Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong kinh doanh xăng, dầu

11:34 25/07/2022

Bán xăng, dầu ngoài hệ thống; kinh doanh xăng, dầu khi giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng, dầu đã hết hiệu lực; vi phạm tác động vào cấu trúc kỹ thuật của phương tiện đo để làm sai lệch kết quả đo... là những vi phạm phổ biến.

Gian lận càng diễn biến phức tạp

Ngày 21/6/2022, Đội Quản lý thị trường số 4 - Cục QLTT tỉnh Tây Ninh đã phối hợp cùng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh Tây Ninh tiến hành kiểm tra đối với Chi nhánh Công ty TNHH Thương mại Triều Võ Petro - Cửa hàng bán lẻ xăng dầu Vân Đô 1 (địa chỉ đường tỉnh 785, khu phố 1, thị trấn Tân Châu, huyện Tân Châu) thuộc Công ty Cổ phần đầu tư Triều Võ Petro. Ngày 04/7/2022, Đoàn kiểm tra nhận được Thông báo kết quả giám định số 00052/N2.22.TĐ ngày 29/6/2022 từ Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 với kết quả mẫu xăng Ron 95-III có chất lượng không phù hợp theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia.

Cục Quản lý thị trường Kiên Giang khuyến cáo người dân trên địa bàn khi phát hiện các cửa hàng bán lẻ xăng dầu có dấu hiệu vi phạm về niêm yết giá, các quy định trong kinh doanh xăng dầu, … cần kịp thời phản ảnh, thông tin đến đường dây nóng của Cục, các Đội Quản lý thị trường để kịp thời kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm

Cục Quản lý thị trường Kiên Giang khuyến cáo người dân trên địa bàn khi phát hiện các cửa hàng bán lẻ xăng dầu có dấu hiệu vi phạm về niêm yết giá, các quy định trong kinh doanh xăng dầu, … cần kịp thời phản ảnh, thông tin đến đường dây nóng của Cục, các Đội Quản lý thị trường để kịp thời kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm.

Ngày 23/06/2022, Đội QLTT số 5, Cục QLTT tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Phòng An ninh kinh tế - Công an tỉnh, Đội QLTT số 2 tiến hành kiểm tra Điểm cấp phát xăng dầu nội bộ thuộc Công ty TNHH một thành viên Tiến Đạt. Tại thời điểm kiểm tra, Đại diện Công ty TNHH một thành viên Tiến Đạt không xuất trình được giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh, giấy nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu và chưa xuất trình được hợp đồng, hoá đơn chứng từ của hàng hoá đang kinh doanh, giấy huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy của nhân viên trực tiếp kinh doanh tại địa điểm trên, đang sử dụng phương tiện đo nhóm II (cột đo xăng RON95-III) không dán tem kiểm định theo quy định.

Ngày 21/7/2022, Cục Quản lý thị trường Kiên Giang kiểm tra, phát hiện 02 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn vi phạm về niêm yết giá bán lẻ xăng dầu. Vào khoảng 16h cùng ngày, Đoàn kiểm tra Đội Quản lý thị trường số 7 phối hợp cùng Đội Quản lý thị trường số 1 đã phát hiện 02 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn huyện Giồng Riềng vẫn còn niêm yết giá xăng Ron 95-III với mức giá 30.260 đồng/lít (giá trước khi điều chỉnh giảm). Đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với 02 doanh nghiệp về hành vi: “Niêm yết giá bán lẻ xăng dầu không đúng với giá do thương nhân phân phối xăng dầu quy định”. Hiện vụ việc đang được tiếp tục củng cố 02 hồ sơ và xử lý theo quy định.

Trước đó, Đội Quản lý thị trường số 2 đã phát hiện, xử lý 01 vụ vi phạm niêm yết giá bán lẻ xăng dầu không đúng với giá do thương nhân đầu mối quy định đối với 01 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn huyện Hòn Đất.

Giá xăng, dầu tăng cao khiến các hành vi gian lận trong kinh doanh xăng, dầu ngày càng diễn biến phức tạp. Để kịp thời ngăn ngừa, phát hiện các hành vi sai phạm trong kinh doanh mặt hàng xăng, dầu, góp phần bảo đảm nguồn cung xăng, dầu phục vụ người dân và cho phát triển kinh tế, 6 tháng đầu năm, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) xác định xăng, dầu là mặt hàng trọng tâm, trọng điểm để kiểm tra, giám sát.

