TS. Cấn Văn Lực: Thách thức của tăng trưởng còn rất lớn trong 6 tháng cuối năm

15:55 01/07/2022

TS. Cấn Văn Lực cho rằng, những thách thức lớn nhất của tăng trưởng năm 2022 vẫn còn rất lớn trong 6 tháng cuối năm, nhất là khi áp lực lạm phát đang tăng cao, đe doạ sự ổn định của kinh tế vĩ mô.

Ảnh minh họa
TS. Cấn Văn Lực 

Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2022 tăng 0,69% so với tháng trước; tăng 3,18% so với tháng 12/2021 và tăng 3,37% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân quý II/2022 tăng 2,96% so với quý II/2021. Bình quân 6 tháng đầu năm, CPI tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,25%.

Như vậy, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng mạnh so với năm 2021. Dù CPI bình quân quý II hiện vẫn đang ở mức khá thấp, chưa đến 3%, song theo ông Lực, từ nay đến cuối năm, chỉ số này nhiều khả năng sẽ tăng mạnh. Tính chung cả năm, CPI có thể ở mức 3,8 - 4,2% vượt trần đã đề ra của Chính phủ. Sang năm 2023, chỉ số này sẽ vẫn ở mức 4%.

Ông Cấn Văn Lực cho rằng, sở dĩ lạm phát của Việt Nam trong quý II và đầu năm 2022 còn ở mức thấp là do có độ trễ đối với thế giới và trong nước. Hiện lạm phát của thế giới đã tăng ở mức rất cao.

Tại Mỹ, lạm phát đã cán mốc 8,6% trong tháng 5 vừa qua, cao nhất kể từ năm 1981 đến nay trong bối cảnh giá lương thực và xăng dầu tăng chóng mặt và chưa có dấu hiệu gì hạ nhiệt. Bộ Lao động Mỹ công bố các dữ liệu mới cho thấy lạm phát tăng mạnh do giá các loại nhiên liệu tăng 34,6% và giá thực phẩm thiết yếu tăng 11,9% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1979. Đáng nói, nhiều khả năng lạm phát tại Mỹ sẽ lên tới 9% vào tháng 6.

Lạm phát và giá xăng dầu thế giới liên tục tăng cao đang gây áp lực lớn đối với tình hình  trong nước qua giá xăng dầu và hoạt động xuất nhập khẩu.

Bên cạnh đó, lạm phát tại Việt Nam cũng có độ trễ nhất định do những yếu tố như lương cơ bản, giá các loại dịch vụ chưa tăng ngay ở thời điểm này mà phải đợi thêm vài tháng nữa mới tăng, ông Lực nhận định.

Bên cạnh lạm phát, ông Lực cũng chỉ ra các thách thức khác của kinh tế Việt Nam từ nay đến cuối năm 2022 như nợ công tăng cao, thâm hụt ngân sách tăng.

Đáng chú ý, giải ngân vốn đầu tư công vốn được coi là một trong những động lực của tăng trưởng thì hiện vẫn rất chậm. Tỷ lệ ước giải ngân vốn kế hoạch 6 tháng đầu năm 2022 đạt 27,75% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 (29,02%).

Tuy vậy, ông Lực cũng chỉ ra 4 động lực của tăng trưởng kinh tế nửa cuối năm. Thứ nhất, về phía cung, sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn tăng trưởng mạnh. 

Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2022 ước tính tăng 8,48% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 6,97%; quý II tăng 9,87%). Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,66% (quý I tăng 7,72%; quý II tăng 11,45%), đóng góp 2,58% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

Ngành dịch vụ, du lịch cũng có những bước hồi phục mạnh mẽ sau dịch. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Sáu năm 2022 ước đạt 471,8 nghìn tỷ đồng, tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 27,3% so với cùng kỳ năm trước; quý II/2022 ước đạt 1.395,1 nghìn tỷ đồng, tăng 5,5% so với quý trước và tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước.

Về phía cầu, xuất khẩu tăng trưởng tốt. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 6/2022 ước đạt 32,65 tỷ USD, tăng 5,6% so với tháng trước; quý II/2022 ước đạt 96,8 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước và tăng 8,7% so với quý I/2022; 6 tháng ước đạt 185,94 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước.

Kinh tế tăng trưởng tốt cũng thể hiện ở lực lượng doanh nghiệp phục hồi, lượng doanh nghiệp thành lập mới, quay trở lại thị trường tăng mạnh.

Theo ông Lực, với tác động của chương trình phục hồi kinh tế của Chính phủ, các doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội phục hồi và phát triển trong giai đoạn tới. Nếu ổn định được kinh tế vĩ mô, mức tăng trưởng GDP như đã đề ra của Chính phủ là khả thi.

An Thảo

Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập số Xuân Giáp Thìn 2024
Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập số tháng 11.2023: Chuyên đề "Cần Thơ vùng đất chín Rồng cất cánh"
Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập số tháng 9+10: “Tết doanh nhân” nhận quà đặc biệt
Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập số 36-39 Tháng 7, 8 năm 2023

 

 

 

Ảnh minh họa

 

Ảnh minh họa

 

 

 

 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa