Vinamilk mang niềm vui uống sữa đến với hơn 11.000 trẻ em ngay trước thềm sự kiện 50 năm thống nhất đất nước Những nữ doanh nhân Việt dẫn dắt các tập đoàn tỉ đô |
Phát biểu tại Diễn đàn "Tăng trưởng kinh tế cao và bền vững trong bối cảnh mới", bà Mai Kiều Liên – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vinamilk – đã đưa ra nhiều đề xuất thiết thực về phát triển ngành sữa, định hướng chiến lược để đạt được tăng trưởng hai con số một cách bền vững.
Theo bà Mai Kiều Liên, ngành sữa là ngành chế biến thực phẩm gắn liền với nông sản, có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và sự phát triển thể chất của thế hệ tương lai. Không chỉ là một lĩnh vực kinh tế, ngành sữa còn giữ vai trò then chốt trong an ninh dinh dưỡng quốc gia. “Chúng ta đang nói đến tương lai của đất nước thông qua sự phát triển thể chất của các cháu nhỏ”, bà nhấn mạnh.
![]() |
Bà Mai Kiều Liên – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vinamilk. Ảnh: Phan Chính |
Trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng nội địa đang ngày một tăng cao, bà Liên khẳng định ngành sữa còn rất nhiều dư địa để phát triển. Nhưng để tăng trưởng nhanh và bền vững, đặc biệt là đạt được mức tăng trưởng hai con số, doanh nghiệp cần vừa bảo đảm lợi nhuận, vừa tăng thu nhập cho người lao động. Vinamilk đang theo đuổi chiến lược đầu tư lớn, khấu hao nhanh để từ đó gia tăng hiệu quả hoạt động và nâng thu nhập bình quân của người lao động – yếu tố quyết định sức mua và sự lan tỏa của tiêu dùng trong nước.
“Ngành nào cũng có sức mua, và sức mua đó đến từ thu nhập bình quân của người dân. Chúng ta không thể kỳ vọng thị trường mở rộng khi người dân chưa có thu nhập đủ để chi tiêu cho sản phẩm chất lượng cao,” bà Liên phân tích.
Bên cạnh yếu tố thu nhập, bà cho rằng, tăng trưởng năng suất là yếu tố sống còn trong phát triển ngành nông nghiệp – thực phẩm. Bà kêu gọi đẩy mạnh cơ giới hóa và hệ thống hóa sản xuất, cải thiện giống để nâng cao năng suất. Đặc biệt trong ngành sữa, chuỗi sản xuất liên kết chặt chẽ từ đồng cỏ đến bàn ăn đòi hỏi sự đầu tư bài bản, quy mô lớn và công nghệ hiện đại.
Chất lượng sản phẩm cũng là điểm mấu chốt được bà Liên nhấn mạnh. Bà cho rằng, sản lượng chỉ thực sự có ý nghĩa khi đáp ứng được nhu cầu xã hội ngày càng khắt khe hơn về tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm và giá trị dinh dưỡng. “Doanh nghiệp muốn phát triển bền vững thì chất lượng phải đi trước một bước. Đó là yếu tố then chốt để mở rộng thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu,” bà Liên nhận định.
Với vai trò của một lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu trong ngành, bà Mai Kiều Liên cũng thẳng thắn nêu kiến nghị với Chính phủ. Bà cho rằng nhiều doanh nghiệp đang gặp vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục đầu tư – nhất là ở cấp địa phương. Việc sửa đổi các quy định không còn phù hợp, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, ổn định và minh bạch sẽ là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp yên tâm mở rộng đầu tư.
“Muốn doanh nghiệp phát triển nhanh, phải tháo gỡ vướng mắc nhanh. Đầu tư chậm thì cơ hội cũng qua đi nhanh,” bà nói, và cho biết Vinamilk sẵn sàng đi đầu trong chuyển đổi mô hình sản xuất, đầu tư công nghệ hiện đại và mở rộng thị trường xuất khẩu nếu môi trường kinh doanh ổn định và minh bạch hơn.
Theo bà, sự phát triển của ngành sữa là một vòng tuần hoàn, từ chất lượng sản phẩm – năng suất – thu nhập – sức mua – đầu tư trở lại. Do đó, nếu có được chính sách đồng hành từ Nhà nước, ngành sữa sẽ không chỉ là động lực tăng trưởng cho doanh nghiệp mà còn là nền tảng cho một xã hội phát triển thể chất và trí tuệ vững chắc.