Thông tin về công tác thanh, kiểm tra hoạt động kinh doanh xăng, dầu thị trường trong nước trong 6 tháng đầu năm, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT, Bộ Công Thương Trần Hữu Linh cho biết, ngay từ đầu năm 2022, dưới sự chỉ đạo của Bộ Công Thương, lực lượng QLTT xác định xăng, dầu là mặt hàng trọng tâm, trọng điểm để kiểm tra, xử lý và đã kiểm tra, kiểm soát gần 17.000 cây xăng trên cả nước về chất lượng, số lượng, giá bán xăng, dầu kinh doanh của các thương nhân kinh doanh xăng, dầu; nhất là vào những thời điểm chuẩn bị điều hành giá xăng, dầu.

“Việc kiểm tra góp phần đáng kể vào công tác bình ổn thị trường, chống gian lận trong kinh doanh xăng, dầu, ngăn chặn các hành vi đầu cơ, găm hàng chờ tăng giá, các hành vi kinh doanh xăng, dầu kém chất lượng và buôn lậu xăng, dầu”, Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh nhấn mạnh.

Ông Trần Hữu Linh cũng cho biết, trong quá trình kiểm tra, kiểm soát, lực lượng QLTT các tỉnh, thành phố đã phát hiện những hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh xăng, dầu phổ biến như: Vi phạm tác động vào cấu trúc kỹ thuật của phương tiện đo để làm sai lệch kết quả đo; không niêm phong kẹp chì nắp bồn xe chứa xăng, dầu; bán xăng, dầu ngoài hệ thống; kinh doanh xăng, dầu khi giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng, dầu đã hết hiệu lực. Bán xăng, dầu có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; bán xăng, dầu nhập lậu; không rõ nguồn gốc xuất xứ; sử dụng phương tiện đo không có chứng chỉ kiểm định. Thậm chí, có tình trạng một vài nhân viên bán hàng lợi dụng giờ cao điểm cũng như khâu quản lý lỏng lẻo để bơm chồng số, không niêm yết giá, tự ý điều chỉnh giá, treo biển không bán hàng, cố ý che bảng thông tin cột bơm... nhằm thu lợi bất chính, gây bất bình cho người tiêu dùng.

Theo nhận định của Tổng cục trưởng Quản lý thị trường Trần Hữu Linh, hiện nay việc mua bán các chất dung môi, phụ gia, chế phẩm dùng để pha chế xăng dầu trên thị trường khá dễ dàng, nếu các đối tượng cố ý gian lận về xăng dầu sẽ rất dễ thực hiện. Khó khăn ở chỗ, các văn bản của cơ quan quản lý nhà nước tương đối đầy đủ trong vấn đề chống hàng giả, tuy nhiên, lại thiếu những văn bản cụ thể xác định thế nào là xăng dầu giả, kém chất lượng...

Cơ quan quản lý thị trường cũng chưa được cấp thiết bị, máy móc để kiểm tra nhanh chất lượng xăng dầu, thiếu kho bồn chuyên dụng chứa xăng dầu vi phạm. Do vậy, khi kiểm tra, tạm giữ cơ bản, phải đi thuê kho, thậm chí lại giao cho doanh nghiệp tự bảo quản, dẫn đến khó kiểm soát, gây thất thoát và khó khăn trong quá trình xử lý tang vật.

Quy định xử phạt sai phạm trong kinh doanh xăng dầu

Ngày 26/8/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 99/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11/10/2020.

Thời gian qua, các vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu diễn ra hết sức khó lường và có dấu hiệu ngày càng gia tăng (Ảnh minh họa)

Thời gian qua, các vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu diễn ra hết sức khó lường và có dấu hiệu ngày càng gia tăng (Ảnh minh họa).

Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí.

Nghị định số 99/2020/NĐ-CP quy định các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí bao gồm: hành vi vi phạm trong lĩnh vực dầu khí, thăm dò, khai thác dầu khí; hành vi vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh xăng dầu; hành vi vi phạm quy định về kinh doanh xăng dầu; hành vi vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh khí; hành vi vi phạm quy định về kinh doanh khí. Đối với các hành vi vi phạm hành chính khác trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí về bảo vệ môi trường; tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hoá; phòng cháy và chữa cháy tại các công trình dầu khí, cơ sở kinh doanh xăng dầu và khí; đăng ký giá, kê khai giá bán xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG); công khai thông tin về giá bán xăng dầu và khí, Quỹ bình ổn giá xăng dầu thì áp dụng quy định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan.

Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí tại Nghị định số 99/2020/NĐ-CP thì tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu hình thức xử phạt chính là phạt tiền. Theo đó, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí là 1.000.000.000 đồng đối với cá nhân và 2.000.000.000 đồng đối với tổ chức; mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu và khí là 100.000.000 đồng đối với cá nhân và 200.000.000 đồng đối với tổ chức.

Mức phạt tiền quy định tại Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với tổ chức, trường hợp hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện thì phạt tiền bằng một nửa mức phạt tiền quy định đối với tổ chức. Ngoài ra, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung; có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định.

Theo quy định tại Nghị định số 99/2020/NĐ-CP, đối với các hành vi vi phạm quy định về điều kiện cửa hàng bán lẻ xăng dầu như cửa hàng bán lẻ xăng dầu hoạt động kinh doanh nhưng không bảo đảm duy trì điều kiện phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu thiết kế cửa hàng bán lẻ xăng dầu; sử dụng người quản lý hoặc nhân viên trực tiếp kinh doanh tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu không được đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường theo quy định… thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Ngoài ra, phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm đối với các hành vi vi phạm về điều kiện kinh doanh xăng dầu gồm: Kinh doanh xăng dầu mà không có Giấy phép kinh doanh xăng dầu theo quy định; kinh doanh xăng dầu khi Giấy phép kinh doanh xăng dầu được cấp đã hết hiệu lực; sử dụng Giấy phép kinh doanh xăng dầu của thương nhân khác để kinh doanh xăng dầu; kinh doanh xăng dầu không đúng nội dung ghi trong Giấy phép kinh doanh xăng dầu được cấp. Đặc biệt, phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt này trong trường hợp đối tượng vi phạm kinh doanh theo hình thức kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu, kinh doanh phân phối xăng dầu hoặc tổng đại lý kinh doanh xăng dầu thực hiện hành vi vi phạm hành chính.

Các hành vi vi phạm về giá bán lẻ xăng dầu và quy trình điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu như niêm yết giá bán lẻ xăng dầu không đúng với giá do thương nhân đầu mối hoặc thương nhân phân phối xăng dầu quy định; tự ý điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu không đúng thời điểm thương nhân đầu mối hoặc thương nhân phân phối xăng dầu quy định; không thông báo hoặc không gửi quyết định về giá bán lẻ xăng dầu cho các đơn vị trong hệ thống phân phối xăng dầu trước thời điểm giá có hiệu lực thi hành khi điều chỉnh tăng, giảm giá bán lẻ xăng dầu; không thực hiện đúng quy định về trình tự điều chỉnh giá hoặc không thực hiện đúng quy định về thời gian tối thiểu giữa hai lần điều chỉnh giá liên tiếp khi điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng. Ngoài ra, tùy vi phạm cụ thể còn có thể bị tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu từ 01 tháng đến 03 tháng trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Đối với lĩnh vực kinh doanh khí, Nghị định số 99/2020/NĐ-CP đã bổ sung quy định xử phạt đối với một số hành vi vi phạm về kinh doanh khí của thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu khí, thương nhân sản xuất, chế biến khí như không tổ chức huấn luyện hoặc thuê tổ chức huấn luyện kỹ thuật an toàn cho người lao động tại cơ sở kinh doanh khí theo quy định; sử dụng người quản lý, nhân viên làm việc tại cơ sở kinh doanh khí không được huấn luyện về kỹ thuật an toàn, phòng cháy, chữa cháy theo quy định; kinh doanh LPG chai nhưng không lập sổ theo dõi hoặc cơ sở dữ liệu điện tử ứng dụng công nghệ thông tin theo dõi LPG chai bán cho thương nhân kinh doanh LPG khác hoặc khách hàng sử dụng. Theo đó, các hành vi vi phạm này bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng.

Đáng chú ý, Nghị định số 99/2020/NĐ-CP quy định thương nhân phân phối khí, thương nhân là tổng đại lý, đại lý có Giấy chứng nhận đủ điều kiện còn hiệu lực được cấp trước thời điểm Nghị định số 87/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 6 năm 2018 của Chính phủ về kinh doanh khí có hiệu lực thực hiện các hành vi vi phạm trong quá trình hoạt động bị xử phạt như đối với hành vi vi phạm của thương nhân kinh doanh mua bán khí.

Trần Linh