Tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam đang giảm

16:15 15/11/2022

Chia sẻ tại Hội nghị “Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam: Kết quả, bài học và định hương tương lai" sáng 15/11, TS Cấn Văn Lực nhận định tốc độ tăng năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam đang giảm, nhất là sau dịch COVID-19, mặc dù chuyển đổi số diễn ra khá nhanh.

TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, năng lực chống chịu của nền kinh tế Việt Nam ở mức trung bình – khá, trong khi, rủi ro và thách thức là khá lớn. Bởi vậy, ưu tiên quốc gia đối với cải cách kinh tế và phát triển bền vững ở Việt Nam trong giai đoạn mới là vấn đề hết sức quan trọng.

Từ năm 2011 đến nay, Chính phủ đã đưa ra một số chiến lược quan trọng thông qua việc ban hành Quyết định 749/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030“; Chiến lược tăng trưởng xanh 2021-2030; Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050 và chuẩn bị ban hành Quy hoạch điện VIII. 

Ảnh minh họa
TS Cấn Văn Lực chia sẻ tại Hội nghị “Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam: Kết quả, bài học và định hương tương lai". 

Để thực hiện được các mục tiêu chiến lược, Chính phủ đã ưu tiên 4 cải cách kinh tế, bao gồm:Tăng năng suất lao động, thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững, vượt qua bẫy thu nhập trung bình; cải cách, nâng cao chất lượng thể chế (chú trọng phối hợp chính sách và thực thi).

Cùng với đó là nâng cao tính độc lập, tự chủ, tự cường và sức chống chịu của nền kinh tế; tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn gắn tăng năng lực thích ứng biến đổi khí hậu.Đồng thời, tăng NSLĐ, thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững, vượt qua bẫy thu nhập trung bình.

Theo TS Cấn Văn Lực, Việt Nam có tốc độ tăng NSLĐ giai đoạn 2011-2020 là 4,87%, cao hơn mức trung bình của ASEAN (3,11%), nhưng thấp hơn mức tăng của Trung Quốc (7%) và Ấn Độ (6%).

“NSLĐ Việt Nam vẫn còn thấp và tốc độ đang giảm. NSLĐ 2020 của Việt Nam thấp hơn 7 lần so với Malaysia; 4 lần so với Trung Quốc; 3 lần so với Thái Lan; 2 lần so với Philippines và 26 lần so với Singapore. Tốc độ tăng NSLĐ của Việt Nam đang giảm, nhất là sau dịch COVID-19, mặc dù chuyển đổi số diễn ra khá nhanh trong 3 năm qua: Năm 2019 tăng 6,28%; năm 2020 tăng 4,92%; năm 2021 chỉ tăng 4,71% và năm 2022 dự báo tăng khoảng 4%”, ông Lực nhấn mạnh.

Cũng theo ông Lực, sau hơn 35 năm đổi mới, hệ thống pháp luật của Việt Nam ngày càng được hoàn thiện, môi trường đầu tư ngày càng minh bạch, chất lượng dịch vụ công ngày càng nâng cao. Chỉ số phát triển chính phủ điện tử (EGDI) của Việt Nam năm 2020 xếp hạng 86/193 quốc gia với 0,6667 điểm, tăng 2 bậc so với năm 2018, được xếp vào nhóm nước có chỉ số EGDI cao.

Tuy nhiên, thể chế và hệ thống pháp luật của Việt Nam vẫn tồn tại những mâu thuẫn, thiếu nhất quán, thiếu ổn định, chưa đáp ứng kịp theo yêu cầu thực tiễn. Còn nhiều luật, quy định liên quan đến phát triển kinh tế số, tài chính số, giao dịch điện tử, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, chuyển đổi năng lượng sạch… chưa được ban hành.

Môi trường đầu tư - kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam vẫn cần tiếp tục cải thiện. Môi trường đầu tư - kinh doanh của Việt Nam mới xếp thứ 70/190 quốc gia (theo World Bank, năm 2020) và năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam mới xếp thứ 67/141 (theo Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), năm 2020).

Nền kinh tế của Việt Nam có độ mở lớn, hội nhập sâu rộng với kim ngạch xuất nhập khẩu tương đương 184% GDP năm 2021 (xếp thứ 11/174 các quốc gia trên thế giới) và phụ thuộc khá nhiều vào khối FDI (xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI chiếm 72% kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu chiếm 65,6% tổng kim ngạch cả nước).

Bên cạnh đó, trình độ phát triển công nghiệp hỗ trợ và mức độ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu vẫn ở mức thấp. Cơ cấu năng lượng của Việt Nam hiện chưa thực sự bền vững khi tập trung nhiều vào than và các sản phẩm dầu.Việt Nam cũng là một trong số những quốc gia dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu, đặc biệt là chưa chuẩn bị kỹ để đối phó với các hiện tượng cực đoan, nhiệt độ nóng hơn và mực nước biển dâng. Chỉ tính riêng năm 2020, ước tính Việt Nam đã thiệt hại khoảng 10 tỷ USD (3,2% GDP) do tác động của biến đổi khí hậu.

“4 cải cách kinh tế mà Chính phủ ưu tiên có thể giúp Việt Nam đạt mục tiêu phát triển nhanh, bền vững và bao trùm. Tuy nhiên, cần có mục tiêu cụ thể, với những giải pháp, điều kiện (nguồn lực) và lộ trình thực hiện đối với mỗi ưu tiên cải cách kinh tế này”, ông Lực khuyến nghị.

Hoài Anh