Toyota phát triển công nghệ mới hứa hẹn sẽ giảm giá thành pin xe điện

10:02 05/07/2023

Pin dạng rắn mới của Toyota có thể giảm thời gian sạc xuống còn tối đa 10 phút. Mỗi lần sạc, xe điện có thể di chuyển quãng đường đến 1.200 km

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Toyota mới đây tuyên bố đã đơn giản hóa thành công việc sản xuất nguyên liệu chế tạo pin rắn. Xe điện sử dụng pin rắn với công nghệ mới sẽ được tung ra thị trường vào 2025, Guardian đưa tin.

Hãng ôtô Nhật Bản cho biết, công nghệ đột phá này là bước nhảy vọt có thể cắt giảm đáng kể thời gian sạc pin, đồng thời tăng dung lượng của pin giúp xe có thể di chuyển xa hơn cho mỗi lần sạc.

Keiji Kaita, Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu và phát triển về trung hòa carbon của Toyota, cho biết: “Đối với cả pin thể lỏng và thể rắn, chúng tôi đang hướng tới mục tiêu thay đổi mạnh mẽ tình trạng pin hiện tại có kích thước quá lớn, nặng nề và đắt đỏ. Về mặt tiềm năng, chúng tôi đặt mục tiêu giảm một nửa tất cả các yếu tố này”.

Ông nói việc đơn giản hóa quy trình sản xuất vật liệu pin sẽ giúp giảm chi phí cho công nghệ thế hệ tiếp theo.

Theo ông Kaita, pin dạng rắn mới của Toyota có thể giảm thời gian sạc xuống còn tối đa 10 phút. Mỗi lần sạc, xe điện có thể di chuyển quãng đường đến 1.200 km. Con số được xem là cách mạng của ngành xe điện hiện nay.

Pin thể rắn từ lâu đã được các chuyên gia trong ngành đánh giá là công nghệ hứa hẹn nhất để giải quyết các hạn chế về pin xe điện hiện nay như thời gian sạc, công suất và nguy cơ bắt lửa. Pin thể rắn sử dụng lớp điện ly dạng rắn như sứ, thủy tinh hoặc polymer, thay cho dung dịch điện ly dễ cháy được sử dụng trong pin lithium-ion. Pin thể rắn cũng sử dụng kim loại lithium ở cực dương thay vì than chì, tiêu chuẩn hiện tại trong pin lithium-ion.

Các công nghệ thể rắn sẽ giúp nâng cao mật độ năng lượng và độ an toàn của pin so với pin lithium-ion thông thường. Tuy vậy đến nay, sản xuất pin dặng rắn đòi hỏi công nghệ và chi phí cao hơn, làm hạn chế khả năng ứng dụng thương mại.

Toyota cho biết, việc đơn giản hóa quy trình sản xuất sẽ giúp chế tạo pin dạng rắn dễ dàng và rẻ hơn pin lithium-ion hiện nay.

Chiến lược của Toyota và hãng con Lexus hiện tại là bán khoảng 3,5 triệu xe điện tính đến hết 2030. Từ nay đến mốc thời gian ấy, hãng sẽ giới thiệu tổng cộng 30 mẫu xe điện mới chạy pin.

Ngoài ra, với Toyota, xe điện không phải là giải pháp duy nhất cho tương lai không phát thải.

"Kẻ thù là carbon, không phải động cơ đốt trong. Đây là cách để hướng đến mục tiêu trung hòa carbon đầy thách thức của tương lai", ông Akio Toyoda, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Ô tô Toyota nói.

Toyota chọn con đường đi đến mục tiêu trung hòa carbon là định hướng tiếp cận đa chiều.

Vì vậy, hãng xe Nhật phát triển nhiều giải pháp hướng tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, bao gồm: xe điện chạy bằng pin, sạc ngoài (BEV) hoặc pin nhiên liệu (FCEV); xe chạy bằng hydro; xe hybrid.

Thu Phương (t/h)