Trái phiếu Chính phủ quý I: Hoàn thành 26,2% kế hoạch cả năm 2023

23:21 16/04/2023

Kho bạc Nhà nước đã phát hành 104,9 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, gấp 2,5 lần lượng phát hành trong quý I/2022, hoàn thành 26,2% kế hoạch cả năm 2023.

Trong tháng 3, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã phát hành 35,4 nghìn tỷ đồng (- 3,1% MoM) trái phiếu chính phủ (TPCP). Thanh khoản hệ thống dồi dào thúc đẩy nhu cầu TPCP với khối lượng đặt thầu gấp 3,5 lần khối lượng gọi thầu.

Tính đến cuối tháng 3, KBNN đã phát hành 104,9 nghìn tỷ đồng TPCP, gấp 2,5 lần lượng phát hành trong quý 1/2022, hoàn thành 97,1% kế hoạch quý 1/2023 và 26,2% kế hoạch cả năm 2023.

Trái phiếu Chính phủ quý I đã hoàn thành 26,2% kế hoạch cả năm 2023
Trái phiếu Chính phủ quý I đã hoàn thành 26,2% kế hoạch cả năm 2023.

Trong các phiên đấu thầu TPCP gần nhất của tháng 3, lợi suất trúng của kỳ hạn 10 năm và 15 năm (chiếm 75% tổng lượng phát hành trong tháng 3) đều giảm khoảng 70 điểm cơ bản so với tháng trước (MoM) xuống lần lượt 3,45% và 3,60% - mức thấp nhất kể từ tháng 9/2022 .

Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp cũng giảm 90 – 115 điểm cơ bản so với tháng trước, nhờ một số yếu tố như thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hạ lãi suất điều hành vào ngày 14/03 và lợi suất trái phiếu toàn cầu giảm.

Vào cuối tháng 3, lợi suất các kỳ hạn 5 năm và 10 năm lần lượt giao dịch mức 2,95% (-93 điểm cơ bản MoM) và 3,24% (-114 điểm cơ bản MoM) - mức thấp nhất kể từ tháng 7/2022.

Lợi suất TPCP tiếp tục giảm nhẹ vào đầu tháng 4 trong bối cảnh lợi suất trái phiếu toàn cầu giảm (đặc biệt là lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ). Tuy nhiên, đà giảm lợi suất TPCP trong nước có thể suy yếu do thanh khoản hệ thống đã thu hẹp so với tháng 3.

Lợi suất giao dịch bình quân của Trái phiếu Chính phủ do KBNN phát hành tăng nhiều nhất ở các kỳ hạn 10-15 năm và 25-30 năm, tăng tương ứng 17,45% và 13,54% so với cùng kỳ tháng trước, hiện đạt mức lợi suất bình quân tương ứng khoảng 4,18% và 4,88%; giảm nhiều nhất ở kỳ hạn 3 năm, 1 năm và 5 năm, giảm tương ứng 10,24%, 7,95% và 7,55% so với cùng kỳ tháng trước, hiện đạt mức lợi suất bình quân tương ứng khoảng 3,6%; 3,66% và 3,47%.

Xét về kỳ hạn giao dịch, các kỳ hạn trung và dài hạn từ 7 năm trở lên là các kỳ hạn được giao dịch nhiều nhất toàn thị trường. Theo đó, được giao dịch nhiều nhất trong tháng là kỳ hạn 10 năm, 15 năm, và 7 năm với tỷ trọng so với tổng giá trị giao dịch toàn thị trường tương ứng là 23,96%; 18,38% và 12,26%.

Trong tháng 3/2023, thị phần giao dịch của khối Ngân hàng thương mại chiếm tương ứng về giá trị giao dịch Outright và Repos so với toàn thị trường là 66,94% và 96,72%, khối Công ty Chứng khoán là 33,06% và 3,28%.

PV (t/h)