Bình Dương: Tập trung nguồn nhân lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

11:24 09/05/2022

Trong những năm qua, tỉnh Bình Dương luôn xác định lực lượng công nhân lao động (CNLĐ) có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Vì vậy, việc tập trung xây dựng đội ngũ CNLĐ tỉnh ngày càng lớn mạnh về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới là nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu.

Vai trò then chốt của lực lượng lao động trong quá trình phát triển kinh tế

Là tỉnh ở khu vực Đông Nam bộ, thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Dương đã trở thành một hình mẫu về thu hút đầu tư và tiến hành công nghiệp hóa, đô thị hóa.

Sau 25 năm tái lập (1997-2022), với mục tiêu xây dựng tỉnh trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, đô thị thông minh của vùng Đông Nam bộ và cả nước, nhìn lại những kết quả đạt được, Bình Dương xác định nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giữ vai trò then chốt bên cạnh yếu tố công nghệ và hạ tầng, đưa tỉnh tiếp tục phát triển, là điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư chiến lược.

Từ một tỉnh thuần nông, xuất phát điểm thấp, cùng với nắm bắt lợi thế về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên, Bình Dương đặc biệt quan tâm phát triển nguồn nhân lực, thu hút đội ngũ người lao động từ mọi miền đất nước góp sức xây dựng tỉnh trở thành địa phương phát triển, có tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa cao trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Trong những năm qua, tỉnh luôn xác định lực lượng công nhân lao động (CNLĐ) có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đã có nhiều chủ trương, chính sách thiết thực chăm lo cho đội ngũ CNLĐ, như về nhà ở, giải quyết việc làm, y tế, giáo dục, đầu tư và nâng cao chất lượng hoạt động các thiết chế văn hóa, các khu vui chơi, giải trí phục vụ cho người lao động được thực hiện; đồng thời tích cực phối hợp cùng doanh nghiệp không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức chính trị trình độ học vấn, tay nghề, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNLĐ được các cấp, các ngành, tổ chức công đoàn quan tâm thực hiện thường xuyên, đạt nhiều kết quả tích cực…

Với những chủ trương đúng đắn, được triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả, đời sống vật chất và tinh thần của đại bộ phận CNLĐ trên địa bàn tỉnh không ngừng được cải thiện. Các vấn đề về việc làm, thu nhập, nhà ở, không gian sinh hoạt vui chơi, giải trí,... của đại đa số CNLĐ từng bước được cải thiện. Ý thức chính trị, tinh thần yêu nước, lòng tin đối với Đảng, Nhà nước của người lao động được củng cố, thái độ và trách nhiệm trong lao động, sản xuất được nâng cao rõ rệt. Phong trào công nhân không ngừng đổi mới và phát triển, lực lượng công nhân ngày càng tăng về số lượng và chất lượng, tuổi đời bình quân trẻ, một bộ phận CNLĐ có khả năng tiếp cận nhanh với thành tựu khoa học – kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, có tính kỷ luật và tinh thần đoàn kết, có ý chí không ngừng tự học tập, rèn luyện để nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội và phong trào an ninh của địa phương

CNLĐ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển lực lượng phát triển kinh tế của Bình Dương.
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (ngoài cùng bên trái) thăm và trao quà cho công nhân.

Thời gian qua, tỉnh đã có nhiều chương trình, đề án thu hút, nâng cao trình độ cho lực lượng lao động. Đó là các chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2015; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, cán bộ khoa học-kỹ thuật và đội ngũ công nhân lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong giai đoạn 2016-2020; Đề án đảm bảo nguồn lao động có tay nghề, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2020, đến năm 2025.

Hiện nay, 100 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh tuyển sinh khoảng 30.000 học viên các trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng, góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của tỉnh hiện đạt 80,5%, trong đó khoảng 30% lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ.

Công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức chính trị, trình độ học vấn, tay nghề, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNLĐ.
Các hoạt động hỗ trợ, trao quà tặng cho CNLĐ giúp họ tiếp thêm động lực để tiếp tục đóng góp sức lao động.

Còn nhiều khó khăn cần phải giải quyết

Thời gian qua, Bình Dương đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong phát triển nguồn nhân lực, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế ở địa phương vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Tuy nhiên, việc tăng nhanh số lượng CNLĐ đặt ra nhiều vấn đề cần tập trung giải quyết: đời sống vật chất và tinh thần của CNLĐ còn nhiều khó khăn, nhất là trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid 19; chưa được thụ hưởng tương xứng với thành quả lao động; điều kiện và môi trường làm việc chưa đảm bảo; việc chăm sóc sức khỏe, nơi gửi trẻ, nhà ở cho công nhân…vẫn còn nhiều bất cập; các thiết chế văn hóa, mô hình, khu vui chơi cho người lao động, con em công nhân lao động còn thiếu; trình độ học vấn, chuyên môn tay nghề, kỹ năng nghề nghiệp của đa số CNLĐ còn hạn chế, công nhân bậc cao, tay nghề giỏi còn chiếm tỷ lệ thấp; hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng cho CNLD ở một số nơi chưa cao.

