Trung Quốc trở thành thị trường nhiều cửa hàng cà phê có thương hiệu nhất thế giới

12:48 15/12/2023

Mỹ đã giữ “ngôi vương” này trong 20 năm kể từ khi World Coffee Portal tiến hành khảo sát và giờ đây vương miện đã được trao cho Trung Quốc.

Luckin Coffee, công ty khởi nghiệp Trung Quốc sa lầy vào vụ bê bối gian lận và bị đuổi khỏi Phố Wall ba năm trước, là chuỗi cà phê lớn nhất đất nước với hơn 13.000 cửa hàng.
Luckin Coffee, công ty khởi nghiệp Trung Quốc là chuỗi cà phê lớn nhất đất nước với hơn 13.000 cửa hàng.

Được mệnh danh là "quốc gia uống trà" nhưng Trung Quốc đã vượt Mỹ thành thị trường quán cà phê có thương hiệu, tức theo chuỗi, lớn nhất thế giới.

Theo thông tin mới được công bố bởi cổng thông tin thị trường cà phê World Coffee Portal, số lượng quán cà phê có thương hiệu ở Trung Quốc tăng 58% trong 12 tháng qua lên mức kỷ lục 49.691 cửa hàng. Con số này cao hơn 9.000 cửa hàng so với 40.062 ở Mỹ, nơi thị trường chỉ tăng trưởng 4%.

Cửa hàng cà phê có thương hiệu là khái niệm chỉ các cửa hàng mang thương hiệu nổi tiếng, thuộc sở hữu của các công ty. Đặc điểm chung của chúng là kinh doanh theo chuỗi, có thiết kế nội thất, menu chuẩn đồng nhất và thường xuyên cung cấp sản phẩm đặc trưng riêng thương hiệu.

Mỹ đã giữ “ngôi vương” này trong 20 năm kể từ khi World Coffee Portal tiến hành khảo sát và giờ đây vương miện đã được trao cho Trung Quốc.

Starbucks, thương hiệu cà phê nổi tiếng của Mỹ xuất hiện tại Trung Quốc từ năm 1999, đã mở 785 cửa hàng tại nước này vào năm 2023, nâng tổng số cửa hàng tại đây lên 6.806. Trung Quốc vẫn là thị trường tăng trưởng nhanh nhất của Starbucks 

Luckin Coffee, công ty khởi nghiệp Trung Quốc sa lầy vào vụ bê bối gian lận và bị đuổi khỏi Phố Wall 3 năm trước, là chuỗi cà phê lớn nhất đất nước với hơn 13.000 cửa hàng.

Trong khi đó, Cotti Coffee, được thành lập bởi hai cựu Giám đốc điều hành của Luckin vào tháng 8/2022, đang nhanh chóng bắt kịp với 6.061 cửa hàng.

“Hơn 90% trong số 4.000 người tiêu dùng tại quán cà phê Trung Quốc được khảo sát uống cà phê nóng hàng tuần, trong khi 64% uống cà phê đá ít nhất một lần một tuần”, World Coffee Portal cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Ba.

Điều này cho biết, gần 90% người tiêu dùng được khảo sát đã ghé thăm hoặc đặt hàng từ quán cà phê ít nhất một lần một tuần.

Đầu năm nay, gã khổng lồ ngành F&B Starbucks đã rót hơn 200 triệu USD vào một cơ sở mới ở phía đông Trung Quốc. Vào thời điểm khai trương hồi tháng 9, gã khổng lồ đồ uống này cho biết đây là khoản đầu tư lớn nhất họ từng thực hiện cho một trung tâm sản xuất và phân phối cà phê bên ngoài nước Mỹ.

Trung Quốc từ lâu đã là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng nhất của Starbucks, đóng vai trò là thị trường lớn thứ hai trên toàn thế giới và thị trường nước ngoài hàng đầu.

Tuy nhiên, CEO Laxman Narasimhan cho biết, công ty “vẫn còn trong những ngày đầu hoạt động ở Trung Quốc”, ngụ ý rằng mức tiêu thụ cà phê ở quốc gia có truyền thống uống trà này vẫn tương đối thấp. 

Chuỗi cà phê Mỹ đang nhắm mục tiêu 9.000 cửa hàng tại Trung Quốc vào năm 2025, World Coffee Portal cho biết.

Thương hiệu chuỗi cà phê từ Việt Nam cũng bắt đầu thâm nhập thị trường này. Theo đó, Trung Nguyên Legend đã mở được hai cửa hàng tại Thượng Hải, lần lượt vào tháng 9/2022 và tháng 7/2023. Tập đoàn Trung Nguyên Legend cho hay, đang xúc tiến triển khai kế hoạch phát triển 1.000 cửa hàng theo mô hình Thế giới cà phê Trung Nguyên Legend tại khắp các tỉnh thành Trung Quốc thông qua hình thức hợp tác đầu tư.

Ông Jeffrey Young, người sáng lập và Giám đốc điều hành của World Coffee Portal, cho biết: “Thị trường cửa hàng cà phê Đông Á rõ ràng đang có sự tăng trưởng nhanh chóng nhờ việc mở rộng các mạng lưới với tốc độ 'vũ bão' ở Trung Quốc, quốc gia đã nhanh chóng trở thành cường quốc ngành cà phê toàn cầu”.

Minh Tú (t/h)