Tôm tiếp tục là con "át chủ bài" trong nhóm xuất khẩu thủy sản

23:55 07/02/2022

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu khoảng 3,8 tỉ USD/năm, đứng thứ 3 thế giới sau Ấn Độ và Ecuador.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Trong 5 năm qua, xuất khẩu tôm Việt Nam tăng trưởng 5%/năm. Kim ngạch xuất khẩu tôm chiếm khoảng 45% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản. VASEP đánh giá triển vọng ngành tôm đến năm 2025, xuất khẩu tôm đạt kim ngạch 5,6 tỉ USD, tăng trưởng 9% hàng năm, tiếp tục là con "át chủ bài" trong nhóm xuất khẩu thủy sản.

Diện tích nuôi tôm của Việt Nam trên 740.000ha, sản lượng đạt trên 900.000 tấn/năm, tập trung ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (trên 80%). Nhấn mạnh về khả năng tăng trưởng của ngành tôm, VASEP cho rằng, các thị trường chính như Hoa Kỳ (20-23%), Nhật Bản (16-18%), châu Âu - EU (15-20%), Trung Quốc (13-15%), Hàn Quốc (9-10%)... là những lợi thế không nhỏ đối với xuất khẩu tôm của Việt Nam.

Các doanh nghiệp thủy sản cũng kỳ vọng xuất khẩu tôm sang Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tăng mạnh trong năm 2022 khi nhu cầu của Hoa Kỳ tăng, trong khi đó, nước xuất khẩu tôm vào thị trường Hoa Kỳ là Ấn Độ gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19.

Điều đáng nói là, Hoa Kỳ đã tạo nên một kỷ lục mới về sản lượng lẫn kim ngạch nhập khẩu tôm, với 7 tỉ USD và sản lượng trên 750.000 tấn. Trong đó, tôm Ấn Độ giữ vị trí hàng đầu (36-38%), tôm Indonesia xếp vị trí thứ hai (18-20%), Ecuador thứ ba suýt soát Indonesia. Tôm Việt xếp hạng thứ năm với thị phần chưa tới 10%. Như vậy, thị phần tôm sang thị trường Hoa Kỳ còn rất lớn và Việt Nam phải tận dụng được các ưu thế của riêng mình.

Lâm Nghi