Vươn ra thị trường nước ngoài giữa đại dịch

22:39 13/04/2021

Ngày 13/4, Công ty FPT Software (thành viên của Tập đoàn FPT) sẽ mở văn phòng thứ ba của tại Manila, biến thủ đô của Philippines thành trung tâm sản xuất lớn thứ hai tại nước ngoài của doanh nghiệp Việt.

Trước đó, vào cuối tháng 1-2021, doanh nghiệp này cũng đã thành lập trung tâm sản xuất đầu tiên tại châu Mỹ nhằm phục vụ khách hàng Mỹ - thị trường khó tính hàng đầu thế giới. Chi nhánh FPT Costa Rica đặt trụ sở tại San José, thủ phủ của Costa Rica, một trong những thành phố công nghệ tiên tiến nhất ở Trung Mỹ. 

Việc liên tiếp mở các văn phòng mới trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến rất phức tạp trên thế giới đã khiến nhiều người trong giới không khỏi lo ngại cho bước đi của doanh nghiệp Việt. 

Lý giải quyết định của mình, một lãnh đạo của FPT Software cho biết: "Ấn Độ đã chớp lấy cơ hội từ sự kiện Y2K để thay đổi vị thế quốc gia, tạo nên một cường quốc về CNTT. Ấn Độ làm được thì Việt Nam cũng làm được. Chuyển đổi số chính là cơ hội thay đổi vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghệ số".

Bên cạnh đó, việc lựa chọn Manila, Philippines - nơi dịch bệnh COVID-19 đang hoành hành mạnh - cũng được xem là một quyết định rất táo bạo của FPT Software. Năm 2020, trong bối cảnh Philippines bị tác động khá mạnh từ dịch COVID-19, FPT Software vẫn đạt mức tăng trưởng trên 30% về nhân sự và 65% về doanh thu tại thị trường này. Việc thành lập trung tâm sản xuất tại Manila được kỳ vọng là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng dịch vụ, giải pháp công nghệ của FPT Software cho khách hàng tại các thị trường nói tiếng Anh.

Tương tự, lý do thành lập trung tâm sản xuất Costa Rica là nhằm tận dụng lợi thế về địa lý và nguồn nhân lực, giúp FPT Software  đảm bảo duy trì vận hành liên tục 24/7, cũng như hỗ trợ khách hàng ngay tức khắc khi cần. 

"Dù Mỹ là đất nước có số ca nhiễm COVID-19 lớn nhất thế giới trong năm 2020 nhưng hoạt động kinh doanh của FPT Software tại thị trường này vẫn đảm bảo tăng trưởng ổn định, khoảng 12% so với cùng kỳ. Năm 2020, thị trường này cũng đã mang về cho FPT Software hợp đồng với hãng kinh doanh ô tô trong 3 năm trị giá gần 150 triệu USD", đại diện doanh nghiệp này cho biết.

FPT không phải là công ty Việt Nam duy nhất "vươn vòi" sang nước khác giữa đại dịch.

Thống kê của One IBC - tập đoàn chuyên cung cấp dịch vụ thành lập doanh nghiệp nước ngoài - cho thấy trong năm 2020 đã có hơn 300 doanh nghiệp Việt đầu tư mở thêm công ty ở ngoài lãnh thổ như Singapore, Hồng Kông, Anh Quốc,... 

Một doanh nghiệp Việt khác cũng đang nung nấu ý đồ mở rộng ra nước ngoài là Thế Giới Di Động. Theo báo cáo tính tới cuối tháng 2/2021, chuỗi điện máy Bluetronics của Thế Giới Di Động tại Campuchia đạt 50 cửa hàng, bao phủ 13/25 tỉnh thành. Số lượng này giúp Bluetronics trở thành nhà bán lẻ thiết bị di động và điện tử tiêu dùng có số lượng cửa hàng và doanh số lớn nhất tại Campuchia. Đây được xem là "mô hình" để doanh nghiệp này mở rộng sang các nước khác như Indonesia, Myanmar, Philippines, thậm chí Thái Lan.

"Nhìn chung, các doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh tại nước ngoài đạt kết quả rất tốt nhờ thích ứng nhanh với các biến động của thị trường trước dịch COVID-19. Những năm gần đây, sự phát triển của công nghệ và những nỗ lực hợp tác thương mại giữa các quốc gia đã góp phần không nhỏ giúp các doanh nghiệp Việt tự tin và vững vàng hơn khi kinh doanh ở nước khác", phó tổng giám đốc One IBC, ông Vũ Đại Dương, cho biết.

Ngành nghề kinh doanh của những doanh nghiệp này cũng rất đa dạng, từ may dệt, thực phẩm đến tài chính và CNTT. Có thể nói, trong khi thế giới đang chựng lại vì đại dịch, thì Việt Nam lại tận dụng thời cơ để đón đầu xu thế toàn cầu hóa, mở rộng thị trường ra toàn cầu.

Đáng lưu ý, thời gian vừa qua, số lượng dự án đầu tư ra nước ngoài có quy mô vừa và nhỏ của khu vực tư nhân tăng lên trong khi số dự án đầu tư quy mô lớn của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong lĩnh vực thăm dò, khai thác đầu khí, viễn thông, thủy điện… giảm mạnh.

Năm 2020, trong số 20,6 tỉ USD vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài, các doanh nghiệp nhà nước có số vốn đăng ký khoảng 13,8 tỉ USD, trong đó đã giải ngân khoảng 6,7 tỉ USD.

Các "ông lớn" nhà nước PVN đầu tư 27 dự án, vốn đăng ký 7,1 tỉ USD; Viettel đầu tư 10 dự án viễn thông có vốn đăng ký khoảng 3 tỉ USD; VRG đầu tư 23 dự án, vốn đăng ký khoảng 1,3 tỉ USD; Vinachem đầu tư 1 dự án muối mỏ kali tại Lào, vốn 522 triệu USD. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tư nhân như Công ty Điện Việt - Lào đầu tư 2 nhà máy điện tại Lào, 1 khách sạn bốn sao, vốn đầu tư hơn 800 triệu USD. Các ngân hàng BIDV, MBBank, SHB, VietinBank, Vietcombank, Agribank đầu tư khoảng 830 triệu USD. Công ty CP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đầu tư 7 dự án với vốn đăng ký 1,1 tỉ USD. Tương tự, Công ty CP Golf Long Thành đầu tư 2 dự án tại Lào có vốn đăng ký khoảng 1,1 tỉ USD. Công ty Mía đường Nghệ An đầu tư dự án chăn nuôi bò, chế biến sữa tại Nga khoảng 500 triệu USD. 

Trên thực tế, trong hoạt động đầu tư ra nước ngoài, bên cạnh những "trái ngọt" như Viettel đầu tư vào mảng viễn thông tại nhiều nước hay các dự án do tư nhân bỏ vốn đầu tư thì những năm qua không ít "ông lớn" nhà nước phải nhận "trái đắng" như PVN thua lỗ khi thăm dò khai thác dầu khí tỉ đô tại Venezuela, Vinachem phải "tháo chạy" khỏi dự án khai thác muối kali tại Lào.

An Vy (t/h)