Xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 8,13 triệu tấn cao nhất từ trước tới nay

14:28 12/01/2024

Trong năm 2023, xuất khẩu gạo cả nước đạt 8,13 triệu tấn với trị giá 4,7 tỷ USD - mức kỷ lục của ngành hàng lúa gạo Việt Nam.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Đây là con số thống kê mới nhất từ Tổng cục Hải quan. So với 2022, xuất khẩu gạo tăng 14,4% về lượng và 35,3% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Việt Nam là nước sản xuất gạo lớn thứ 5 thế giới và là nhà xuất khẩu lớn thứ 3 thế giới (tính theo sản lượng). Dù ảnh hưởng bởi El Nino, sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng đột biến.

Theo các doanh nghiệp, xuất gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh kể từ khi Chính phủ Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati vào tháng 7/2023. Tới nay, lệnh cấm này chưa gỡ bỏ nên kỳ vọng xuất khẩu gạo trong năm 2024 sẽ có nhiều dấu hiệu tích cực.

Hiện, Ấn Độ chiếm khoảng 40% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn cầu. Trong đó, Iran, Arabia Saudi và Trung Quốc là các khách hàng lớn nhất. Một số nước châu Phi phụ thuộc đáng kể vào gạo từ quốc gia Nam Á.

Năm nay cũng là năm mà nhiều nước gia tăng nhập gạo Việt, bằng 2-28 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Philippines là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam với hơn 3,1 triệu tấn; Indonesia nhập khoảng 1,15 triệu tấn; Trung Quốc trên 908.000 tấn trong khi Ghana khoảng 576.000 tấn...

Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở Đồng Tháp đánh giá, 2023 là một nhu cầu nhập khẩu từ các quốc gia tăng cao. Đặc biệt nhiều nước trước đây chỉ nhập hàng Việt nhỏ giọt, nay cũng tìm tới mua với sản lượng lớn.

Dự báo về năm 2024, các doanh nghiệp cho rằng xuất khẩu gạo vẫn có nhiều lạc quan. Các nước nhập khẩu gạo đang tìm kiếm nguồn cung ổn định. Ấn Độ có thể tiếp tục duy trì hạn chế xuất khẩu gạo sau cuộc bầu cử và ảnh hưởng của hiện tượng El Nino có thể kéo dài tới giữa năm nay.

P.V (t/h)