Việt Nam - cửa ngõ của các quốc gia Mercosur vào thị trường ASEAN

15:29 02/07/2024

Trong khối Mercosur, Brazil hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Đông Nam Á. Đặc biệt, sản phẩm cá tra của Việt Nam đã có những kết quả xuất khẩu ấn tượng.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Mercosur là khối tiểu vùng được thành lập vào năm 1991 bởi các quốc gia gồm Argentina, Brazil, Paraguay và Uruguay. Đây là một khu vực kinh tế, công nghiệp năng động, cạnh tranh và phát triển, có ảnh hưởng ngày càng lớn với vị thế là khối kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới. Với vị trí địa lý quan trọng ở khu vực Đông Á và châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam được coi là cửa ngõ quan trọng đối với các quốc gia Mercosur để đi vào thị trường ASEAN.

Trong khối Mercosur, Brazil hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Đông Nam Á. Đặc biệt, sản phẩm cá tra của Việt Nam đã có những kết quả xuất khẩu ấn tượng. Nửa đầu tháng 6, kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang Brazil đạt 4 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế xuất khẩu cá tra tính đến nửa đầu tháng 6 đạt 50 triệu USD, tăng 47% so với cùng kỳ năm 2023.

Việt Nam - cửa ngõ của các quốc gia Mercosur vào thị trường ASEAN
Việt Nam - cửa ngõ của các quốc gia Mercosur vào thị trường ASEAN.

Từ đầu năm nay, Brazil chủ yếu nhập khẩu các sản phẩm cá tra đông lạnh và phi lê cá tra đông lạnh từ Việt Nam, với mã HS 03046200. Doanh nghiệp cung cấp cá tra lớn nhất cho thị trường Brazil trong 5 tháng đầu năm nay là Hùng Cá 2, chiếm 19% tỷ trọng giá trị.

Ngoài Brazil, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang các thị trường khác trong khối Mercosur vẫn được đánh giá là tiềm năng. Tính đến hết tháng 5, xuất khẩu cá tra sang Argentina đạt gần 1,5 triệu USD, tăng 238%; Uruguay đạt hơn 700.000 USD, tăng 2%. Tuy nhiên, xuất khẩu cá tra sang Paraguay vẫn khá hạn chế, do nước này chủ yếu xuất khẩu nông sản, gia súc và năng lượng điện. Hiện tại, Vĩnh Hoàn là doanh nghiệp duy nhất của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Paraguay trong 5 tháng đầu năm nay.

Khoảng cách địa lý, khác biệt về ngôn ngữ và việc chưa có tuyến vận tải hàng hóa, hành khách trực tiếp đã dẫn đến chi phí logistics cho hàng hóa từ Việt Nam sang Mercosur cao. Hơn nữa, hai bên chưa có hiệp định thương mại tự do (FTA), điều này cũng là một rào cản.

VASEP kỳ vọng rằng với những tiềm năng hiện có, Việt Nam và khối Mercosur sẽ sớm ký kết FTA đầu tiên, mở đường cho hợp tác giao thương xuất khẩu giữa hai bên, đặc biệt là xuất khẩu cá tra.

P.V (t/h)