Tốc độ tăng trưởng của ngành công nghệ AI ở Trung Quốc lên tới hơn 20%/năm

15:54 10/04/2023

Số hóa công nghiệp, các ứng dụng AI tạo ra, bao gồm ChatGPT, đã thúc đẩy sự phát triển AI ở Trung Quốc. Ngành công nghiệp AI nước này đang chứng kiến tốc độ tăng trưởng lên tới hơn 20%/năm.

Ảnh minh họa
Nhiều công ty Trung Quốc đã tích cực tham gia vào lĩnh vực AI.

Công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu (IDC) dự báo, đến năm 2026, ngành công nghiệp trí tuệ nhân tạo (AI) của Trung Quốc có thể đạt giá trị tới 26 tỷ USD.

Công ty này cũng nhận định ngành công nghiệp trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc đang chứng kiến tốc độ tăng trưởng lên tới hơn 20%/năm.

Theo IDC, chi tiêu cho AI của Trung Quốc trong năm nay sẽ đạt 14,75 tỷ USD, chiếm 10% tổng chi tiêu của thế giới cho lĩnh vực này, với tốc độ phát triển hơn 20%/năm trong giai đoạn 2021 - 2026.

Theo dự đoán của IDC, trong giai đoạn dự báo 5 năm, chi tiêu chính trong lĩnh vực AI vẫn sẽ đến từ những người dùng trong ngành, trong lĩnh vực dịch vụ chuyên nghiệp, tiếp theo là chính phủ và các ngành tài chính, chiếm hơn một nửa tổng thị trường. Các ngành phát triển nhanh nhất là ngân hàng và chính quyền địa phương, với tốc độ tăng trưởng kép 5 năm vượt quá 23%. Cụ thể hơn, trong lĩnh vực dịch vụ chuyên nghiệp, AI có thể được sử dụng rộng rãi trong tìm kiếm và đề xuất, tiếp thị quảng cáo,... 

Hiện nay, ChatGPT đã được nhúng trong tìm kiếm Bing, mang đến nhiều tính năng thông minh và nhân bản hơn, cải thiện trải nghiệm tìm kiếm của người dùng và mang lại hiệu quả tìm kiếm ý tưởng mới cho thị trường Trung Quốc. Trong cơ quan nhà nước, công nghệ chủ yếu được sử dụng trong an ninh công cộng, quản lý đô thị và dịch vụ xã hội. Thông qua nhận dạng khuôn mặt và các công nghệ liên quan đến dữ liệu lớn, các rủi ro bảo mật tiềm ẩn sẽ được xác định. Ngoài ra, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo còn có thể thực hiện kiểm tra nhân sự khi xử lý công việc kinh doanh để nâng cao hiệu quả công việc. Các ứng dụng chính trong ngành tài chính bao gồm quản lý rủi ro, phát hiện gian lận, phân tích đầu tư,... Với sự tiến bộ không ngừng của con người kỹ thuật số, mô hình dịch vụ của ngành tài chính cũng sẽ được định hình lại.

IDC cũng nhận định lạc quan về khả năng mở rộng thị trường AI của Trung Quốc trong dài hạn, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cải tiến công nghệ AI nhằm tăng hiệu quả ứng dụng. Bên cạnh đó, sự tích cực của các doanh nghiệp đối với quá trình chuyển đổi số cũng sẽ kích thích nhu cầu đa dạng tại thị trường Trung Quốc.

Trên thị trường vốn, các công ty AI ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Hàng Châu, Thâm Quyến hấp dẫn hàng đầu thế giới. Trong 7 năm gần đây, TP Bắc Kinh thu hút vốn hơn 6.700 tỷ nhân dân tệ đầu tư vào AI, tương đương 1.000 tỷ USD. Tiếp đến là Thượng Hải, 641 tỷ USD. Trung Quốc hiện có hơn 600.000 công ty liên quan đến AI, tăng hơn gấp đôi so với 7 năm trước. 

ChatGPT - chatbot ứng dụng AI của công ty OpenAI (Mỹ) - đang tạo ra một “cơn sốt” trên phạm vi toàn cầu. Trong bối cảnh đó, hàng loạt công ty công nghệ Trung Quốc như Baidu và Alibaba,... mới đây đã công bố các dự án tương tự nhằm cạnh tranh với đối thủ, trước mắt là sẽ phục vụ cho thị trường nội địa khổng lồ.

Trường Đại học Phúc Đán Thượng Hải công bố giữa tháng 4 này sẽ ra mắt Moss - một ứng dụng nguồn mở giống ChatGPT. Mô hình này còn có thể tích hợp thương mại điện tử, giáo dục, y tế.

Thu Trang (t/h)