TP. Hồ Chí Minh kiến nghị tăng thu thuế căn nhà thứ 2

11:17 06/02/2023

Trong dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 vừa gửi lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định trước khi trình Chính phủ, UBND TP. Hồ Chí Minh kiến nghị tăng thu thuế nhà, đất mà người sở hữu không trực tiếp sử dụng hoặc có nhà, đất thứ hai trở lên.

Ảnh minh họa
TP. Hồ Chí Minh kiến nghị tăng thu thuế căn nhà thứ 2 (Ảnh minh họa).

Cụ thể, UBND TP. Hồ Chí Minh đề xuất 2 phương án thu thuế nhà, đất thứ hai. Theo đó, phương án một, TP. Hồ Chí Minh kiến nghị thí điểm thu thuế nhà và đất ở mà người sở hữu không trực tiếp sử dụng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ quy định mức thuế, phương pháp tính và thời gian áp dụng.

Còn phương án thứ hai, TP. Hồ Chí Minh đề xuất tăng mức thu liên quan đến nhà, đất thứ hai trở lên. Trong đó, thu lệ phí trước bạ khi mua, nhận chuyển nhượng; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng nhà, đất thứ hai trở lên.

Mức tăng do Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh quyết định, gồm thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đối với đất ở (không quá 5 lần mức hiện hành) và thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng nhà đất thứ hai trở lên (không quá 2 lần mức hiện hành); tăng tỷ lệ thu lệ phí trước bạ khi mua, nhận chuyển nhượng nhà đất thứ hai trở lên từ mức 0,5% giá trị chuyển nhượng lên mức 2%, và mức tối đa chuyển nhượng một hồ sơ từ mức 500 triệu đồng lên một tỷ đồng.

100% số thu tăng thêm từ các khoản thu thuế nhà đất thứ hai trở lên sẽ nộp vào ngân sách thành phố để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội, không dùng để xác định tỷ lệ phần trăm các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và thành phố cho đến hết thời gian thực hiện nghị quyết.

Theo UBND TP. Hồ Chí Minh, hai phương án trên nếu được chấp thuận thực hiện sẽ hạn chế đầu cơ bỏ hoang nhà, đất trong dự án bất động sản, gây lãng phí nguồn lực xã hội. Ngoài ra, đây cũng là cơ sở để xây dựng chính sách chung sau này.

Bên cạnh kiến nghị tăng thu thuế liên quan đến nhà đất, dự thảo này cũng đề xuất cơ chế, chính sách trên 7 lĩnh vực, gồm: Tài chính ngân sách; quản lý đầu tư; đô thị, tài nguyên môi trường; ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy, phân cấp, phân quyền…; cơ chế phân cấp, phân quyền, ủy quyền và tổ chức bộ máy TP. Thủ Đức... Theo quy trình, sau khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét và cho ý kiến, dự thảo sẽ được gửi lên Chính phủ để trình Quốc hội.

T.H