TP. HCM: Sản xuất công nghiệp khởi sắc nhưng doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn

17:22 05/05/2023

Theo Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh, sản xuất công nghiệp trong tháng 4/2023 có khởi sắc hơn so với tháng trước, nhưng doanh nghiệp vẫn phải đối diện nhiều khó khăn như thiếu đơn hàng, công nhân thiếu việc làm, áp lực trả lãi vay ngân hàng...

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 4/2023 tăng 3% so với tháng trước và tăng 8,1% so với cùng kỳ. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, chỉ số IIP trên địa bàn thành phố tăng 1,4% so với cùng kỳ.

Đối với ngành công nghiệp cấp II, có 19/30 ngành có chỉ số sản xuất công nghiệp 4 tháng năm 2023 tăng so với cùng kỳ. Một số ngành có mức tăng cao như sản xuất xe có động cơ tăng; sản xuất phương tiện vận tải khác; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị; công nghiệp chế biến, chế tạo khác...

Còn đối với 4 ngành công nghiệp trọng điểm, chỉ số sản xuất công nghiệp trong 4 tháng đầu năm 2023 tăng 4,3% so với cùng kỳ; trong đó, ngành hóa dược tăng 12,6%; cơ khí tăng 4,3%; sản xuất hàng điện tử giảm 0,6%; lương thực thực phẩm và đồ uống giảm 0,8%.

Cụ thể, ngành gỗ là một trong những ngành có tín hiệu tăng tốt trở lại trong những tháng gần đây. Mặc dù vậy, doanh nghiệp đang gặp khó khăn hàng đầu về vấn đề tài chính như dòng tiền và lãi suất làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp khi chuẩn bị đơn hàng lớn.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Dự báo tình hình xuất khẩu cuối năm của ngành gỗ không phải là nhiều điểm sáng nhưng có tiến triển tích cực nên doanh nghiệp cần tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Cùng với giải quyết điểm nghẽn về dòng tiền thì lĩnh vực thúc đẩy xúc tiến thương mại là quan trọng bởi thông qua đây doanh nghiệp có thể nghiên cứu thị trường, xây dựng cơ sở dữ liệu khách hàng... 

Hơn thế nữa, doanh nghiệp ngành giấy gặp khó khăn về nguyên liệu thu mua trong nước từ những đơn vị siêu nhỏ và nhỏ lẻ nên vướng cơ chế chứng minh và hoàn thuế. Điều này khiến doanh nghiệp không được hoàn thuế, không được tính vào chi phí sản xuất và mất thời gian đảm bảo chứng từ đầu vào nhưng gần như không thể thực hiện. 

Bên cạnh sự đồng hành của sở, ngành, mỗi doanh nghiệp cần tự nhận dạng xu hướng công nghệ, đối sánh với sản phẩm và công nghệ hiện có để định hướng phát triển sản xuất kinh doanh trong thời gian tới là vấn đề vô cùng cấp thiết. Ngoài ra, cộng đồng doanh nghiệp có thể phối hợp cùng chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước... góp phần vào sự phát triển hệ sinh thái công nghiệp đáp ứng xung hướng mới của ngành theo hướng bền vững.

Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh đang phối hợp liên ngành và nhiều tổ chức, cá nhân, xây dựng “Định hướng phát triển công nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Từ đó, thành phố sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu ngành công nghiệp, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong sản xuất công nghiệp...

Ngọc Phi (th)