TP.HCM giải bài toán an sinh xã hội như nào khi doanh nghiệp cắt giảm lao động?

16:52 09/03/2023

Báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp Tp.HCM (HUBA) gửi UBND Tp.HCM ngày 3/3 đưa ra số liệu, 83% doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Nhiều doanh nghiệp đang dừng ký hợp đồng lao động với số lượng lớn. Điều này xảy ra là bất thường so với các năm trước.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Đầu tháng 3/2023, nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM phải giảm quy mô lao động, cho công nhân nghỉ luân phiên. Các lý do được đưa ra như: Vì không có đơn hàng dự trữ. Vì các yếu tố khó khăn là thị trường bị thu hẹp (41,2%), hàng tồn kho nhiều (30,1%), giá nguyên liệu đầu vào tăng (17,6%), khó tiếp cận nguồn vốn (40%), lãi suất vay cao (43%), thủ tục vay vốn phức tạp và tốn nhiều thời gian (38,2%)…

Hay “do biến động trái phiếu và kiểm soát tín dụng chặt chẽ cho thấy nền kinh tế đang bị thiếu thanh khoản. Nhà đầu tư có dấu hiệu suy giảm niềm tin vào một số ngân hàng nên khả năng huy động vốn sụt giảm, nguồn vốn bị thu hẹp. Chính sách hỗ trợ lãi vay 2% ít khả thi, khó thực hiện vì doanh nghiệp lo ngại về thủ tục giấy tờ và thanh kiểm tra”, báo cáo của HUBA nêu nguyên nhân.

Đáng chú ý, số doanh nghiệp có mức lương bình quân trên 10 triệu đồng/tháng giảm từ 80% của quý II/2022 xuống còn 65% trong quý I/2023.

Tại cuộc họp về kinh tế - xã hội trên địa bàn Tp.HCM về 2 tháng đầu năm 2023, TS.Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Tp.HCM, cho biết, sau Tết Nguyên đán 2023, nhiều doanh nghiệp sa thải diện rộng do bất an về kinh tế vĩ mô, chính trị, chuỗi cung ứng cắt giảm hàng hóa.

“Xu hướng này đang tạo gánh nặng an sinh cả về kinh tế và xã hội cho thành phố. Trong đà giảm kinh tế, nếu các vấn đề xã hội không được quan tâm sẽ dễ trở thành vấn đề an ninh trật tự, xã hội", ông Vũ nói.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Phân tích trên Người Đưa Tin, TS. Trần Thị Hồng Minh, chuyên gia kinh tế nhận định, rủi ro suy thoái toàn cầu năm 2023 đã gia tăng đáng kể khi tình hình thế giới có nhiều biến động kéo dài.

Vì thế, việc xử lý tác động đa chiều, đa tầng của các xu hướng này đối với tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng xuất khẩu và lạm phát của Việt Nam sẽ đòi hỏi phải theo dõi các kịch bản, đồng thời thực hiện thận trọng, linh hoạt các công cụ chính sách kinh tế vĩ mô.

“Khó khăn về đơn hàng xuất khẩu trong những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023 cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc làm của một bộ phận người lao động. Trong bối cảnh ấy, duy trì sự tham gia lao động, đồng thời tạo dựng kỹ năng để người lao động thích ứng với những ngành nghề, hoạt động kinh tế mới sẽ là một yêu cầu quan trọng, song không dễ thực hiện”, bà Minh đánh giá.

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, để tháo gỡ các khó khăn kinh tế, một trong lĩnh vực thành phố ưu tiên giải quyết thời gian tới là bất động sản bởi tác động lan toả sẽ rất lớn.

Đối với người mất việc, ngừng việc, lãnh đạo thành phố đề nghị Sở Lao động, Thương binh và Xã hội khẩn trương giới thiệu việc làm. Ông Mãi cho rằng, đây cũng là cơ hội để "biến nguy thành cơ" bằng cách đào tạo chuyển đổi nghề cho công nhân, nâng chất nguồn nhân lực cho các ngành mà thành phố đang định hướng phát triển.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh ghi nhận, Thành phố Hồ Chí Minh luôn quan tâm, tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho mọi người tham gia bảo hiểm xã hội, giúp cho việc phát triển đối tượng tham gia xã hội năm sau cao hơn năm trước. Theo bà Nguyễn Thúy Anh lưu ý thành phố cần quan tâm thêm công tác quản lý lao động, hỗ trợ doanh nghiệp; các vấn đề về thỏa ước lao động tập thể, rút bảo hiểm xã hội một lần; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các đơn vị, doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội; giải quyết chế độ, chính sách xã hội; chuyển đổi số ứng dụng công nghệ thông tin...

Hồng Thắm (T.h)