VNDirect Research dự báo tích cực về hoạt động kinh doanh 2024 của PV Trans

10:24 23/03/2024

Ngoài động lực từ giá cước vận tải tàu hàng neo cao, hai mảng kinh doanh cốt lõi của PV Trans là vận tải dầu khí và vận tải hóa chất, triển vọng thị trường vẫn duy trì vững chắc trong một vài năm tới.

Theo nhận định mới nhất của VNDirect Research, với dự báo giá cước thuê tàu hàng rơi neo cao và đóng góp của các tàu mới, doanh thu vận chuyển hàng khô của Tổng công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PV Trans, mã cổ phiếu PVT - sàn HoSE) trong năm nay có thể tăng tới 69,6% so với năm 2023, chiếm 8,9% tổng doanh thu vận tải của PV Trans.

Bên cạnh đó, hai mảng kinh doanh cốt lõi của PV Trans là vận tải dầu khí và vận tải hóa chất, triển vọng thị trường vẫn duy trì vững chắc trong một vài năm tới.

VNDirect Research dự báo tích cực về hoạt động kinh doanh 2024 của PV Trans
VNDirect Research dự báo tích cực về hoạt động kinh doanh 2024 của PV Trans.

Cụ thể, đối với thị trường vận tải dầu thô và nhiên liệu, Clarkson Research cho rằng triển vọng giá cước đang được hỗ trợ nhờ sự gián đoạn ở khu vực Biển Đỏ, gây ảnh hưởng chủ yếu đến việc vận chuyển xăng dầu thành phẩm. Đồng thời, hoạt động vận chuyển dầu thô khu vực Đại Tây Dương và giữa Nga - châu Á vẫn đang mạnh mẽ.

Trong khi đó, mức tăng trưởng đội tàu chở dầu thô trên toàn cầu trong ngắn hạn được nhận định vẫn “rất hạn chế” do mức đầu tư đóng mới tàu trong những năm vừa qua ở mức thấp. Hiện 85% đội tàu của PV Trans đang phục vụ thị trường quốc tế.

“Về cơ bản, cán cân cung - cầu hiện nay sẽ hỗ trợ giá cước thuê tàu chở dầu neo mức cao, mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp có mức độ hoạt động cao trên thị trường quốc tế như PV Trans”, VNDirect Research nhận định.

Tương tự, giá cước vận tải hóa chất đang được hỗ trợ tích cực nhờ nhu cầu hóa chất tại châu Á, đặc biệt là tại Trung Quốc, tăng trưởng mạnh trong khi nguồn cung tàu tăng trưởng hạn chế.

Từ phân tích những yếu tố trên, VNDirect Research hiện dự báo lợi nhuận ròng năm nay của PV Trans sẽ tăng khoảng 18% so với năm 2023. 

Nói về hiện trạng giá cước vận tải tàu biển, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dẫn thông tin từ các doanh nghiệp thành viên cho biết, từ đầu năm 2024 hàng loạt hãng vận tải lớn như: Yang Ming Line, One, Evergreen Line, HMM, Maersk… đã gửi thông báo tăng phụ phí do phải thay đổi hải trình các tuyến châu Á - châu Âu, tránh đi qua kênh đào Suez và khu vực Biển Đỏ.

Cụ thể, cước tàu sang Mỹ, Canada đến Bờ Tây từ mức 1.850 USD/container tháng 12/2023 lên 2.873-2.950 USD/container cho tháng 1/2024; các chuyến tàu đến Bờ Đông tháng 12/2023 giá ở mức 2.600 USD/container tăng lên 4.100-4.500 USD/container cho tháng 1/2024; cước tàu sang châu Âu (EU) còn tăng mạnh hơn như tuyến đến cảng Hamburg (Đức) có giá 1.200-1.300 USD/container trong tháng 12/2023 tăng lên 4.350 USD-4.450 USD/container trong tháng 1.

Nguyên nhân được các doanh nghiệp cho là 80% lượng hàng hóa đi Bờ Đông nước Mỹ, Canada và EU đều qua kênh đào Suez. Do căng thẳng Israel-Hamas các hãng tàu phải vòng qua mũi Hảo Vọng (Nam Phi), hành trình mất thêm 7-10 ngày. Điều này dẫn đến vòng quay của con tàu lâu hơn, phát sinh chi phí vận tải nhiều hơn, vòng quay 1 con tàu mất khoảng 2 tuần. Một số tuyến vận tải phải cắt bỏ một số chuyến hằng tuần dẫn đến thiếu chỗ hoặc đưa thêm tàu vào khai thác làm tăng thêm chi phí.

P.V (t/h)