Vinatex đặt kế hoạch lợi nhuận 2023 còn một nửa so với năm 2022

23:54 11/05/2023

Năm 2023, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex, UPCoM: VGT) lên kế hoạch lợi nhuận 610 tỷ đồng, giảm gần 50% so với năm trước do thị trường khó khăn.

Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên mới công bố, năm 2023, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex, VGT/UPCoM) lên kế hoạch lợi nhuận 610 tỷ đồng, giảm gần 50% so với năm trước.

Năm 2023, VGT đánh giá ngành dệt may thế giới sẽ tiếp tục đối mặt những thách thức phát sinh từ cuối năm 2022 như xung đột Nga-Ukraine gây sức ép lên giá năng lượng và lương thực, ảnh hưởng đến các thị trường xuất khẩu của Dệt may Việt Nam; lãi suất nhiều khả năng duy trì ở nền cao cho tới hết năm; tổng cầu dệt may thế giới dự báo giảm 8% so với năm trước.

Vinatex đặt kế hoạch lợi nhuận 2023 còn một nửa so với năm 2022
Vinatex đặt kế hoạch lợi nhuận 2023 còn một nửa so với năm 2022.

Trên cơ sở đó, Công ty đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 17.500 tỷ đồng và lợi nhuận 610 tỷ đồng, giảm lần lượt gần 11% và 50% so với năm trước.

Kế hoạch trên được đặt theo kịch bản ngành sợi có hiệu quả trở lại ngay từ quý III và quý IV, với tỷ suất lợi nhuận/doanh thu đạt lần lượt 1% và 2%. Đồng thời, ngành may có kết quả quý 3 hiệu quả tương đương quý II, quý IV có hiệu quả tăng 10% so với quý 3.

Quý I/2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của ngành dệt may Việt Nam giảm 19%, giảm mạnh hơn mức giảm kim ngạch xuất khẩu chung cả nước. Các doanh nghiệp sợi không có cầu, giá bán sợi chưa thể cải thiện trong ngắn hạn. Đồng thời, doanh nghiệp may thiếu đơn hàng cũng như giá gia công giảm mạnh 20-50%. Chi phí (xăng dầu, lương, điện, lãi suất) trong nước có xu hướng tăng. Theo đó, doanh thu hợp nhất của VGT đạt gần 4.456 tỷ đồng, giảm 13.5% so với cùng kỳ; lợi nhuận giảm gần 69% còn 118 tỷ đồng.

Đại diện Vinatex cho hay, do nhu cầu tiêu thụ dệt may tại các thị trường lớn như  Mỹ, EU suy giảm do lạm phát cao và lãi suất tăng.

“Xuất khẩu dệt may Việt Nam cả năm mặc dù dự kiến đạt mức tăng 11% so năm 2021 nhưng tốc độ tăng trưởng của quý IV/2022 đã chậm lại và tình hình khó khăn dự kiến còn tiếp diễn trong năm 2023”, ông Vương Đức Anh - Chánh Văn phòng Hội đồng quản trị dẫn thống kê của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thông tin.

Riêng Tập đoàn Dệt May Việt Nam, tại thời điểm 9 tháng năm 2022 đã đạt lợi nhuận 1.186 tỷ đồng, vượt hơn 24% so với kế hoạch được giao. Dù vậy, từ tháng 8, thị trường có dấu hiệu xấu đi và từ tháng 9, thị trường dệt may đổi chiều đi xuống.

Đặc biệt, trong những tháng đầu quý IV/2022, các doanh nghiệp rơi vào tình thế khó khăn khi thị trường sợi gần như không có thanh khoản, thị trường may cầu giảm mạnh, thông tin báo lỗ từ các đơn vị liên tục được đưa về, đặc biệt là các đơn vị sợi. Điều này phần nào khiến kết quả hoạt động của một số đơn vị trong Tập đoàn chững lại.

P.V (t/h)