Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 6 năm 2025 ước đạt 950 triệu USD, nâng tổng kim ngạch 6 tháng đầu năm lên 5,16 tỷ USD, tăng 16,9% so với cùng kỳ 2024. Hai mặt hàng chủ lực là tôm và cá tra ghi nhận mức tăng trưởng khả quan, lần lượt đạt 2,07 tỷ USD (tăng 26%) và 1 tỷ USD (tăng 10%).
Về thị trường, Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản tiếp tục là ba điểm đến lớn nhất, chiếm lần lượt 19,6%, 18,2% và 15% thị phần. Đặc biệt, xuất khẩu sang Trung Quốc tăng mạnh 53,7%, Hoa Kỳ tăng 22,8% và Nhật Bản tăng 9,1%. Thị trường Brazil cũng nổi lên với mức tăng ấn tượng 71,3%, mở ra dư địa phát triển mới cho ngành thủy sản Việt.
![]() |
Nguồn: Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) |
Tuy nhiên, bên cạnh xu hướng tăng trưởng, thị trường Hoa Kỳ – nơi đóng góp gần 900 triệu USD trong 6 tháng đầu năm đang đặt ra thách thức lớn do áp lực từ chính sách thuế đối ứng. Từ tháng 6, nhiều doanh nghiệp đã chủ động tạm dừng giao hàng để tránh bị áp thuế cao.
Để đạt mục tiêu 10,5 tỷ USD, ngành thủy sản cần đạt thêm 5,4 tỷ USD trong 6 tháng cuối năm, tương đương hơn 900 triệu USD/tháng. Đây là con số đầy thách thức khi thị trường toàn cầu vẫn chịu tác động bởi biến động địa chính trị, chính sách thương mại và xu hướng bảo hộ gia tăng ở một số quốc gia nhập khẩu lớn.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nửa cuối năm 2025, ngành cần tập trung vào ba trụ cột chính: thích ứng thị trường, nâng cao chất lượng và phát triển chuỗi cung ứng bền vững.
Trong đó, mặt hàng tôm đang đối diện với nguy cơ “thuế chồng thuế”. Bù lại, xuất khẩu cá tra được kỳ vọng sẽ tích cực khi hơn mặt hàng vừa được Bộ Thương mại Hoa Kỳ công bố mức thuế chống bán phá giá 0% cho 7 doanh nghiệp Việt Nam theo kết quả rà soát lần thứ 20 (POR20). Đây là “cửa sáng” cho cá tra Việt Nam lấy lại đà tăng trưởng tại thị trường lớn thứ hai này.
Tại Việt Nam, CTCP Đầu tư & Phát triển Đa quốc gia (I.D.I – Mã: IDI) luôn có tên trong top 4 doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra đông lạnh hàng đầu Việt Nam. Đây là thành viên thuộc Tập đoàn Sao Mai – tập đoàn đa ngành hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, dịch vụ và đặc biệt là phát triển mạnh với lĩnh vực nuôi trồng và chế biến thủy sản xuất khẩu thông qua IDI.
Năm nay, IDI xác định đang đứng trước nhiều vận hội mới và đề ra mục tiêu kinh doanh tăng trưởng mạnh với doanh thu thuần 8.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 170 tỷ đồng, tăng lần lượt 12% và 134% so với kết quả năm ngoái.
IDI cho biết, ngành cá tra Việt Nam vẫn nằm trong nhóm nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng trên thế giới do mặt hàng dễ nuôi trồng, có nhiều giá trị dinh dưỡng và có giá bán thấp, nên sẽ được ưu tiên thay thế các loại thực phẩm khác với giá bán cao, khi mà kinh tế toàn cầu chỉ mới có tín hiệu khả quan.
Năm 2024, công ty đã xuất khẩu đến hơn 150 khách hàng với 48 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, thị trường Mexico chiếm gần 25% và thị trường Trung Quốc chiếm hơn 22% tổng doanh thu xuất khẩu trong 2 năm gần nhất. Tuy nhiên, tại Trung Quốc sự cạnh tranh mặt hàng cá tra ngày càng gay gắt và biên lợi nhuận thấp nên IDI phải chuyển hướng sang các thị trường mới và giảm phụ thuộc vào đất nước tỷ dân này.
Năm nay, IDI xác định thị trường Hoa Kỳ và Nam Mỹ đang ngày một gia tăng sức hút, trong đó IDI nằm trong nhóm các doanh nghiệp được hưởng mức thuế chống bán phá giá thấp (POR19) mà Bộ Thương mại Mỹ (DOC) điều tra, chỉ 0,18 USD/kg. Lợi thế về thị trường xuất khẩu thủy sản vào Mỹ đang rộng cửa cho doanh nghiệp này từ chính sách thuế suất ưu đãi.
![]() |
IDI thuộc Tập đoàn Sao Mai, là 1 trong 4 công ty xuất khẩu cá tra lớn nhất cả nước. Ảnh minh hoạ |
Thực tế, người tiêu dùng tại Mỹ đang gia tăng nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm cá thịt trắng, đặc biệt là cá tra từ Việt Nam. Với lợi thế của loài cá thịt trắng thơm ngon, phù hợp chế biến đa dạng món ăn từ phi lê đóng gói, sản phẩm đông lạnh đến sản phẩm chế biến sẵn, cá tra Việt đã hấp dẫn được các nhà nhập khẩu của thị trường này.
