Trà Vinh: Triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai đạt hiệu quả

03:01 31/03/2021

Nhằm giảm nhẹ ảnh hưởng từ thiên tai, các cấp ủy Đảng lãnh đạo, chính quyền điều hành đã huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc, tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, tập trung thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai”.

Những năm qua, Trà Vinh đã huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Trước tình hình thiên tai ngày càng phức tạp, khó lường, tình trạng khô hạn, thiếu nước, mặn xâm nhập của năm 2016 và năm 2020, UBND tỉnh chỉ đạo tập trung mọi nguồn lực, bố trí ngân sách Nhà nước và nguồn Quỹ phòng, chống thiên tai của tỉnh để tăng cường đầu tư hạ tầng phục vụ phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai và đảm bảo ổn định sản xuất, sinh hoạt của người dân trong tỉnh. Một số công trình đã đưa vào sử dụng, góp phần giảm nhẹ thiên tai, ổn định cuộc sống cho người dân.

Nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải phân loại hành tím.

Xác định tầm quan trọng của công tác phòng, ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, tỉnh sẽ lãnh đạo thực hiện 05 giải pháp trọng tâm. Trước nhất, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước trong phòng, ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai từ tỉnh đến cơ sở. Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo thường xuyên củng cố, kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh; đồng thời, quan tâm chỉ đạo công tác theo dõi, dự báo, cảnh báo sớm thiên tai. Công tác ứng phó thiên tai trên địa bàn tỉnh thời gian qua thực hiện kịp thời, có hiệu quả, xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch hàng năm về phòng, chống thiên tai, phương án phòng, chống thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh.

Để đạt được kết quả đó, UBND tỉnh ban hành Quy chế hoạt động, hướng dẫn và quản lý sử dụng Quỹ phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh; quy định rõ trách nhiệm đóng góp, quản lý và sử dụng của các sở, ngành, địa phương để thực hiện các hoạt động phòng, ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn tỉnh như: hỗ trợ tu sửa nhà, công trình bị hư hỏng do thiên tai; cứu trợ khẩn cấp về lương thực, nước uống, thuốc chữa bệnh và các nhu cầu cấp thiết khác cho đối tượng bị thiệt hại do thiên tai.

Song song đó, UBND tỉnh Trà Vinh cũng chỉ đạo các sở ngành tỉnh tập trung nâng cao chất lượng và năng lực dự báo, cảnh báo, theo dõi, giám sát thiên tai đảm bảo kịp thời, đủ độ tin cậy, đầu tư hệ thống dự báo khí tượng thủy văn, hệ thống theo dõi, giám sát thiên tai chuyên dùng chuẩn hóa và hiện đại. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 02 trạm cảnh báo tự động (cảnh báo lốc, sét) và 36 trạm, điểm đo quan trắc khí tượng thủy văn phục vụ phòng, chống thiên tai và các tiêu chuẩn về môi trường phục vụ sản xuất, nuôi trồng thủy sản. Trong đó, 14 trạm đo thủ công; 22 trạm, điểm đo tự động, năng lực dự báo khoảng 87%. Đồng thời, tổ chức trang bị 115 cụm loa phục vụ thông tin, cảnh báo thiên tai; tu sửa, nâng cấp hệ thống máy bộ đàm phục vụ chỉ huy, điều hành, ứng phó thiên tai đảm bảo thông tin liên lạc trên địa bàn tỉnh, nhằm phòng, chống thiên tai; thường xuyên cập nhật tình hình diễn biến thiên tai, thời tiết thực tế của tỉnh và theo dõi, đánh giá tác động rủi ro thiên tai đến đời sống, sản xuất của người dân có tính đến tác động của biến đổi khí hậu nhằm phục vụ kịp thời dự báo, cảnh báo, phòng, tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.

Theo đó, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, các ngành phân công rõ ràng, cụ thể nhiệm vụ từng thành viên. Trong đó, có lồng ghép nhiệm vụ phòng thủ dân sự theo đúng quy định, đảm bảo xử lý kịp thời, linh hoạt ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra trên địa bàn tỉnh. Thường xuyên kiểm tra, theo dõi tình hình để chỉ đạo hoặc tham mưu chỉ đạo kịp thời; thành lập, củng cố lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã, hiện toàn tỉnh có 106/106 xã, phường, thị trấn thành lập đội xung kích phòng, chống thiên tai. Đó là lực lượng dân quân tự vệ của địa phương, mỗi đội tối thiểu 80 thành viên; đồng thời, được triển khai kiến thức, pháp luật về phòng, chống thiên tai.  

Thực tế chứng minh, kết quả phòng, chống thiên tai đạt được như thời gian qua là nhờ phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể và Nhân dân trong phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; đã phát huy vai trò tập hợp lực lượng, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia các hoạt động phòng, ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn tỉnh; đặc biệt là lực lượng xung kích tại cơ sở. Việc vận động, tiếp nhận và phân bổ nguồn lực cứu trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân cho công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn tỉnh được thực hiện kịp thời, công khai, minh bạch.

Với những kết quả đạt được cũng như nhiệm vụ tiếp tục thực hiện trong thời gian tới, kỳ vọng những ảnh hưởng từ thiên tai sẽ được hạn chế đến mức thấp nhất, cuộc sống người dân ổn định và phát triển.

PV (tổng hợp)