Mặt khác, nhiều doanh nghiệp chưa thật sự quan tâm đúng mức đến đời sống của người lao động. Tình trạng tranh chấp lao động tập thể ngày càng diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, mặt trái kinh tế thị trường tác động đến lối sống lệch lạc của một bộ phận công nhân; các thế lực thù địch cũng đang âm mưu chia rẽ, phá hoại sự đoàn kết CNLĐ nói riêng và các tầng lớp dân cư nói chung.

Hiện có khoảng 70% chủ doanh nghiệp gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động được đào tạo đúng ngành nghề và 90% đại diện doanh nghiệp rất khó tuyển lao động có trình độ cao sau khi nâng cao công nghệ và đầu tư nhiều vốn sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, đại diện một số doanh nghiệp cũng phản ánh các kỹ năng mà lao động được đào tạo còn “bị lệch” so với các kỹ năng mà doanh nghiệp cần hoặc các kỹ năng được đào tạo của lao động mới chưa phù hợp với nhu cầu doanh nghiệp.

Đội ngũ lao động có tay nghề cao làm việc trong khu vực doanh nghiệp FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài) tại Bình Dương trong những năm qua có xu hướng năm sau cao hơn năm trước. Tuy vậy, mức chuyển biến này diễn ra chậm và vẫn thiếu so với nhu cầu phát triển các ngành kinh tế chủ lực của địa phương, nhất là để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu cũng như nâng cấp vị thế của tỉnh công nghiệp Bình Dương trong chuỗi giá trị đó.

Nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó trong tuyển dụng lao động ở các vị trí đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật cao như quản lý lãnh đạo, kế toán, quản lý và cán bộ kỹ thuật. Các chi phí cho đào tạo lại, đào tạo lao động còn cao, tình trạng lao động “nhảy việc” bỏ việc sau khi được đào tạo là điều quan ngại của nhiều doanh nghiệp.

Ngoài ra, nhìn vào cơ cấu việc làm ở Bình Dương thì nhóm nhà lãnh đạo và nhóm chuyên môn kỹ thuật bậc cao còn chiếm tỷ lệ thấp và khá thấp. Theo số liệu thống kê các năm 2016-2020, nhóm nhà lãnh đạo chiếm 0,9% và nhóm chuyên môn kỹ thuật bậc cao chiếm 0,78%. Lực lượng lao động thuộc nhóm dịch vụ cá nhân, bảo vệ, thợ thủ công, thợ lắp ráp và vận hành máy móc, thiết bị chiếm trên 90%.

Dựa trên cơ cấu và tỷ lệ lao động, có thể thấy dù Bình Dương là tỉnh công nghiệp hóa điển hình của cả nước nhưng nền kinh tế vẫn cơ bản là nền sản xuất có tỷ lệ thâm dụng lao động khá cao. Để tỉnh sớm trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại và đô thị thông minh của cả nước, từ góc độ nguồn nhân lực, Bình Dương đang gặp nhiều thách thức, đòi hỏi phải có lời giải phù hợp cho "bài toán" này. 

Nguyễn Kim Loan - Chủ tịch Liên đoàn lao động Bình Dương thăm hỏi công nhân lao động.
Bà Nguyễn Kim Loan - Chủ tịch Liên đoàn lao động Bình Dương thăm hỏi công nhân lao động. 

Có thể thấy, đội ngũ CNLĐ có vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển của tỉnh, vì vậy, cần thiết phải tập trung xây dựng đội ngũ CNLĐ tỉnh Bình Dương ngày càng lớn mạnh về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới.

Đề làm được, cần tập trung vào bốn nhóm giải pháp sau: Thứ nhất, phát triển đa dạng, hiệu quả các hoạt động chăm lo lợi ích cho CNLĐ, đặc biệt là CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn, CNLĐ nhập cư; giải quyết kịp thời, hiệu quả về việc làm, nơi ở, điều kiện chăm sóc sức khỏe, nơi vui chơi, giải trí cho CNLĐ, tạo môi trường an toàn, an ninh trong công nhân. Nâng cao năng lực đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người lao động.

Thứ hai, xây dựng môi trường văn hóa lao động an toàn, tích cực, lành mạnh trong doanh nghiệp, khu, cụm công nghiệp. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các phong trào văn hóa, văn nghệ, đáp ứng tốt nhu cầu đời sống tinh thần cho CNLĐ.

Chương trình trao quà tết của lãnh đạo Đảng, nhà nước cho công nhân lao động tỉnh Bình Dương
Chương trình trao quà tết của lãnh đạo Đảng, nhà nước cho công nhân lao động tỉnh Bình Dương.

Thứ ba, tiến hành thường xuyên, đồng bộ, chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục, góp phần nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động cho người lao động.

Cuối cùng, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách pháp luật về lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động, bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNLĐ, hạn chế đến mức thấp nhất những vi phạm chính sách, pháp luật của các doanh nghiệp và người sử dụng lao động đối với người lao động. Xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong các loại hình doanh nghiệp.

Tập trung mọi nguồn lực để chăm lo và tạo chuyển biến rõ nét trong đời sống vật chất và tinh thần cho CNLĐ, từng bước đáp ứng yêu cầu nguyện vọng chính đáng của người lao động là nhiệm vụ thiết yếu để họ yên tâm lao động, sản xuất cùng chung vai, trách nhiệm xây dựng quê hương Bình Dương ngày càng phát triển bền vững.

Hoàng Thu