Thêm vào đó, việc các nguồn cung cá thịt trắng cho Mỹ đang giảm trong bối cảnh khan hiếm các sản phẩm cá thịt trắng khác như cá rô phi cũng là tín hiệu khả quan cho xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường Mỹ.
Hơn nữa, thông tin Mỹ đang xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường đã mang lại niềm hy vọng lạc quan cho nhiều ngành kinh tế Việt Nam, trong đó có ngành thủy sản và đặc biệt là mặt hàng cá tra.
Kể từ khi Mỹ công bố mức thuế quan đối ứng với nhiều quốc gia hồi tháng 4, ngành thuỷ sản và cá tra nói riêng như "ngồi trên đồng lửa". Họ đẩy nhanh quá trình xuất khẩu nhằm hưởng mức thuế thấp trước ngày 7/7, thể hiện qua số liệu xuất khẩu sang Mỹ theo tháng tăng dần trước ngày "deadline".
VASEP cho biết, trong bối cảnh bất định về thuế đối ứng từ phía Mỹ, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam đã có sự chuẩn bị từ trước, không chỉ về mặt kịch bản kinh doanh mà cả về tâm thế thị trường. Mặc dù đối mặt với mức thuế đối ứng, một số chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu trong ngành tin rằng, người tiêu dùng Mỹ vẫn không quay lưng với cá tra.
Theo đó, khi cộng thử thêm thuế, giá thành sản phẩm vẫn dao động quanh mức 50 - 60 cent/pound – tức là vẫn thấp hơn nhiều so với các loại cá trắng phổ thông như cá tuyết hay cá minh thái. Thực tế này cho thấy cá tra vẫn giữ được lợi thế cạnh tranh về giá - một yếu tố rất quan trọng trong bối cảnh người tiêu dùng Mỹ ngày càng thắt chặt chi tiêu hậu đại dịch và lạm phát cao.
“Thực tế, trong quá khứ cá tra từng có giá cao hơn hiện nay, và thị trường Mỹ vẫn tiêu thụ tốt. Điều này cho thấy, nếu chuỗi cung ứng được tổ chức linh hoạt và bài bản, mức giá mới sau thuế hoàn toàn có thể được thị trường hấp thụ”, VASEP cho biết.
Một điểm đáng lưu ý, cá tra Việt Nam ngày càng có vị trí vững chắc hơn trên bàn ăn của người Mỹ không chỉ trong cộng đồng người gốc Á mà cả trong các phân khúc tiêu dùng phổ thông. Theo VASEP, điều này phản ánh mức độ “gắn bó” của cá tra với người tiêu dùng và cho thấy mức giá tăng không phải là rào cản không thể vượt qua.
Hiện tại, IDI vẫn đang chuẩn bị, làm vững mạnh năng lực tài chính và gia tăng thêm năng suất sản xuất chế biến cá tra vào thị trường Mỹ. Đầu năm nay, IDI đã khởi công xây dựng Nhà máy chế biến thủy sản Hoa Kỳ có tổng vốn đầu tư gần 700 tỷ đồng, đánh dấu nhà máy thứ ba của doanh nghiệp cá tra này.
![]() |
Các nhà máy chế biến cá tra của IDI. Ảnh: IDI |
Nhà máy có công suất 120 tấn nguyên liệu/ngày, sản lượng cá Fillet đông lạnh dự kiến khoảng 20.000 tấn/năm. Dự kiến thời gian xây dựng từ 12 - 14 tháng. Sau khi hoàn thành, Nhà máy chế biến thủy sản Hoa Kỳ sẽ góp phần nâng tổng công suất chế biến của IDI hơn 500 tấn nguyên liệu/ngày.
“Nhà máy dự kiến hoàn thành trong quý I/2026 sẽ giúp công ty tăng năng lực xuất khẩu đáng kể trước cánh cửa thị trường Mỹ đã rộng mở và nhu cầu lương thực thực phẩm trên thế giới liên tục tăng trong những năm gần đây”, phía IDI cho biết.
Nguồn vốn xây dựng được lấy từ lô trái phiếu xanh 1.000 tỷ đồng được IDI huy động từ tháng 10/2024. Đây là lô trái phiếu xanh đầu tiên của châu Á trong lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản.
Với sự bảo lãnh thanh toán 100% từ GuarantCo, I.D.I – nhà xuất khẩu cá tra hàng đầu thế giới – đã phát hành trái phiếu với mức lãi suất thấp kỷ lục, thu hút sự quan tâm từ các nhà đầu tư tổ chức lớn và đồng thời mở ra cơ hội tiếp cận thị trường nợ trong nước cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, tại thị trường Mỹ, IDI cũng đã thành công ký kết đối tác chiến lược với Công ty PATAGONIA CUISINE LLC - ATLANTA, bang Gẻogia nhằm phát triển thị trường Mỹ và khu vực Nam Mỹ. Hai bên đẫ thống nhất cùng xây dựng "thương hiệu IDI" tại Mỹ, củng cố tiềm lực cho hành trình của công ty tại xứ cờ hoa.
Đồng thời, IDI sẽ tiếp tục tập trung đầu tư hoàn thiện chuỗi sản xuất thủy sản khép kín, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Nhà máy Chế biến Thủy sản Hoa kỳ và Trung tâm Giống Thủy sản Công nghệ cao Sao Mai. Song song đó là tập trung vào việc mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt tại các khu vực tiềm năng như Bắc Mỹ, châu Âu và các thị trường Đông Á…