 2020.

Năm 2021 đánh dấu sự phục hồi mạnh mẽ trở lại của ngành hồ tiêu Việt Nam sau 4 năm vật lộn với khó khăn do nguồn cung dư thừa, giá liên tục lao dốc. Ngay từ đầu năm nay, giá mặt hàng này đã tăng 40 - 44%, từ 51.000 – 53.000 đồng/kg từ giữa tháng 2 lên mức 76.000 – 79.500 đồng/kg vào ngày 19/3 dù đang trong vụ thu hoạch hồ tiêu. Sau đó đỉnh điểm là đợt tăng giá lên đến 90.000 đồng/kg vào cuối tháng 10, mức cao nhất kể từ cuối năm 2017. Mức giá ở thời điểm hiện tại cao hơn 53 – 54% so với đầu năm nay và cao hơn nhiều những năm gần đây, chấm dứt chuỗi giảm giá trong 4 năm liên tiếp và báo hiệu một chu kỳ tăng giá mới của ngành hồ tiêu.

Nguyên nhân chính khiến giá hồ tiêu tăng mạnh trong năm qua là diện tích, sản lượng hồ tiêu Việt Nam liên tục sụt giảm do giá tiêu xuống quá thấp trong những năm trước, người dân không quan tâm chăm sóc khiến nhiều diện tích tiêu bị nhiễm bệnh, chết hàng loạt, năng suất thấp, số khác chuyển sang các loại cây trồng khác. Sản lượng hồ tiêu năm 2021 ước đạt 180.000 tấn, giảm 25% so với năm 2020 và dự kiến tiếp tục giảm nhẹ trong năm 2022.

Số liệu về xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam trong 10 năm qua cho thấy, ngành hàng này vẫn còn nhiều bấp bênh và bất cứ sự gia tăng nào về nguồn cung trong tương lai cũng có thể dẫn đến nguy cơ sụt giảm về giá. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, để duy trì được mức giá cao trong những năm tiếp theo, việc kiểm soát sự gia tăng về nguồn cung là một trong những yếu tố then chốt.

Thực tế ghi nhận tại một số địa phương cho thấy, sản xuất hồ tiêu theo tiêu chuẩn hữu cơ không lo về giá cả và đầu ra khi luôn được các đối tác nước ngoài thu mua với giá cao hơn so với tiêu sản xuất thông thường. Bởi vậy, cần thúc đẩy tăng diện tích canh tác hồ tiêu hữu cơ, nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với xây dựng thương hiệu cũng là điều mà ngành hồ tiêu cần chú trọng trong thời gian tới.  

Thục Anh