Tín hiệu vui từ công tác giảm thiểu tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết tại Lào Cai

10:52 25/12/2023

Tình trạng tảo hôn giảm mạnh, không còn kết hôn cận huyết, đây là những thành quả đáng ghi nhận mà chính quyền và nhân dân tỉnh Lào Cai đã đạt được.

Tuy còn nhiều khó khăn nhưng với nhiều giải pháp thiết thực được triển khai, đời sống người dân vùng dẻo cao Lào Cai sẽ ngày càng được cải thiện trong thời gian tới.

Tin vui từ bản làng

Ngay từ đầu năm 2023, Lào Cai đã đặt mục tiêu không còn hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số, giảm 30% số người dân tộc thiểu số tảo hôn; giảm 30% phụ nữ dân tộc thiểu số dưới 18 tuổi sinh con lần đầu so với năm 2022.

Thực tế theo báo cáo của các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn, năm 2023 Lào Cai không còn xảy ra hôn nhân cận huyết thống. Theo chỉ tiêu giao, trên địa bàn tỉnh Lào Cai chỉ còn 112 người tảo hôn (tương ứng 67,88% so với năm 2022), đạt chỉ tiêu UBND tỉnh đề ra.

Ảnh minh họa
Trong những năm gần đây tỉnh Lào Cai thường xuyên chú trọng chăm lo đời sống vật chất cho đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh. Ảnh: ND.

Nhìn lại thời gian cách đây chỉ vài năm, tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thật sự đáng ngại khi đẩy người dân nơi đây vào đói nghèo, bệnh tật, làm suy thoái thế hệ tương lai. Còn nhớ câu chuyện buồn ở thung lũng Láo Lý (TP Lào Cai), cả thôn không thành lập được Chi hội người cao tuổi, bởi chỉ một người bước qua được tuổi 60; suốt 10 năm chỉ có duy nhất một thanh niên đủ chiều cao, cân nặng để trúng tuyển nghĩa vụ quân sự. Tất cả xuất phát từ quan niệm lấy chồng, lấy vợ trong họ tộc thì tài sản sẽ không thất thoát ra ngoài và được họ hàng gia đình hai bên yêu thương, đùm bọc.

Những suy nghĩ tưởng chừng đơn giản của đồng bào dân tộc đã ăn sâu vào nếp sống, khó lòng thay đổi. Bởi vậy để có được chuyển biến tích cực trên, chính quyền tỉnh Lào Cai đã nỗ lực vượt nhiều trở ngại khó khăn, đưa ra nhiều giải pháp thiết thực.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng các Mô hình điểm can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn và giảm số phụ nữ dân tộc thiểu số dưới 18 tuổi sinh con theo Kế hoạch số 142 của UBND tỉnh. Tăng cường đổi mới các hoạt động tại Mô hình để thu hút nhân dân tham gia, nhất là phụ nữ, các thanh thiếu niên và cha mẹ có con là thanh thiếu niên.

UBND tỉnh Lào Cai giao cho các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh xây dựng 17 mô hình điểm để tập trung, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền với nhiều tên gọi như: “Bộ đội Biên phòng đồng hành cùng bà con thôn bản nói không với tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống”; “ Công an đồng hành cùng bà con thôn bản nói không với tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống”; “Nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”; “Tổ phụ nữ không có con tảo hôn”; “Thanh thiếu niên nói không với tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống”; “Cha mẹ đồng hành cùng con cái nói không với tảo hôn”; “Chống tảo hôn”, “Giáo dục cha mẹ trong chăm sóc và phát triển trẻ em gắn với hôn nhân gia đình”; ...

Ảnh minh họa
Nhiều hình thức tuyên truyền, vận động phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống được triển khai thực hiện trong thời gian qua (ảnh: LCĐT).

UBND tỉnh yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo các Trung tâm Y tế phối hợp với các địa phương phân tích rõ số liệu phụ nữ dân tộc thiểu số sinh con dưới 18 tuổi lần đầu và các lần tiếp theo để đánh giá chính xác số liệu tảo hôn. Chỉ đạo Tỉnh Đoàn, Sở Giáo dục và Đào tạo tăng cường kiểm tra, nắm bắt tình hình thanh thiếu niên, đặc biệt là học sinh để có các biện pháp tuyên truyền thực hiện phòng, chống tảo hôn; nâng cao nhận thức cho đồng bào dân tộc thiểu số về thực hiện hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, nâng cao chất lượng dân số... Các địa phương xây dựng kế hoạch công tác phòng, chống tảo hôn; tăng cường rà soát, nắm bắt tình hình thanh thiếu niên để tuyên truyền; kịp thời phát hiện các trường hợp có ý định tảo hôn để tuyên truyền, vận động, can thiệp.

Công tác tuyên truyền cũng được đổi mới về cả nội dung và hình thức như: Xây dựng các video phóng sự phản ánh thực trạng, hậu quả của tảo hôn bằng tiếng dân tộc, các khẩu hiệu (băng rôn), tờ rơi, pa nô, bảng tuyên truyền (áp phích) có thiết kế các hình ảnh nêu bật lên tác hại, hậu quả của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống với ngôn ngữ đơn giản, ngắn gọn, dễ hiểu; phát huy vai trò của già làng, người có uy tín, các tổ chức đoàn thể ở xã, thôn bản, chiến sỹ biên phòng... trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tham gia vào công tác tuyên truyền, vận động.

