Ông Cao Hữu Hiếu - Tổng giám đốc Vinatex: "Chúng ta đang phải đối mặt với quí II vô cùng khó khăn"

10:50 10/04/2023

Quý I/2023, xuất khẩu hàng dệt may đạt 7,2 tỷ USD, giảm 17,4% so với cùng kỳ, xơ sợi còn giảm mạnh hơn, tới 33,9%, tụt xuống mốc dưới 1 tỷ USD, trong khi cùng kỳ năm ngoái đạt xấp xỉ 1,5 tỷ USD.

Ảnh minh họa
Ông Cao Hữu Hiếu - Tổng giám đốc Vinatexa.

Với các dữ liệu về thị trường không mấy tích cực (sức mua trầm lắng, giá giảm, tồn kho của các nhãn hàng tăng cao), trong khi các dự báo đều chưa đưa ra được thị trường sẽ còn trầm lắng trong bao lâu, Tổng giám đốc Vinatex, ông Cao Hữu Hiếu khẳng định: "Chúng ta đang phải đối mặt với quí II vô cùng khó khăn".

Hiện tại, đa phần doanh nghiệp đang rơi vào tình trạng "đói" đơn hàng, phải nhặt nhạnh từng ít một nhằm duy trì sản xuất, bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đang phải đối diện với sức cạnh tranh ngày càng khốc liệt từ các đối thủ như Bangladesh, Ấn Ðộ, Trung Quốc,...

Giải pháp được các nhà sản xuất hàng dệt may thực hiện trong bối cảnh sức mua thị trường sụt giảm là tiếp tục làm tốt công tác thị trường, tìm kiếm các khách hàng mới.

Trong đó, bộ phận nghiên cứu thị trường, kế hoạch thuộc Vinatex  liên tục cập nhật, thông tin kịp thời về diễn biến thị trường để các doanh nghiệp trong Tập đoàn có cơ sở trong việc đàm phán với khách hàng và tổ chức kế hoạch sản xuất. Cùng đó, các doanh nghiệp cần có sự chia sẻ, tạo sự liên kết về đơn hàng, nguyên phụ liệu, thiết bị, giá và tăng cường sử dụng trong chuỗi để tối đa hóa tiêu thụ.

"Quản trị sản xuất hiệu quả để nâng cao năng suất, ổn định và nâng chất lượng sản phẩm, giảm tối đa chi phí không cần thiết trong sản xuất,  có giải pháp, sắp xếp điều hành sản xuất các đơn hàng nhỏ lẻ có hiệu quả”, ông Hiếu lưu ý các doanh nghiệp trong Tập đoàn.

Dự báo về tình hình kinh tế thế giới và trong nước quý II, trong báo cáo mới nhất, Bộ Công thương cho biết, kinh tế toàn cầu vẫn đang ở giai đoạn khó khăn, hồi phục chậm, tổng cầu giảm; lạm phát và lãi suất vẫn duy trì ở mức cao khiến nhu cầu tiêu dùng tiếp tục giảm tại các quốc gia trên thế giới trong đó có khu vực châu Âu - châu Mỹ.

Tại các thị trường xuất khẩu chính yếu của Việt Nam ngày càng quan tâm đến các vấn đề an toàn cho người tiêu dùng, dựng lên những tiêu chuẩn mới, hàng rào kỹ thuật mới, buộc các doanh nghiệp sản xuất phải cập nhật, thích ứng để thỏa mãn yêu cầu thị trường, duy trì đơn hàng xuất khẩu.

Với vai trò quản lý về xuất nhập khẩu, Bộ Công thương đang triển khai các chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp, ngành hàng mở rộng và đa dạng hoá thị trường xuất khẩu; hướng đến các thị trường còn tiềm năng như Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ La tinh, Đông Âu…Tạo thuận lợi hoá, tăng cường chuyển đổi số trong công tác cấp Giấy chứng nhận xuất xứ C/O ưu đãi, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do.

Theo Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Cao Hữu Hiếu, do lường trước những biến động và khó khăn kéo dài của thị trường nên đơn vị đã sớm đưa ra các giải pháp để ứng phó với tình hình, bảo đảm thực hiện mục tiêu sản xuất, kinh doanh.

Trong đó, đặc biệt tăng cường giải pháp đối với các doanh nghiệp sợi nhằm duy trì sản xuất, giữ ổn định nguồn lao động, bảo đảm dòng tiền và chuẩn bị nguồn lực đón đầu khi thị trường ấm lên.

Cụ thể, đẩy mạnh phát triển chuỗi sản xuất sản phẩm dệt kim của Tập đoàn để giúp các đơn vị sản xuất vải và may chủ động nguồn cung nguyên liệu, giảm tồn kho sợi, tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm cuối cùng của chuỗi; tăng cường các giải pháp tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải để bảo đảm vừa tiết giảm chi phí vừa theo đúng lộ trình đáp ứng các yêu cầu về môi trường của các nhà mua hàng.

Tập đoàn cũng xây dựng chiến lược phát triển giai đoạn 2022-2030 với mục tiêu hình thành "Một điểm đến cho sản phẩm dệt may thời trang xanh", đây cũng là xu hướng tất yếu của các doanh nghiệp nếu muốn gia nhập chuỗi sản xuất dệt may toàn cầu. Thực hiện thành công chiến lược này sẽ giúp các đơn vị trong Tập đoàn nâng cao năng lực cạnh tranh, được khách hàng ưu tiên lựa chọn.

Bên cạnh đó, cũng giúp các đơn vị sản xuất chủ động được nguồn nguyên vật liệu, kế hoạch sản xuất; kết nối chuỗi sẽ giúp tiêu thụ sản phẩm của nhau trong chuỗi, ổn định sản xuất, tránh tồn kho, nâng giá trị gia tăng của sản phẩm cuối cùng.

Ảnh minh họa
May áo xuất khẩu tại Công ty cổ phần Tổng công ty May Bắc Giang (Bắc Giang). /Nguồn ảnh NDO

Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, đặc biệt là tình trạng sụt giảm đơn hàng, chèn ép về giá, đòi hỏi các doanh nghiệp phải tái cơ cấu hoạt động, tiết kiệm tối đa chi phí, nâng cao sức cạnh tranh bằng cách tăng năng suất lao động, đầu tư máy móc, các trang thiết bị hiện đại nhằm đẩy mạnh hoạt động sản xuất cũng như đáp ứng nhanh các đơn hàng nhỏ, cần thời gian giao hàng nhanh,... Ðồng thời, đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề để thiết kế, tạo ra những sản phẩm chuyên biệt, đòi hỏi kỹ thuật khó, có giá trị gia tăng cao nhằm tạo ưu thế trên thị trường.

Bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp, Nhà nước cũng cần có các cơ chế, chính sách hỗ trợ về vốn, lãi suất vay; nghiên cứu cắt, giảm các loại thuế, phí; linh hoạt điều chỉnh về tổng số giờ lao động, giờ làm thêm để phù hợp tình hình mới, qua đó tạo bệ đỡ thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.

PV