TP. Hồ Chí Minh nắng nóng kéo dài, dự báo lượng tiêu thụ điện tiếp tục tăng cao tháng 4 và 5/2024

16:41 29/03/2024

Ngày 26/3/2024, TP. Hồ Chí Minh có sản lượng tiêu thụ điện cao nhất tính từ đầu năm, đạt 92,46 triệu kWh, tương ứng với nhiệt độ cao nhất trong ngày là 37độ C, nhiệt độ bình quân trong ngày là 31,2 độ C (cũng là mức cao nhất từ đầu năm).

Đối với mùa khô năm 2024, do hiện tượng El Nino nên thời tiết nắng nóng gay gắt đã bắt đầu từ tháng 3, với nhiệt độ trung bình cao hơn năm trước từ 1–1,5 độ C. Phân tích số liệu sản lượng điện tiêu thụ tại TP. Hồ Chí Minh tính đến ngày 26/3/2024 cho thấy, sản lượng tiêu thụ bình quân đạt 78,13 triệu kWh/ngày, cao hơn 12,02% (tương đương 8,38 triệu kWh/ngày) so với cùng kỳ năm 2023.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Ngày 26/3/2024 có sản lượng tiêu thụ điện cao nhất tính từ đầu năm, đạt 92,46 triệu kWh, tương ứng với nhiệt độ cao nhất trong ngày là 37 độ C, nhiệt độ bình quân trong ngày là 31,2 độ C (cũng là mức cao nhất từ đầu năm). Sản lượng này chỉ thấp hơn 2,34 triệu kWh so với mức tiêu thụ kỷ lục ngày 06/5/2023 (94.8 triệu kWh), tương đương thấp hơn 2,46%.

Sản lượng điện bình quân ngày của 26 ngày đầu tháng 3/2024 là 86,37 triệu kWh/ngày, cao hơn 8,84 triệu kWh so với sản lượng bình quân ngày của tháng 3/2023 (77,54 triệu kWh/ngày). Bình quân nhiệt độ cao nhất trong ngày của tháng 3 (tính đến ngày 26/3) là 35,5oC, cao hơn bình quân nhiệt độ cao nhất trong ngày của tháng 3/2023 khoảng 1,3 độ C.

Tháng 3 thường chưa phải tháng nóng nhất trong năm nhưng đối với tháng 3/2024, nhiệt độ trung bình cũng như nhiệt độ cao nhất trong ngày đã tương đương nhiệt độ tháng nóng nhất năm 2023 (tháng 4/2023, Tmax-bq là 35,4 độ C. Tương ứng, sản lượng bình quân một ngày trong tháng 3/2024 của Thành phố đã tương đương sản lượng bình quân một ngày của tháng 4/2023, là tháng có sản lượng tiêu thụ điện trung bình ngày cao nhất năm 2023.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Phân tích các thành phần phụ tải khách hàng của 02 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023 cho thấy, tiêu thụ điện của khách hàng sinh hoạt (chiếm 49,55% tổng sản lượng) có mức tăng là 11,90%, tăng mạnh hơn nhiều so với nhóm khách hàng ngoài sinh hoạt (tăng 7,32%; chiếm 50,45% tổng phụ tải). Trong nhóm khách hàng ngoài sinh hoạt, sản lượng tiêu thụ điện của nhóm công nghiệp và xây dựng (chiếm 29,49% tổng sản lượng) cũng tăng 6,20%.  

Điều này cho thấy, kinh tế thành phố đang phục hồi và tăng trưởng. Song song đó, khách hàng sinh hoạt đã ngày càng sử dụng nhiều hơn các trang thiết bị điện, nhất là các thiết bị làm mát. Do đó, khi vào mùa nắng nóng, sản lượng tiêu thụ điện của khách hàng sinh hoạt liên tục tăng cao.

Có thể nhận định, trong điều kiện El-Nino, nắng nóng sẽ kéo dài và nền nhiệt tiếp tục tăng cao như dự báo, thì sản lượng điện tiêu thụ của Thành phố cũng sẽ tiếp tục tăng cao trong tháng 4 và 5/2024. Dự báo sẽ có một số ngày sản lượng tiêu thụ điện sẽ vượt trên 95 triệu kWh/ngày, lập kỷ lục mới về tiêu thụ điện tại TP. Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, dự báo tiêu thụ điện cả nước sẽ tiếp tục tăng từ nay đến tháng 6, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị thành viên triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, khẩn trương để đảm bảo cung cấp điện cho cả nước.

Theo thông tin từ Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh, nguồn điện cung cấp cho TP. Hồ Chí Minh chịu sự điều tiết chung của Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia. Hiện nay, Thành phố đang được ưu tiên đảm bảo đủ nguồn điện. Tuy nhiên, để đảm bảo vận hành hệ thống được an toàn và chia sẻ với cả nước, cần tăng cường tuyên truyền vận động tiết kiệm điện và sẵn sàng các phương án điều tiết khi có yêu cầu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Phân tích biểu đồ công suất điện theo giờ, khung giờ cao điểm sử dụng điện tại TP. Hồ Chí Minh là từ 13h-16h và 20h-22h30. Để nâng cao hiệu quả sử dụng điện, cần tuyên truyền và triển khai các giải pháp giảm tiêu thụ điện trong các khung giờ này, hoặc dịch chuyển sử dụng sang các khung giờ thấp điểm khác.  

Theo các chuyên gia khuyến cáo, người dân nên chọn máy lạnh có công suất phù hợp với nhu cầu sử dụng. Ví dụ, phòng ngủ của hộ gia đình có diện tích 10-15 m2 thì sử dụng máy lạnh 1 HP, diện tích 30-37 m2 nên sử dụng máy lạnh 2 ngựa.

Bên cạnh đó, các hộ gia đình cũng nên sử dụng máy lạnh có công nghệ tiết kiệm điện, dán nhãn tiết kiệm điện 5 sao, gắn máy lạnh đúng kỹ thuật. Trường hợp không sử dụng máy lạnh nên tắt nguồn điện. Khi ra khỏi phòng chỉ khoảng 30 phút thì không nên tắt máy bởi khi khởi động lại máy sẽ tiêu hao năng lượng điện nhiều hơn.

Vệ sinh máy lạnh thường xuyên không chỉ tiết kiệm điện hiệu quả mà còn tăng tuổi thọ cho máy
Vệ sinh máy lạnh thường xuyên không chỉ tiết kiệm điện hiệu quả mà còn tăng tuổi thọ cho máy.

Trường hợp sử dụng máy lạnh thường xuyên cần vệ sinh định kỳ ba tháng/lần. Việc vệ sinh máy lạnh thường xuyên không chỉ tiết kiệm điện hiệu quả mà còn tăng tuổi thọ cho máy. Nhiệt độ máy lạnh luôn để ở mức 26 độ C trở lên, nếu cài nền nhiệt quá thấp sẽ gây tiêu hao điện quá lớn. Mỗi khi nhiệt độ bên ngoài tăng dao động 1 độ C, các thiết bị điều hòa nhiệt độ, điển hình là máy lạnh sẽ có thể tăng từ 2 đến 3% công suất tiêu thụ điện dẫn đến tiền điện tăng cao so với trung bình sử dụng của những tháng khác trong năm, ảnh hưởng đến chi phí sinh hoạt trong gia đình.

Uyển Nhi