Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) vừa công bố tình hình sản xuất trong quý II/2025. Theo đó, Tập đoàn đã sản xuất 2,5 triệu tấn thép thô, tương đương quý I và tăng 10% so với cùng kỳ năm 2024. Sản lượng bán hàng các sản phẩm thép gồm thép cuộn cán nóng (HRC), thép xây dựng, thép chất lượng cao và phôi thép đạt 2,6 triệu tấn, tăng 9% so với quý trước và tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, sản lượng bán hàng thép cuộn cán nóng lần đầu tiên vượt mốc 1,1 triệu tấn trong một quý, ghi nhận mức tăng 18% so với quý I. Kết quả tích cực này một phần nhờ vào quyết định áp thuế chống bán phá giá tạm thời với thép HRC nhập khẩu từ Trung Quốc, được Bộ Công Thương ban hành từ đầu tháng 3/2025 theo đơn kiện của Hòa Phát và Formosa.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Tập đoàn Hòa Phát đã sản xuất 5,1 triệu tấn thép thô, tăng 17% so với cùng kỳ. Lượng bán hàng thép HRC, thép xây dựng, thép chất lượng cao và phôi thép đạt 5 triệu tấn, tăng 23% so với nửa đầu năm ngoái.
Trong đó, thép cuộn cán nóng đóng góp 2,2 triệu tấn, tăng 42% so với nửa đầu năm 2024. Thép xây dựng, thép chất lượng cao của Tập đoàn ghi nhận 2,5 triệu tấn, tăng 11% so với 6 tháng đầu năm ngoái. Hiện tại Hòa Phát vẫn đang giữ thị phần số 1 Việt Nam về thép xây dựng với 38%.
Hiện Tập đoàn Hòa Phát đang tập trung cao độ vào việc hoàn thiện và cho ra sản phẩm của lò cao số 6, tiến tới hoàn thành phân kỳ 2 của dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 vào tháng 9 năm nay.
Sau khi hoàn thành, sản lượng thép toàn Tập đoàn sẽ đạt tổng cộng 16 triệu tấn/năm. Trong đó có 8,5 triệu tấn thép cuộn cán nóng, đáp ứng 100% nhu cầu với sản phẩm này trên thị trường Việt Nam.
![]() |
Ảnh minh họa |
Mới đây, ngày 4/7/2025, thuế chống bán phá giá chính thức đối với thép cuộn cán nóng (HRC) đã được công bố, với ít thay đổi so với kết quả sơ bộ trước đó. Mức thuế này sẽ có hiệu lực trong tối đa 5 năm, mang lại sự hỗ trợ ổn định cho các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước. Các biện pháp chống bán phá giá tương tự đối với tôn mạ dự kiến sẽ được hoàn tất trong nửa cuối năm 2025, sau giai đoạn rà soát sơ bộ.
Theo các chuyên gia, biện pháp thuế này sẽ củng cố hàng rào bảo hộ và góp phần mở rộng biên lợi nhuận cho các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước như Hòa Phát.
Năm nay, Hoà Phát kỳ vọng nhiều vào thị trường nội địa với lực đẩy chính đến từ các dự án đầu tư công. Trên thực tế, hoạt động tiêu thụ thép của toàn ngành thép năm nay tăng trưởng tốt ngay cả khi xuất khẩu giảm sút nhờ lực đỡ từ nội địa. Điều này trái ngược với xu hướng của năm ngoái khi kênh xuất khẩu trở thành “cứu cánh” cho ngành trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi.
Còn trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HPG đang trải qua những phiên đầy hưng phấn trong bối cảnh VN-Index thiết lập mốc 1.430 điểm. Chốt phiên 9/7, HPG dừng ở 24.750 đồng/cp, cao nhất trong vòng 3 năm qua.
Với mức giá này, vốn hóa của tập đoàn thép của tỷ phú Trần Đình Long đạt gần 190.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 7,3 tỷ USD.
Trong một diễn biến liên quan, Hòa Phát vừa kết thúc đợt phát hành gần 1,3 tỷ cổ phiếu cho 192.766 cổ đông, với tỷ lệ 10:2, tức cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu sẽ được nhận 2 cổ phiếu mới. Sau đợt phát hành, Hòa Phát nâng tổng số lượng cổ phiếu đang lưu hành lên gần 7,68 tỷ cổ phiếu, tương đương vốn điều lệ gần 76.745 tỷ đồng. Ngày dự kiến chuyển giao cổ phiếu 31/7/2025.
Ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Hòa Phát đang sở hữu 1,65 tỷ cổ phiếu HPG, tương đương tỷ lệ sở hữu 25,89% vốn tại Hòa Phát (ghi nhận tại thời điểm 31/12/2024), sẽ nhận về khoảng 330 triệu cổ phiếu từ đợt cổ tức trên.
Như vậy, với việc cổ phiếu HPG bứt phá mạnh trong bối cảnh nhận được nhiều thông tin tích cực đưa cổ phiếu thăng hoa, khối tài sản của ông Trần Đình Long cũng tăng mạnh. Cập nhật ngày 9/7, tài sản của vua thép Trần Đình Long đạt 2,5 tỷ USD, đứng thứ 1.526 những người giàu nhất hành tinh.
![]() |
Diễn biến cổ phiếu HPG trong 3 năm qua. (Nguồn: TradingView). |