Triển vọng du lịch Việt Nam năm 2024: Hướng tới sự phục hồi và phát triển

09:14 29/01/2024

Sau những thách thức từ dịch bệnh và địa chính trị gây ra, nhờ vào những nỗ lực của chính phủ và ngành du lịch, triển vọng du lịch của Việt Nam, hứa hẹn sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ trong năm 2024.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Sau những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid -19 và địa chính, ngành du lịch Việt Nam đang từng bước phục hồi nhờ vào các giải pháp được triển khai và dịch vụ du lịch đã được mở cửa trở lại cùng hạ tầng phát triển. Việt Nam đã được công nhận là một trong những điểm đến an toàn và hấp dẫn cho du khách quốc tế. Sự phục hồi này dự kiến sẽ tiếp tục trong năm 2024, với việc tăng cường các biện pháp an toàn và quảng bá hình ảnh đất nước.

Trong khi đó, đối với du lịch nội địa đã trở thành một xu hướng phổ biến ở Việt Nam. Trong năm 2024, du lịch nội địa dự kiến sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Việt Nam có một loạt các địa điểm du lịch đẹp và đa dạng từ miền Bắc đến miền Nam, từ biển đến núi, từ di sản văn hóa đến cảnh quan thiên nhiên. Những công nghệ và ứng dụng mới cũng sẽ giúp tăng cường trải nghiệm du lịch nội địa, thu hút du khách trong nước và góp phần vào sự phát triển kinh tế của các địa phương.

Ngoài ra, năm 2024 sẽ là cơ hội lớn cho ngành du lịch Việt Nam để thu hút du khách quốc tế trở lại. Với danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp, văn hóa đa dạng và ẩm thực phong phú, Việt Nam có thể trở thành một điểm đến hấp dẫn cho du khách quốc tế. Đồng thời, việc thúc đẩy các chương trình khuyến mãi và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực du lịch cũng sẽ góp phần vào thu hút khách du lịch từ các thị trường tiềm năng.

Nhờ vào sự tăng trưởng nhanh vào cuối năm 2023, ngành Du lịch kỳ vọng năm 2024 sẽ bứt phá mạnh mẽ, đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế, bằng với thời điểm năm 2019 - “năm vàng” của du lịch Việt Nam trước dịch Covid-19.

Con số này thể hiện quyết tâm của ngành Du lịch để phục hồi hoàn toàn, đồng thời đặt ra những thách thức không nhỏ trong việc cạnh tranh với những nước trong khu vực.

Ảnh minh họa
năm 2024 sẽ là cơ hội lớn cho ngành du lịch Việt Nam để thu hút du khách quốc tế trở lại (Ảnh: Minh họa)

Năm 2024, ngành Du lịch đặt mục tiêu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 110 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ du lịch đạt khoảng 840 nghìn tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu này, đòi hỏi toàn ngành phải nỗ lực rất nhiều.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhận định, năm 2023, du lịch Việt Nam đã đón được 12,6 triệu lượt khách quốc tế; tổng thu từ hoạt động du lịch ước đạt 678 nghìn tỷ đồng. Với sự bứt tốc ấn tượng của ngành Du lịch từ cuối năm 2023, đặc biệt là những tín hiệu khởi sắc trong đầu năm mới 2024, du lịch Việt Nam có thể đạt được chỉ tiêu đề ra, phục hồi hoàn toàn như thời điểm trước dịch Covid-19.

Có thể thấy, những tín hiệu vui ngay đầu năm mới 2024 khi trong kỳ nghỉ Tết dương lịch, nhiều địa phương đã đạt được những con số ấn tượng về lượng khách và doanh thu, tăng cao hơn so với năm 2023. Điển hình như, thành phố Hà Nội ước đón 402 nghìn lượt khách, tổng thu từ khách du lịch ước đạt gần 1,5 nghìn tỷ đồng; tỉnh Quảng Ninh đón 179 nghìn lượt khách, tổng thu ước đạt 340 tỷ đồng; tỉnh Ninh Bình đón gần 313 nghìn lượt khách, tổng doanh thu đạt 420 tỷ đồng; tỉnh Thanh Hóa đón khoảng 105 nghìn lượt khách, tổng thu đạt khoảng 142 tỷ đồng; thành phố Đà Nẵng đón khoảng 261 nghìn lượt khách, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm ngoái…

Bước sang năm 2024, hầu hết các tỉnh, thành phố đều đặt mục tiêu cao về phát triển du lịch. Các địa phương lớn như thành phố Hà Nội phấn đấu đón 26,5 triệu lượt khách, trong đó có 5 triệu lượt khách quốc tế; thành phố Hồ Chí Minh quyết tâm đón khoảng 40 triệu lượt khách, trong đó có 5 triệu lượt khách quốc tế...

Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Trùng Khánh cho hay, sau gần 2 năm thực hiện các biện pháp phục hồi, du lịch Việt Nam đang có đà tăng trưởng. Năm 2024 sẽ là thời điểm để du lịch bứt tốc, tăng sức cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực.

Đặc biệt, với sự quan tâm và phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam. Chính phủ và các tổ chức liên quan đã nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, bảo tồn di sản văn hóa và xây dựng một ngành du lịch có trách nhiệm. Việt Nam có nhiều điểm đến thiên nhiên và di sản văn hóa độc đáo như Vịnh Hạ Long, Cố đô Huế và Phố cổ Hội An. Việc quản lý và phát triển du lịch bền vững sẽ giúp bảo vệ những tài nguyên quý giá này và đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành du lịch.

Nghệ Nhân