Ngành du lịch kỳ vọng năm 2024 sẽ phục hồi về mức trước dịch Covid-19

17:16 03/01/2024

Năm 2024 ngành du lịch đặt mục tiêu phấn đấu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế, con số này tương đương với lượng khách quốc tế đến Việt Nam thời điểm trước dịch Covid-19.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, trong tháng 12/2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 1,4 triệu lượt người, tăng 11,2% so với tháng trước và tăng 93,9% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung cả năm, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 12,6 triệu lượt người, gấp 3,4 lần năm 2022 và vượt xa mục tiêu 8 triệu khách đặt ra ban đầu, đạt mục tiêu điều chỉnh (12,5-13 triệu lượt khách).

Cũng trong năm vừa qua, lượng khách nội địa đạt 108 triệu lượt người, vượt 6% so với kế hoạch năm.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 673.500 tỷ đồng, tăng 14,7% so với năm trước và chiếm 10,8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng. Doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 37.800 tỷ đồng và tăng 52,5% so với năm trước.

Từ những thành công trong việc thu hút du khách đến Việt Nam, năm 2024 ngành du lịch đặt mục tiêu phấn đấu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế, con số này tương đương với lượng khách quốc tế đến Việt Nam thời điểm trước dịch Covid-19.

Ngành du lịch cũng đặt mục tiêu năm 2024 phục vụ 110 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 840 nghìn tỷ đồng.

Theo Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh, dự báo của Tổ chức du lịch thế giời (UNWTO) và Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC), trong năm 2024 hoạt động du lịch có thể phục hồi ngang bằng với mức đã đạt được của năm 2019.

Tuy nhiên nhu cầu của khách du lịch quốc tế liên tục thay đổi, đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng sản phẩm, sự trải nghiệm, tính đa dạng, độc đáo. Xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số sẽ thúc đẩy hình thành các cách thức du lịch mới.

Vì vậy để đạt được mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế đòi hỏi ngành du lịch phát triển các loại hình sản phẩm như du lịch nông nghiệp, chuyển đổi số trong du lịch... 

Ngoài ra, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch. Bên cạnh các công cụ pháp luật, cần tập trung tăng cường công tác thống kê du lịch, chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả thống kê, cung cấp số liệu tốt để phục vụ hiệu quả việc hoạch định chính sách phát triển du lịch. Tăng cường công tác quản lý kinh doanh lữ hành, quản lý hướng dẫn viên, cơ sở lưu trú du lịch... theo quy định đã được phân cấp theo chức năng nhiệm vụ của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch yêu cầu tăng cường việc đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, nhất là chuyên môn về ngoại ngữ, công nghệ. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ để tuyển công chức bổ sung đủ số lượng chỉ tiêu; đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá du lịch trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch. Xây dựng kế hoạch xúc tiến quảng bá trong cả năm và chủ động trong việc chuẩn bị và triển khai kịp tiến độ.

Dẫn đầu thị trường khách đến Việt Nam năm 2023 qua vẫn là Hàn Quốc với xấp xỉ 3,6 triệu lượt người (chiếm 28% tổng lượng khách); tiếp theo là thị trường Trung Quốc với trên 1,74 triệu lượt. Tổng 2 thị trường Hàn Quốc và Trung Quốc chiếm 42% lượng khách quốc tế đến Việt Nam. 

Các thị trường ở châu Âu có mức tăng trưởng tốt như Anh với 48,6%, Pháp xấp xỉ 52%, Đức 48,6%, Tây Ban Nha 90%, Italia 68%,... so với cùng kỳ năm 2022. Có được kết quả này là do Việt Nam đã “mở cửa” chính sách đơn phương miễn thị thực với thời hạn tạm trú lên đến 45 ngày, có hiệu lực từ 15/8/2023.

Tags: