Theo kế hoạch ban đầu, Nhựa Sài Gòn dự kiến tổ chức đại hội vào ngày 5/7. Tuy nhiên, chỉ vài ngày trước thời điểm diễn ra, công ty bất ngờ nhận được các đề cử bổ sung thành viên Hội đồng quản trị từ cổ đông, cụ thể vào các ngày 30/6, 1/7 và 2/7. Diễn biến này khiến doanh nghiệp không thể kịp thời công bố danh sách ứng viên trước ít nhất 10 ngày theo yêu cầu, buộc phải tạm hoãn đại hội.
Đây là một sai sót nghiêm trọng về quy trình pháp lý – vốn lẽ ra phải được dự trù từ sớm, đặc biệt trong bối cảnh Nhựa Sài Gòn đang đối mặt với nhiều khó khăn nội tại. Hệ quả, cổ phiếu NSG bị HNX đưa vào diện cảnh báo – một mức độ kiểm soát có tính cảnh tỉnh mạnh đối với những doanh nghiệp vi phạm quy định công bố thông tin hoặc có dấu hiệu quản trị yếu kém.
![]() |
Cảnh báo kép với cổ phiếu NSG của Nhựa Sài Gòn |
Đáng lưu ý, trong vòng 15 ngày kể từ ngày bị cảnh báo, doanh nghiệp có trách nhiệm gửi văn bản giải trình và đề xuất phương án khắc phục lên Sở Giao dịch. Nếu tiếp tục chậm trễ, rủi ro pháp lý lẫn thị trường dành cho NSG sẽ gia tăng đáng kể.
Không chỉ lỡ hẹn với cổ đông, tình hình tài chính của Nhựa Sài Gòn tiếp tục cho thấy nhiều tín hiệu đáng lo ngại. Theo báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất năm 2024, công ty ghi nhận doanh thu thuần chỉ đạt 10,8 tỷ đồng, giảm gần 37% so với năm trước. Trong khi đó, chi phí hoạt động vẫn duy trì ở mức cao, khiến doanh nghiệp lỗ gần 9,7 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2024, lỗ lũy kế của Nhựa Sài Gòn đã chạm mốc 112 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm hơn 22 tỷ đồng – những con số đủ để đặt ra dấu hỏi lớn về khả năng tồn tại của doanh nghiệp trong trung và dài hạn. Đặc biệt, đơn vị kiểm toán AASCS tiếp tục từ chối chấp nhận toàn phần báo cáo tài chính, cho thấy mức độ rủi ro tài chính ở ngưỡng rất cao.
Thực tế này khiến cổ phiếu NSG không chỉ rơi vào diện cảnh báo, mà còn đang chịu hạn chế giao dịch – chỉ được phép mua bán vào ngày thứ Sáu hàng tuần. Hai hình thức kiểm soát này cộng dồn tạo thành "cảnh báo kép", khiến tính thanh khoản của cổ phiếu gần như tê liệt, đồng thời làm suy giảm nghiêm trọng lòng tin từ phía nhà đầu tư.
Trong tài liệu chuẩn bị cho đại hội năm nay, ban điều hành Nhựa Sài Gòn thẳng thắn thừa nhận, năm 2024 là giai đoạn vô cùng biến động về kinh tế – xã hội, trong khi nội tại doanh nghiệp đã suy yếu kéo dài nhiều năm. Gánh nặng nợ nần tích tụ, cộng với sự thiếu hụt nguồn lực tái đầu tư đã khiến hoạt động sản xuất – kinh doanh gần như bị bóp nghẹt.
“Doanh nghiệp đã phải gồng gánh rất nhiều khoản nợ trong bối cảnh thị trường biến động và nội lực suy yếu”, phía công ty viết trong báo cáo gửi cổ đông.
Trước thực trạng đó, ban lãnh đạo cho biết đã tiến hành một số biện pháp ứng cứu: tinh giản bộ máy, dừng hoạt động chi nhánh Bình Thủy (Cần Thơ), dời văn phòng về nhà máy chính để tiết giảm chi phí vận hành. Đồng thời, công ty cũng nỗ lực tìm kiếm đối tác hợp tác sản xuất, khai thác tối đa mặt bằng hiện có nhằm tạo dòng tiền duy trì hoạt động.
Việc một doanh nghiệp cùng lúc bị kiểm soát bởi hai cơ chế – cảnh báo và hạn chế giao dịch – là tình huống hiếm gặp, phản ánh không chỉ vấn đề tài chính mà còn là dấu hiệu về sự bất ổn trong quản trị và minh bạch thông tin. Với nhà đầu tư, điều này đồng nghĩa rủi ro mất vốn cao và khả năng thoái lui khỏi vị thế đầu tư gần như bị “khóa cứng”.
Dưới góc độ thị trường, việc NSG trì hoãn đại hội đúng hạn không chỉ là vi phạm thủ tục, mà còn gây đình trệ các quyết sách quan trọng như bổ sung thành viên HĐQT, điều chỉnh chiến lược kinh doanh hay tăng vốn, tái cơ cấu nợ.
Đối với giới quản lý, động thái mạnh tay từ HNX có thể xem như lời cảnh tỉnh đối với các doanh nghiệp khác trên sàn UPCoM – nơi vẫn còn tồn tại nhiều công ty nhỏ, tài chính yếu và quản trị lỏng lẻo.