Thực hiện chỉ đạo từ UBND tỉnh Lào Cai, UBND huyện Bắc Hà đã ban hành kế hoạch về việc triển khai công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện. Cụ thể, Kế hoạch số 120, ngày 30/3/2023 triển khai thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 9 “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”. Kết quả, tình trạng tảo hôn đã giảm mạnh, không phát sinh trường hợp hôn nhân cận huyết. Với sự vào cuộc tích cực đó, huyện Bắc Hà đã đặt mục tiêu chấm dứt tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vào năm 2025.

Còn nhiều trăn trở

Công cuộc ngăn chặn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn huyện Bắc Hà như tấm gương phản ánh bức tranh chung về phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên toàn tỉnh: Có chuyển biến tích cực nhưng còn nhiều khó khăn.

Thực tế hiện nay, huyện Bắc Hà vẫn là điểm nóng về tình trạng phụ nữ sinh con dưới 18 tuổi ở Lào Cai, với 106 trẻ được sinh ra trong 9 tháng đầu năm 2023. Theo cán bộ Trung tâm Y tế huyện Bắc Hà, các xã vùng cao như Lùng Cải, Thải Giàng Phố, Hoàng Thu Phố, tình trạng phụ nữ chưa đủ tuổi sinh con vẫn rất phức tạp.

Ảnh minh họa
Ảnh Báo Lào Cai.

Đối với vấn đề này, cán bộ quản lý địa bàn cho rằng, việc công nghệ phát triển, mỗi cháu có một chiếc điện thoại thông minh, tự do kết bạn và nói chuyện, hẹn hò nhau qua điện thoại đã khiến việc kiểm soát càng thêm khó khăn. Do đó, chính quyền địa phương phải vào cuộc mạnh mẽ, quản lý người đến cư trú. Các trường học phải quản lý tốt học sinh, giáo dục cho các cháu về tình yêu, tình bạn, tình dục an toàn. Tất cả ban ngành, đoàn thể phải giáo dục cho các thế hệ hiểu được việc sinh con dưới 18 tuổi là không tốt.

Từ năm 2022 đến nay, huyện Bắc Hà đã tổ chức 247 hội nghị cho 16.450 lượt người tham gia và phát động chiến dịch truyền thông kêu gọi toàn dân tham gia phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; xây dựng các mô hình điểm can thiệp làm giảm tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và phụ nữ dưới 18 tuổi sinh con; xử phạt hành chính 16 trường hợp vi phạm tảo hôn với số tiền là 31,0 triệu đồng; đồng thời xử lý kỷ luật một số cán bộ, đảng viên để con em tảo hôn.

Thời gian tới, tỉnh Lào Cai sẽ tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, nâng cao vai trò của các tổ chức đoàn thể, tạo sự thống nhất về nhận thức, đồng thuận xã hội trong công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Quy định về trách nhiệm đối với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền ở cơ sở trong thực hiện công tác phòng, chống tảo hôn ở địa phương. Đồng thời tăng cường kiểm tra, nắm bắt tình hình thanh, thiếu niên, đặc biệt là các học sinh để có các biện pháp tuyên truyền thực hiện phòng, chống tảo hôn. Nâng cao nhận thức cho người dân về các hệ luỵ của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; gắn phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống với việc thực hiện cải tạo tập quán lạc hậu trong đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số.

Bên cạnh đó, Lào Cai sẽ tiếp tục duy trì thực hiện các Mô hình điểm can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết. Tăng cường phổ biến những quy định của pháp luật có liên quan đến hôn nhân gia đình, tảo hôn và hôn nhân cận huyết cũng như làm rõ những hậu quả, tác hại và hệ lụy do vấn nạn này gây ra. Qua đó, nhằm nâng cao nhận thức, dần dần thay đổi được hành vi, từng bước hạn chế và tiến tới chấm dứt hoàn toàn tình trạng tảo hôn.

Mô hình điểm “Bộ đội Biên phòng Lào Cai đồng hành cùng thôn, bản nói không với tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống” được ra mắt tháng 10 năm 2022. Đây là Mô hình điểm đầu tiên của BĐBP cả nước được triển khai thực hiện tại Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu. Ban Chỉ đạo đã phối hợp với các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức 04 hội nghị tuyên truyền cho người dân tham gia sinh hoạt Mô hình điểm nói không với tảo hôn, hôn nhân nhân cận huyết thống với 520 người tham dự. Tổ thức 13 hội nghị trực tiếp cho người dân tại các xã biên giới với 2.240 người tham dự. Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu phối hợp, tổ chức 04 đợt tuyên truyền tại 17 thôn được 68 buổi/488 người tham gia; tuyên truyền trực tiếp tại các hộ gia đình được 20 buổi/126 lượt người tham gia/6.565 lượt người nghe. Phối hợp với trường THCS 2 xã Tả Gia Khâu, Dìn Chin (được 06 buổi/36 lượt cán bộ tham gia/3.244 lượt các em học sinh trong độ tuổi 13 đến 15 tuổi nghe. Tổ chức cho 6.088 hộ gia đình trên địa bàn 2 xã tự nguyện cam kết về phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Sau 1 năm triển khai thực hiện, Mô hình điểm “Bộ đội Biên phòng Lào Cai đồng hành cùng thôn, bản nói không với tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống” nhận được sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành đoàn thể địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, hiểu biết, thay đổi hành vi của đồng bào các dân tộc trên địa bàn đơn vị quản lý. Qua đó công tác can thiệp, làm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn triển khai Mô hình bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực, tình trạng tảo hôn đã được giảm thiểu rõ rệt so với thời điểm trước khi triển khai Mô hình.

Thành Công- Ngọc Lợi